Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ rau mầm
Thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, rau mầm là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều loại rau thông thường, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, rau mầm rất dễ bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm bởi các vi khuẩn: Salmonella, E.coli, Listeria...
Thông thường, rau mầm được dùng để ăn sống kèm với salad, món cuộn hoặc ăn cùng các loại bánh tráng, hải sản, thịt hoặc nhúng lẩu. Có nhiều loại rau mầm như: Mầm cải, mầm lạc, mầm đậu xanh, đậu trắng, mầm cỏ linh lăng…
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, rau mầm rất dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Hạt giống cần điều kiện ấm, ẩm và giàu dinh dưỡng để mầm phát triển. Những điều kiện này là lý tưởng cho sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn. Mọi người hay sử dụng xơ dừa hoặc rơm cắt nhỏ để làm giá thể trồng rau mầm. Nếu các giá thể trên chưa sạch và không tiệt trùng sẽ khiến cho rau mầm dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Bên cạnh đó, nước dùng để tưới nếu không sạch, bị nhiễm khuẩn hoặc lẫn các chất độc hại thì sẽ khiến rau mầm bị nhiễm vi khuẩn và các chất độc hại.
Để ăn rau mầm không bị ngộ độc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn mua rau mầm ở những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Không nên mua rau mầm có màu lạ, thân và lá rau to, xanh, bóng mượt quá mức. Đây là các dấu hiệu thường gặp ở rau mầm có chứa chất bảo quản và chất kích thích sinh trưởng.
Rau mầm trước khi chế biến cần được rửa nhiều lần, thật sạch và kỹ dưới vòi nước chảy. Sau khi rửa xong, cần ngâm rau mầm trong nước muối pha loãng khoảng 10-15 phút rồi rửa lại với nước sạch để loại bỏ những hóa chất còn tồn đọng trong rau, giảm nguy cơ ngộ độc. Để an toàn và tốt nhất là nên mua hạt giống rau mầm về gieo tại nhà. Khi đó, người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn nước tưới, quy trình công nghệ để rau không bị nhiễm độc.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tiem-an-nguy-co-ngo-doc-tu-rau-mam-677255.html