Để sản phẩm làng nghề rộng đường xuất ngoại

Chưa có chiến lược marketing rõ ràng, thiếu thông tin thị trường, không chú trọng xây dựng thương hiệu… là những trở ngại khiến sản phẩm làng nghề của Việt Nam chật vật tiếp cận thị trường quốc tế.

Nhiều dư địa khai thác

Thị trường thủ công mỹ nghệ (TCMN) toàn cầu được định giá 1,007 tỷ USD vào năm 2023, hướng đến con số 1,107 tỷ USD vào năm 2024 và 2,394 tỷ USD vào năm 2032. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm TCMN nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Trong nhiều năm gần đây, hàng TCMN luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác.

Làng nghề truyền thống hương thôn Cao (Bảo Khê, Hưng Yên).

Làng nghề truyền thống hương thôn Cao (Bảo Khê, Hưng Yên).

Phát triển ngành hàng TCMN là hướng đi đúng đắn trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP… đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ USD (2015) lên đến 2,23 tỉ USD (2019), phấn đấu đạt 4 tỉ USD vào năm 2025.

Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau, như: mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, trạm khắc gỗ, trang sức, đá quý... Doanh thu của các làng nghề này rơi vào khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng vào khoảng 8,7% trong giai đoạn 2024 – 2032. Đây là con số thấp hơn mức tăng trưởng ngành toàn cầu, cho thấy ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn sơ khai và nhiều dư địa phát triển.

Chia sẻ về những khó khăn hiện tại của làng nghề Việt Nam, TS Tôn Gia Hóa cho biết, các ngành nghề TCMN chưa được xây dựng theo quy trình bài bản, gây khó khăn cho việc bảo vệ, phát triển thương hiệu. Giá trị các thương hiệu chưa đảm bảo cho việc tiếp cận các thị trường khó tính ở nước ngoài, từ đó giá thành sản phẩm không thể nâng cao.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đào tạo Phát triển Làng nghề Việt Nam Cao Bích Thủy, các làng nghề TCMN Việt Nam hiện tại vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Một số vấn đề chính bao gồm, chưa có chiến lược marketing rõ ràng, nhiều cơ sở sản xuất vẫn dựa vào phương thức truyền thống và chưa áp dụng các công cụ marketing hiện đại.

Thiếu thông tin thị trường, các nhà sản xuất thường không nắm rõ nhu cầu và xu hướng của thị trường quốc tế. Khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, nhiều sản phẩm chưa được định danh thương hiệu, dẫn đến sự cạnh tranh không hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu

Để phát triển bền vững ngành hàng TCMN trong giai đoạn hiện nay và rộng đường xuất khẩu, TS Tôn Gia Hóa cho rằng, chúng ta cần nhiều nhóm giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế. Tổ chức thực hiện, hoàn thành các mục tiêu cụ thể theo Quyết định 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam đến 2030. Cần hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội.

Gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Quốc gia đáp ứng hợp chuẩn quốc tế, tuyên truyền, giáo dục, kết hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường sinh thái. Về thể chế, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách phát triển và hỗ trợ ngành hàng phát triển một cách bền vững. Đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế. Đặc biệt, cần đặc biệt chú trọng vào thương hiệu, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và cấp quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hưng Yên Trần Văn Cường, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN cần tập trung nghiên cứu thị trường quốc tế nhằm phát hiện ra nhu cầu từ đó có thể đưa ra những quyết định chính xác về thị trường. Đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm dưới nhiều hình thức, quảng cáo, chào hàng qua mạng, tham dự các hội chợ triển lãm. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm cho nhóm hàng này. Đặc biệt quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng thường thay đổi theo thời gian. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng để tăng kim ngạch và xuất khẩu bền vững.

Cần đặc biệt chú trọng vào thương hiệu, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và cấp Quốc gia. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, các hoạt động bảo vệ thương hiệu, gìn giữ tài sản sở hữu trí tuệ cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Cùng chung quan điểm, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam Nguyễn Thị Tòng cho rằng, các làng nghề cần đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn tạo sự nhận diện mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng toàn cầu. Việc này giúp giảm chi phí và mở rộng thị trường một cách hiệu quả...

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-san-pham-lang-nghe-rong-duong-xuat-ngoai.html