Đê sông Bàn Thạch và những nguy cơ trước mùa mưa lũ
Mặc dù công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, song người dân địa phương cho rằng nguy cơ đê sông Bàn Thạch, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trở thành đê chắn nước trong mùa mưa lũ khiến vùng trũng thấp phía trong đê bị ngập sâu hơn và nước ứ đọng kéo dài lâu hơn.
Có mặt tại công trình đê sông Bàn Thạch, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào sáng 9-7, trao đổi với phóng viên CAND, ông Huỳnh Văn Thương (trú tổ 4, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) không khỏi lo lắng khi mùa mưa lũ đang đến gần, tuyến đê này nguy cơ sẽ trở thành đê chắn nước khiến nước lũ rút chậm hơn, gây ngập sâu hơn cho vùng trũng thấp phía trong đê.
Ngoài ra, ông Thương cũng phản ánh trên thân đê xuất hiện một số vết nứt kéo dài mà không biết nguyên nhân thế nào.
Theo tìm hiểu, công trình tuyến đê sông Bàn Thạch thuộc dự án phát triển các thành phố loại 2 tại các tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắc Lắc - Tiểu dự án phát triển TP Tam Kỳ do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Công trình được thiết kế có tổng chiều dài 9,7km, mặt đê rộng 4,5m với kết cấu bê tông xi măng dày 20cm trên lớp cấp phối đá dăm dày 12cm… có tổng kinh phí xây dựng gần 150 tỷ đồng.
Riêng đoạn đê chạy qua địa bàn phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ dài gần 2,2km được thiết kế 9 cống thoát nước. Ngoài ra có một số đoạn thuộc tuyến đê tại phường Hòa Hương vuốt nối với các đường dân sinh để giải quyết giao thông khi chưa xây dựng đường Bạch Đằng theo quy hoạch của TP Tam Kỳ.
Nói về lo lắng của người dân, ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc ngập úng trong mùa mưa lũ là nỗi lo chung của TP Tam Kỳ do đó để nói đê sông Bàn Thạch chắn nước rút mùa lũ thì cần có nghiên cứu đánh giá thực tế, chứ không chỉ dựa vào cảm tính được. Thực tế cho thấy công trình đê sông Bàn Thạch còn phát huy tác dụng ngăn triều xâm nhập thời gian qua.
Riêng về một số điểm nứt trên thân đê, ông Dự cho biết hiện tượng lún, xói lở, nứt mặt đường tại các vuốt nối với đường dân. Đây là các hạng mục phụ, không ảnh hưởng kết cấu thân đê.
Ban đã mời đơn vị tư vấn thiết kế, Sở NN&PTNT Quảng Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý. Sau khi có ý kiến thống nhất của các sở, ngành thì Ban sẽ tổ chức khắc phục, hoàn thành trước ngày 20-7-2019.
Được biết, hiện công trình đê sông Bàn Thạch vẫn chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/nguoi-dan-noi-gi-ve-cong-trinh-de-song-ban-thach-552509/