Để sầu riêng Việt Nam 'vững' chân tại thị trường Trung Quốc

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong quý I/2024 ước đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Các xã viên tại Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh dự kiến sẽ thu lãi trên 25% vụ sầu riêng này - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Các xã viên tại Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh dự kiến sẽ thu lãi trên 25% vụ sầu riêng này - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ câu chuyện gắn kết tổ hợp tác

Ông Nông Văn Cảnh là một nông dân trồng sầu riêng có tiếng tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Cách đây hơn 2 năm, khi nắm được các yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc, ông đã quyết tâm về gom những anh em sản xuất thân thiết để được tổng diện tích 30ha trồng sầu riêng - đây là một trong những yếu tố tiên quyết để được cấp mã số vùng trồng.

Tổ hợp tác sầu riêng Nông Văn Cảnh ra đời từ đó. Những ngày gần đây, khi có thông tin sầu riêng đang khó tiêu thụ hơn, chúng tôi có liên hệ với ông Cảnh để nắm thêm thông tin sản xuất hiện nay. Ông Cảnh vui vẻ nói: "Sản lượng vụ này của chúng tôi dự kiến là 230 tấn, giá năm nay cũng tốt nên dự kiến cũng có lãi tầm 25%-30%".

Thành lập được tổ hợp tác thì mua vật tư đầu vào chung, cam kết bán giá chung từ đầu vụ với bên mua, người sản xuất chỉ cần tập trung vào chăm sóc vườn sầu riêng của mình cho tươi tốt.

Tuy nhiên, ông Cảnh chia sẻ thêm việc thành lập được các tổ hợp tác không hề dễ.

"Nhiều người cũng muốn gom chung nhau nhưng lại vướng nhiều hộ sản xuất trước đó đã mua nợ vật tư nông nghiệp nên không thể mua chung. Hơn nữa, nếu có mua chung vật tư đầu vào được nhưng khi bán giá thị trường lại cao hơn giá ký kết ban đầu thì cũng có hiện tượng 'bẻ kèo' bán cho người trả giá cao", ông Cảnh cho biết.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước nhìn nhận, sầu riêng là một trong những cây trồng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 5.300 ha, chủ yếu là 2 giống Ri 6 và Dona. Bình Phước đã có 65 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp với tổng diện tích hơn 2.412ha. Để có được mã số vùng trồng như hiện nay, ngành nông nghiệp và người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực canh tác cây sầu riêng đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết: "Mã số vùng trồng vừa là giấy thông hành để đưa nông sản ra thị trường quốc tế, vừa bảo đảm quyền lợi cho những nhà nông làm ăn chân chính, góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp minh bạch thông tin, đảm bảo tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế để phát triển bền vững chuỗi ngành hàng sầu riêng, các nhà vườn cần tuân thủ quy trình. Tỉnh đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, góp phần tăng chuỗi giá trị, nông dân sẽ hưởng lợi".

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.

Theo đó, tỉnh Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng cây sầu riêng lên 8.000 - 10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi, cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Đảm bảo chất lượng cho từng mã số vùng trồng và đóng gói là khâu tiên quyết giữ giá cho sầu riêng Việt Nam hiện nay - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đảm bảo chất lượng cho từng mã số vùng trồng và đóng gói là khâu tiên quyết giữ giá cho sầu riêng Việt Nam hiện nay - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cần bám sát tín hiệu thị trường

Sau khi có Nghị định thư ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong quý I/2024 ước đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã gửi 3 văn bản về cảnh báo của thị trường Trung Quốc đối với 8 mã số vùng trồng và 4 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng với hơn 26.000ha và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Tuy nhiên, tỷ lệ vùng trồng được giám sát chỉ đạt 52%, cơ sở đóng gói được giám sát đạt 47,6%; có 187 mã số bị cảnh báo, gồm 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần.

Vì thế, định hướng của ngành nông nghiệp đối với sầu riêng là tổ chức lại cấu trúc, trong đó phải gắn kết được nông dân với doanh nghiệp. Đối với mã số vùng trồng sầu riêng, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản yêu cầu phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, xóa bỏ tình trạng tự phát.

Các chuyên gia của Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo các điểm đóng hàng sầu riêng xuất khẩu cần cải tiến quy trình xử lý sau thu hoạch. Trong khi đó, Việt Nam đang cần bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng khi lưu thông trên thị trường, trong đó có xuất khẩu.

Muốn các tác nhân trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng được liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý và kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong giai đoạn này giảm một phần vì tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.

Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.

(Theo baochinhphu.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202406/de-sau-rieng-viet-nam-vung-chan-tai-thi-truong-trung-quoc-1012888/