Để sàn giao dịch vàng được vận hành hiệu quả
Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch vàng thời điểm này là phù hợp và đem lại nhiều lợi ích. Mặc dù vậy, để sàn giao dịch đi vào vận hành thành công, cần phải có sự tính toán xây dựng kỹ lưỡng để phù hợp với đặc điểm tình hình tại Việt Nam.
Nhiều lợi ích được đem lại
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng để cho phép người dân tự do giao dịch, mua bán, đồng thời tách bạch rõ ràng giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định, việc thành lập sàn giao dịch vàng là cần thiết và quan trọng để đưa thị trường đi vào hoạt động ổn định.
Khi có sàn giao dịch vàng, người dân được ký gửi vàng dưới dạng tài sản hoặc tham gia giao dịch trên sàn sẽ huy động được dòng vốn của người dân tích trữ bằng vàng chảy vào nền kinh tế và phát huy hiệu quả cao hơn. Số vàng này sẽ góp phần cải thiện bài toán nguồn cung thiếu hụt trên thị trường và sẽ kiểm soát lượng cung vàng dễ hơn. Khi đó, nước ta không cần nhập khẩu quá nhiều vàng vật chất để đáp ứng lượng cung đang thiếu hụt, tránh được những tác động không tốt lên ngoại tệ và dự trữ ngoại hối.
Hơn nữa, nếu phát triển vàng tín chỉ và vàng tài khoản, nhu cầu sở hữu vàng vật chất trong dân sẽ giảm đáng kể, từ đó kéo giảm áp lực cung ứng vàng vật chất ra nền kinh tế. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ thêm, việc thành lập sàn giao dịch vàng giúp dễ thanh khoản và liên thông được với thị trường thế giới, góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với quốc tế.

Có thời điểm ngân hàng phải trực tiếp bán vàng để bình ổn thị trường trong nước
Đồng thời, sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng sẽ được giảm bớt. "Chênh lệch mua bán giữa giá mua và giá bán ở thị trường vàng trong nước đang khá cao, khoảng 2-3 triệu đồng/ lượng. Khi hình thành những sàn giao dịch vàng, chênh lệch mua bán sẽ thấp hơn. Như hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam chênh lệch mua bán chủ yếu là phí giao dịch và thuế, hiện dao động khoảng 0,3%- 0,4%, thấp hơn rất nhiều so vàng đang khoảng 2% - 3% ở thị trường vàng trong nước", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính – Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch vàng sẽ đem lại một số lợi ích. Để tiến hành giao dịch trên sàn, các nhà đầu tư sẽ phải ký gửi vàng vào trung tâm lưu trữ vàng cũng tương tự như gửi tiền vào ngân hàng, sẽ an toàn hơn việc cất giữ vàng vật chất tại nhà, giảm các nguy cơ rơi mất, trộm cắp, giảm rủi ro vàng giả, vàng không đủ chất lượng. Đồng thời, cơ chế hình thành giá cả giá cả và dòng tiền minh bạch hơn, tình trạng đầu cơ, trục lợi hoặc thổi giá sẽ được giảm bớt. Cơ sở xác định thuế thu nhập từ kinh doanh, mua bán vàng (nếu có) cũng sẽ được xác định rõ ràng hơn.
"Khi sàn được thành lập, các giao dịch cũng như cơ chế để xác định giá, hình thành giá sẽ được công khai minh bạch hơn, việc kiểm soát các giao dịch sẽ dễ dàng hơn", TS Nguyễn Anh Vũ phân tích.
Phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của Việt Nam
TS Nguyễn Anh Vũ nhận định, đa phần người dân Việt Nam có thói quen tới mua vàng tại các cửa hàng và cất giữ vàng vật chất tại nhà. Bởi vậy, với nhà đầu tư, sàn giao dịch cần tạo được sự tin tưởng để người dân đến mua bán. Đồng thời, cần phải quy định rõ khi người dân sở hữu chứng chỉ vàng thì có thể quy đổi từ vàng tài khoản ra vàng vật chất bất kỳ lúc nào.
Tương tự, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương cho rằng, thời gian đầu, sự hưởng ứng của người dân đối với sàn giao dịch vàng sẽ hạn chế do thói quen mua bán lâu nay của người dân. Bởi vậy, cần phải có những chính sách ưu đãi và tuyên truyền làm sao cho đủ hấp dẫn.

Người dân Việt Nam đa số có thói quen mua vàng vật chất tại các cửa hàng
Theo bà Nương, việc thành lập sàn giao dịch vàng là một bước tiến quan trọng trong quá trình tài chính hóa thị trường vàng. Việc này được thực hiện tại nhiều quốc gia và có một số nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc,… và đã đạt thành công. Các cơ quan quản lý có thể học hỏi, nghiên cứu cách xây dựng các mô hình này rồi điều chỉnh cho phù hợp tình hình thị trường, pháp lý tại Việt Nam: "Cần tránh tuyệt đối tình trạng thao túng tại sàn như đã từng xảy ra ở các sàn giao dịch chứng khoán. Ngay từ đầu, cần phải quy định rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả bên quản lý, vận hành lẫn bên thụ hưởng trực tiếp."
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, việc lập sàn giao dịch vàng phải do Ngân hàng Nhà nước quản lý, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng sàn vàng chui, gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý chính sách tiền tệ và tỷ giá. Ngoài ra, để xây dựng sàn giao dịch vàng, cần có hệ thống giao dịch online, xây dựng công nghệ mới nhất như blockchain để đảm bảo tính an toàn, bảo mật, công khai, minh bạch cho thị trường.
"Đa số mọi người, đặc biệt là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường đều muốn đầu tư. Cho nên, giá sản phẩm như thế thì khi lập những sàn vàng như thế này cũng sẽ thỏa được mong muốn của họ. Thực tế, khi đó nhu cầu nhận vàng vật chất sẽ không còn nhiều như hiện tại nên tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên và góp phần là hấp thụ được lượng cầu ở thị trường vàng trong nước hiện nay đang rất là lớn, hạn chế được việc là chúng ta sẽ phải nhập khẩu quá nhiều vàng vật chất, từ đó hạn chế gây tác động lên ngoại tệ cũng như thị trường ngoại hối", TS. Nguyễn Hữu Huân đề xuất, Việt Nam nên xây dựng mô hình sàn giao dịch vàng hybrid (vừa giao nhận vàng thực tế, vừa phục vụ cho nhu cầu kinh doanh chênh lệch giá).
Về mặt pháp lý, các chuyên gia cho rằng, cần phải nhanh chóng sửa đổi một số quy định trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; có hành lang cơ sở pháp lý cho phép lập sàn giao dịch vàng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Một số điều cần sớm thay đổi, như: gia tăng cấp phép nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho nhiều thương hiệu vàng khác tham gia thị trường,… để giúp thị trường vàng có thể phát triển lâu dài, bền vững.