Để rừng bị phá nghiêm trọng, 161 cán bộ ở Lâm Đồng bị kỷ luật

Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xử lý kỷ luật hàng trăm cán bộ, nhân viên vì mắc sai phạm, thiếu trách nhiệm để xảy ra hơn 2.850 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có tới 147 vụ phức tạp, nổi cộm, gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay.

Rừng dổi cổ thụ ở Lâm Hà bị lén lút cưa hạ

Rừng dổi cổ thụ ở Lâm Hà bị lén lút cưa hạ

Ngày 27/4, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2018 đến nay, đã có 13 cơ quan, đơn vị và 161 cán bộ, nhân viên bị kỷ luật do mắc sai phạm, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lập vườn sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái phép…

Trong khoảng thời gian này, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra hơn 2.850 vụ vi phạm lâm luật với diện tích rừng bị phá trên 204ha, khối lượng lâm sản bị thiệt hại lên đến 12.240m³; đồng thời có tới 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 430ha.

Dùng xe máy múc san ủi, lấn chiếm đất rừng

Dùng xe máy múc san ủi, lấn chiếm đất rừng

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng là do lực lượng chức năng, đơn vị liên quan ở một số địa phương chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều vụ chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý, có tới 1.340 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm.

Cũng theo UBND tỉnh, trong số đó có tới hàng trăm vụ phức tạp, nổi cộm, gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng. Nhiều vụ chưa điều tra rõ để xử lý đối với các đầu nậu, kẻ cầm đầu, các đường dây, các đối tượng thông đồng, bao che, bảo kê cho hoạt động vi phạm, phạm tội nên chưa tạo tính răn đe, giáo dục. Số vụ án được hoàn thiện điều tra, đưa ra truy tố, xét xử chiếm tỷ lệ thấp, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Cây rừng bị cưa hạ ngổn ngang

Cây rừng bị cưa hạ ngổn ngang

Mới đây, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT rà soát lại toàn bộ diện tích rừng, các vụ phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp từ năm 2018 đến nay; đặc biệt là các vụ nổi cộm; kiện toàn bộ máy kiểm lâm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ của đội ngũ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng này phải tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, không để phát sinh thành điểm nóng, nổi cộm về chặt phá, khai thác lâm sản trái phép.

Ông Trần Văn Hiệp (người ngồi) kiểm tra rừng thông bị tàn phá

Ông Trần Văn Hiệp (người ngồi) kiểm tra rừng thông bị tàn phá

Ông Hiệp cũng giao lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng phá rừng trên địa bàn; đồng thời tổ chức rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo Sở KH&ĐT rà soát lại các dự án thuê rừng, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với dự án để xảy ra mất rừng và không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định.

Đối với các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức giải tỏa toàn bộ diện tích bị lấn chiếm để trồng lại rừng; mặt khác, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cán bộ có liên quan đến các vụ phá rừng; xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho lâm tặc.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-rung-bi-pha-nghiem-trong-161-can-bo-o-lam-dong-bi-ky-luat-post1434052.tpo