Để rừng Phú Mỡ mãi xanh (kỳ 1)

Trong chiến tranh giải phóng đất nước, những cánh rừng ở vùng giáp ranh 3 tỉnh Phú Yên - Gia Lai - Bình Định che chở cách mạng. Ngày nay, rừng ở vùng thượng nguồn huyện Đồng Xuân có giá trị quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy và khí hậu vùng hạ lưu. Đồng Xuân triển khai các chương trình, kế hoạch giữ rừng thành công ở xã Phú Mỡ - vùng đất 100% DTTS Chăm và Ba Na sinh sống.

KỲ 1: Chi bộ giữ rừng

Tính gương mẫu, tiên phong của đảng viên, tổ chức đảng giữ vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và bảo vệ rừng ở xã Phú Mỡ. Những chi bộ giữ rừng được hình thành. Ở đó, tiếng nói, việc làm của bí thư chi bộ, đảng viên có giá trị làm điểm tựa, để cộng đồng người DTTS chung tay thực hiện việc quản lý và bảo vệ hơn 9.045ha rừng tự nhiên quy hoạch phòng hộ và rừng sản xuất.

Các tổ quản lý bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra rừng tự nhiên ở xã Phú Mỡ. Ảnh: NHẬT HUY

Các tổ quản lý bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra rừng tự nhiên ở xã Phú Mỡ. Ảnh: NHẬT HUY

Phát huy vai trò đảng viên

Ở tuổi 58, ông La O Bé (đảng viên Chi bộ Thôn Phú Lợi) không thể nhớ mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng, ngọn núi ở xã Phú Mỡ. Nhưng ông biết rõ con đường nào dẫn đến nơi có gỗ quý, con ong làm mật, cây mây, cây chuối rừng...

Theo ông La Lan Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, không riêng gì ông La O Bé, người dân ở các thôn Phú Giang, Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Đồng, ai cũng rành rọt những ngọn cây, con suối ở thượng nguồn sông Kỳ Lộ như ông La O Bé.

“Đối với cộng đồng dân tộc Chăm, Ba Na ở xã Phú Mỡ, những cánh rừng thượng nguồn đã nuôi sống họ từ khi cất tiếng khóc chào đời. Vậy nên, hãy khuyến khích những người DTTS giữ rừng bằng bản năng, quy ước cộng đồng và sức mạnh tập thể. Những người có uy tín, đảng viên sẽ vận hành tổ quản lý bảo vệ rừng, sau đó họ sẽ vận động cộng đồng dân cư cùng tham gia mô hình ý nghĩa này. Khi ấy, gỗ quý sẽ được bảo tồn, rừng xanh sẽ còn mãi”, ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân chia sẻ.

Đồng Xuân là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, buôn. Theo đó, có 831 hộ người Chăm và Ba Na của 4 thôn Phú Giang, Phú Tiến, Phú Đồng, Phú Lợi tham gia quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích 25.095ha (378 lô, 104 khoảnh, 17 tiểu khu).

Mục tiêu hướng tới của mô hình là bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng tự nhiên vùng đầu nguồn ở Phú Mỡ; tuần tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp khai thác rừng trái phép, báo chính quyền và lực lượng chức năng phối hợp xử lý; hạn chế tình trạng đốt rẫy gây cháy rừng.

“Ý tưởng mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng xã Phú Mỡ rất ý nghĩa. Đây là một trong những chương trình mà chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, KT-XH địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai luôn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, vai trò của chi bộ, già làng có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn, đảng viên trong các tổ cộng đồng được vận dụng và phát huy mạnh mẽ. Họ có kiến thức, hiểu biết, khả năng lan tỏa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng đến cộng đồng dân cư. Đây là những giá trị vềcông tác dân vận và là cơ sở để triển khai mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng xã Phú Mỡ”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết.

Theo báo cáo của Đảng ủy xã Phú Mỡ, số lượng đảng viên của 4 tổ cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng là 150 người. Đây là lực lượng tiên phong, nòng cốt để triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

Khi bộ khung tổ quản lý bảo vệ rừng hình thành, người tổtrưởng (đảng viên) có trách nhiệm quan trọng: giữ tiền, chia tiền, điều hành hoạt động tuần tra, kiểm tra và vận động 831 hộ cùng thực hiện đúng cam kết với UBND xã Phú Mỡ. “Đảng viên và người có uy tín trong chi bộ thôn, buôn sẽ đảm nhận công việc tổ trưởng”, ông Minh khẳng định thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong các cuộc họp chi bộ thôn, những vấn đề quan trọng về việc quản lý bảo vệ rừng được đưa ra bàn luận sôi nổi và triển khai hiệu quả.

“Mỗi đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền cho mỗi người dân, rừng sẽ là tài sản vô giá mà cộng đồng dân tộc Chăm, Ba Na để lại cho con cháu mai sau. Là đảng viên, ngoài việc tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước, khi được sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, tôi mạnh dạn nhận làm tổ trưởng tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thôn Phú Lợi. Khi làm việc vì cái chung, đặt hiệu quả bảo vệ rừng lên hàng đầu, các thành viên trong tổ cũng như cộng đồng dân cư hưởng ứng và làm theo”, ông La Lan Thông, Trưởng thôn Phú Lợi nói.

Tăng sinh kế, bảo vệ hệ sinh thái

Làngười nhiều năm gắn bóvới những cánh rừng của huyện Đồng Xuân, ông Nguyễn Trung Háo nhận định cách tốt nhất để giữ rừng tự nhiên ở Phú Mỡ là tăng sinh kế, cải thiện đời sống cho người DTTS. Điều này tạo ra quyền lợi và tương tác với trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng ở vùng thượng nguồn huyện Đồng Xuân.

Theo UBND xã Phú Mỡ, ngoài công tác định hướng tư tưởng cho cộng đồng dân cư, mô hình khoán quản lý bảo vệ rừng triển khai hiệu quả là do có mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm (Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính).

Với mức này, 4 tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ nhận 3,01 tỉ đồng sau thời gian 10 tháng (3-12/2024) làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ 9.045ha rừng tự nhiên ở xã Phú Mỡ. Hợp đồng giữa UBND xã và 4 tổ quản lý bảo vệ rừng sẽ được ký hằng năm. Lực lượng chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trước khi giải ngân số tiền trên.

Ước tính mỗi hộ sẽ có khoảng 10 triệu đồng/năm tiền hỗ trợ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Đây không phải là số tiền quá lớn, nhưng với nhiều người DTTS ở Phú Mỡ, đó là sự cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, quan tâm của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng dân tộc Chăm và Ba Na, đồng thời thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa thôn Phú Lợi chứng kiến sự điều hành của tổ trưởng La Lan Thông với các thành viên vềchuyến tuần tra bảo vệ rừng ngày hôm sau. Ông là người kêu gọi và quyết định số người cùng tham gia chuyến đi ấy. Lộ trình được vạch ra (khoảng 100km), ông Thông trích tiền từ quỹ hoạt động của tổ quản lý bảo vệ rừng để mua các nhu yếu phẩm cho chuyến đi. Các thành viên đi xe máy đến bìa rừng, sau đó cùng nhau đi bộ để kiểm tra từng cây gỗ quý, rà soát những vùng nhạy cảm để phát hiện các trường hợp khai thác rừng trái phép. Thời gian cho mỗi chuyến tuần tra như vậy là từ mờ sáng đến chiều tối.

Nhìn đoàn người len lỏi trong những cánh rừng xanh thẳm thượng nguồn sông La Hiên, băng qua các con suối Kẻ Cách, Ea MLá, Cà Tơn… làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ “lá phổi xanh”, trong đó những người đảng viên tiên phong dẫn đầu, thực hiện các công việc khó khăn vất vả, chúng tôi hiểu giá trị của sự đồng thuận, lan tỏa và tràn đầy hy vọng về sự hiệu quả của mô hình giữ rừng bằng sức mạnh tập thể, cộng đồng dân cư ở thôn, buôn.

KỲ CUỐI: Giữ rừng từ gốc

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319129/de-rung-phu-mo-mai-xanh-ky-1.html