Để sáng tạo cần chấm dứt khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn'

ng Thêm còn cho rằng, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo.

Mới đây, Giáo sư Trần Ngọc Thêm gây chú ý với tham luận Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục gửi tới Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức (21/11).

Một vấn đề ông tâm huyết trong tham luận này đó là làm sao đào tạo nên những con người sáng tạo. Chính vì thế, ông đã đề cập đến những tồn tại níu kéo sự sáng tạo và đã đưa ra các giải pháp để giáo dục thay đổi.

Trong đó, có đề xuất cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Một đề xuất đang gây chú ý và tranh luận nhiều chiều.

Học sinh cần được khai phóng để có tư duy phản biện, sáng tạo.

Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Các căn bệnh này có ở cả trong người học, trong phụ huynh và trong nhà quản lý.

“Người xưa đi học cốt để thi đỗ làm quan thì nay tuy có động cơ học tập đúng trên lý thuyết nhưng trên thực tế một số không nhỏ người học vẫn chỉ lo học để đối phó với thi cử, thi cử cốt để đỗ lấy bằng.

Để có địa vị cao trong xã hội, học sinh Việt Nam đua nhau học lên cao (bệnh phong trào). Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở Việt Nam năm 2017, có hơn 75% thí sinh tốt nghiệp phổ thông dự thi để đăng ký xét tuyển đại học.

Hệ quả là trong đội quân thất nghiệp ở Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm một số lượng lớn (năm 2017 có 20 vạn cử nhân thất nghiệp)”.

Để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích tư duy phản biện theo ông Trần Ngọc Thêm, cần thay việc giáo dục hàng loạt với quan niệm thành tích tính theo điểm số, theo số lượng trò điểm cao, thi đỗ bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải “làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề cập.

Bên cạnh nền giáo dục phổ thông theo hệ thống do Nhà nước tổ chức, cần sớm thừa nhận và luật hóa mô hình giáo dục tại gia, hay gia thục (homeschooling) hiện nay đang trở nên ngày càng phổ biến ở nhiều nước phát triển trên thế giới như một giải pháp thay thế hợp pháp cho các trường công lập và tư thục.

Ông Trần Ngọc Thêm còn cho rằng, để xây dựng một xã hội phát triển và hội nhập, cần bắt đầu từ giáo dục và đào tạo. Đề đổi mới giáo dục và đào tạo cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa, có trọng tâm, trọng điểm. Chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục.

Cũng theo vị chuyên gia này, để có con người chủ động, cần loại trừ tính thụ động ở người dưới (học trò con cái) và tính áp đặt ở người trên (thầy cô cha mẹ).

Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi (ngoan theo nghĩa “dễ bảo, vâng lời, giỏi theo nghĩa “thuộc bài”) và “trồng người”.

Theo Giáo sư Thêm, để có con người chủ động, bên cạnh việc tạo dựng một môi trường khuyến khích tính chủ động, điều quan trọng là người học phải tự tin.

Để chủ động và tự tin trong giao tiếp thì người học phải rèn luyện tư duy phản biện và phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông các bạn học còn lại, thoát ra khỏi áp lực của họ.

Để chủ động và tự tin trong hoạt động thì người học phải rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch.

Ông Thêm cho rằng, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.

Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

Chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng, thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa (để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng), cách ra đề thi kèm theo đáp án.

“Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển” – ông Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.

Ngoài ra vị này cho rằng để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó trong người học, trong phụ huynh và trong nhà quản lý.

Cần thay việc giáo dục hàng loạt bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải “làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-sang-tao-can-cham-dut-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-post168588.html