Để startup Việt không 'chạy' sang Singapore khởi nghiệp

Công ty giải mã gen (công nghệ bản quyền của Mỹ) Genetica vừa quyết định xây dựng Trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, thay vì chọn Singapore. Điều này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của hoạt động đổi mới sáng tạo. Song một lần nữa, câu chuyện phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp lại đặt ra, khi mà nhiều startup Việt vẫn phải lập công ty ở nước ngoài để gọi vốn.

Những ngày qua, thông tin Genetica quyết định xây dựng Trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam được đánh giá là tín hiệu rất tích cực trong hoạt động đổi mới sáng tạo của chúng ta. Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á có phòng xét nghiệm gen đạt chuẩn CAP, CLIA trong khu vực.

Việt Nam sẽ có Trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á do Công ty giải mã gen (công nghệ bản quyền Hoa Kỳ) Genetica hợp tác cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phát triển.

Khó hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm

Chia sẻ về quyết định này, ông Cao Anh Tuấn, Nhà sáng lập Genetica, cho hay cuối năm 2018, doanh nghiệp này có dự định mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Ban đầu, kế hoạch của Genetica là đặt bản doanh tại Singapore. Nhưng kế hoạch đã thay đổi khi ông lần đầu tiên gặp Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại San Francisco (Mỹ).

Thành lập Trung tâm giải mã gen ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ xét nghiệm gen tại thị trường Việt Nam cũng như ASEAN.

Thành lập Trung tâm giải mã gen ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ xét nghiệm gen tại thị trường Việt Nam cũng như ASEAN.

"Tôi vẫn ấn tượng khi Bộ trưởng nói: "Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học từ Mỹ về Việt Nam phát triển. Ngay sau đó, Bộ trưởng đã tổ chức mời 100 nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới về Việt Nam. Điều này tác động lớn tới cách suy nghĩ của tôi. Và chúng tôi quyết định đặt trụ sở chính của Genetica vùng Đông Nam Á tại Việt Nam".

Đại diện Genetica kỳ vọng việc tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để kết nối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước. Hình thành mối quan hệ đối tác với các đơn vị trong hệ sinh thái, cộng hưởng với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (cùng và khác thị trường) để chia sẻ, hợp tác và phát triển. Từ đó xây dựng nền móng vững chắc để giúp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vươn tầm khu vực.

Trước tín hiệu tích cực trên, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn trong và sau COVID-19, Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư khởi nghiệp hấp dẫn tại Đông Nam Á. Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Nhà sáng lập Do Vetures, cho hay theo khảo sát của đơn vị này với 50 quỹ lớn ở Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan), thì Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Đặc biệt, rất nhiều nhà sáng lập khởi nghiệp ở Việt Nam không phải chỉ hoạt động trong nước mà còn mở rộng chi nhánh trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực

đổi mới sáng tạo tại San Francisco năm 2019. Ảnh: MPI

Tuy vậy, Nhà sáng lập Do Vetures cho biết khó khăn của các startup Việt Nam là do còn non trẻ, vì vậy chưa tự cân đối tài chính, cũng như duy trì nguồn đầu tư để phát triển doanh nghiệp của mình, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Đáng lo ngại trong khi những "ông lớn" hàng đầu thế giới quyết định rót vốn để đẩy mạnh hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thì một số startup trong nước cho biết họ vẫn phải lập doanh nghiệp ở nước ngoài để nhận vốn đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm.

Chia sẻ với VnBusiness, Founder thương hiệu đồng hồ "made by Vietnam" Curnon - ông Nguyễn Quang Thái, cho hay dịch COVID-19 đã khiến quá trình gọi vốn của doanh nghiệp bị gián đoạn. Thời điểm năm 2019, doanh nghiệp cũng nói chuyện với nhiều quỹ đầu tư song do năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các nhà đầu tư tạm hủy các kế hoạch. Bước sang năm 2021, startup này cho biết sẽ tiếp tục trình bày lại kế hoạch kinh doanh với các quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, ông Thái cũng cho biết startup Việt cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình gọi vốn ở nước ngoài. Gọi vốn ở nước ngoài bị cản trở do phải đổ vào Việt Nam qua khá nhiều tầng lớp quản trị. "Tôi đã sang Singapore khoảng 2 lần, có đăng ký một công ty bên đó để sẵn sàng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam cũng có quỹ đầu tư nhưng cách định giá khác so với nước ngoài do vậy chúng tôi thường hướng tới các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài hơn", ông nói.

Đại diện Curnon cho biết rất cần Việt Nam xây dựng hệ sinh thái tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bên cạnh triết lý đứng trên "hai chân" mà startup đã xác định.

Giải quyết 'bài toán' hệ sinh thái

Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures dự báo tổng vốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt trên 1 tỷ USD, con số cao nhất từ trước tới nay. Nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam cần phát triển và nâng cao hoạt động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Hệ sinh thái có 6 yếu tố, trong đó điều quan trọng đầu tiên phải làm là xây dựng cộng đồng đông đảo có chất lượng những người khởi nghiệp. "Hiện nay, địa phương nào cũng có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhưng không có người khởi nghiệp, không có ai đào tạo người khởi nghiệp, vậy thì làm sao khởi nghiệp", ông Cung đặt câu hỏi.

Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích bỏ vốn thiên thần và đầu tư mạo hiểm. Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có quyền hỗ trợ vốn thiên thần cho những người khởi nghiệp tiềm năng, có quyền cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách không hạn chế, không yêu cầu thực hiện bất kỳ một thủ tục hành chính nào.

"Tôi biết vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, do vậy chúng ta phải phải dứt khoát mạnh mạnh dạn bỏ thủ tục hành chính đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm", ông Cung nói.

Mặt khác, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được đăng ký cấp giấy chứng nhận trong ngày làm việc theo đơn đề nghị không cần kèm theo bất kỳ hồ sơ nào khác, có thể sử dụng vườn ươm, không gian làm việc chung làm địa chỉ, trụ sở giao dịch, không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh và vốn điều lệ trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cuối cùng, Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho rằng cần đẩy mạnh ban hành chính sách luật pháp thực hiện hỗ trợ thuận lợi cho các bên cấu thành hệ sinh thái, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tới câu chuyện có chế độ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đủ thấp (đủ cạnh tranh được với Singapore) đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các chuyên gia công nghệ, các cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hay chia sẻ câu chuyện của mình, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Nhà sáng lập Do Ventures kể rằng năm 2004, may mắn bà được sang Mỹ với vai trò du học sinh. "Khi biết tôi là người Việt Nam, ngay lập tức người bạn học của tôi hỏi tôi rằng Việt Nam còn chiến tranh không - do tìm hiểu về Việt Nam thông qua sách lịch sử. Sau câu hỏi đó, tôi đã dành 30 phút giải thích cho bạn ấy hiểu rằng: Việt Nam là đất nước thanh bình, phát triển kinh tế đang tăng tốc như thế nào...".

Từ câu chuyện trên, bà Vy nhấn mạnh khủng hoảng luôn là chất xúc tác cho những đột phá mới. COVID-19 gây ra những khó khăn - nhưng đây chính là thời điểm quan trọng để các startup Việt Nam tạo dấu ấn trong khu vực và thế giới.

"Nắm bắt cơ hội trong thử thách, Do Ventures và cộng đồng khởi nghiệp trong nước mong muốn Việt Nam được biết tới là một trung tâm công nghệ mới của thế giới, thay vì là một quốc gia kiên cường trong chiến tranh. Và sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ là nguồn động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp tại Việt Nam", bà Vy kỳ vọng.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Chúng ta cần hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn... đáp ứng kịp thời nhu cầu nền kinh tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu và khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo, xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Bách Việt

Nhà sáng lập VIoT Technology

Đầu tư ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị) và Impact Investing (tác động tích cực tới xã hội và môi trường) dành cho startup tại Việt Nam còn ít. Nhiều quỹ có khẩu vị dành cho cuộc đua đốt tiền gom người dùng của SuperApp, E-commerce, còn giải quyết bài toán cho đô thị và hạ tầng thông minh chủ yếu cho các tập đoàn lớn nên ít quỹ quan tâm hơn. Đặc biệt vẫn còn những khó khăn về pháp lý như ở khó tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ và chính sách hỗ trợ phát triển xanh. Cũng mong đây là khó khăn mà chúng ta có thể giải quyết và vượt qua.

Ông Andrew Jeffries

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tạo ra các công ty khởi nghiệp khả thi thường hiển thị một tập hợp các yếu tố cốt lõi (tức là doanh nhân, tài năng công nghệ, ý tưởng và giải pháp) và một loạt các yếu tố hỗ trợ. Các hệ sinh thái thành công có xu hướng thể hiện sự hiện diện của các tác nhân này, với Chính phủ là người hỗ trợ, trao quyền cho các tác nhân này và hỗ trợ động lực của họ hướng tới đổi mới và tăng trưởng. Đây là điều mà Việt Nam cần xây dựng để bắt kịp nền kinh tế số.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//he-sinh-thai/de-startup-viet-khong-chay-sang-singapore-khoi-nghiep-1081633.html