Để sử Việt tươi tắn hơn
Ba dự án phim đã và đang thực hiện chọn những sự kiện, thời kỳ lịch sử, cách thể hiện khác nhau nhưng có một điểm chung đó là tâm huyết, tình yêu của những người trẻ với lịch sử dân tộc.
Khó trăm bề
Ra mắt khán giả từ ngày 9-8, phim tài liệu lịch sử Những cánh én đầu tiên nằm trong series Không chiến Việt Nam nhận nhiều phản hồi tích cực, đặc biệt là khán giả trẻ.
“Bộ phim đã thực sự chạm đến cảm xúc và khiến em muốn bật khóc”, Ngô Thị Mỹ Linh (sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ TPHCM) không giấu cảm xúc. Linh cũng cho biết, sẽ viết cảm nhận về bộ phim trên Facebook kêu gọi bạn bè xem phim và lên kế hoạch đến Hàm Rồng, địa danh diễn ra trận chiến trong phim.
Nhưng, để có được hơn 40 phút phim trên màn ảnh là hành trình của gần 6 năm, bắt đầu từ những câu hỏi được đạo diễn Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, đau đáu: “Người trẻ bây giờ có hiểu hết lịch sử không? Người trẻ bây giờ sẽ tiếp cận lịch sử theo cách nào và nhìn nhận như thế nào? Những năm tháng hào hùng ấy của dân tộc, liệu có ai còn nhớ?”.
Xưởng phim Én Bạc đã được thành lập với khát vọng tái hiện những câu chuyện lịch sử, những trận chiến oanh liệt của cha ông qua những thước phim 3D. Trận chiến trên Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4-4-1965 giữa lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam với lực lượng không quân, hải quân Mỹ là sự khởi đầu.
Từ ý tưởng trên trang giấy đến khi phim hoàn thành là hành trình vượt khó. Ê kíp đã phải tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau trong lịch sử Việt cũng như lịch sử không quân, hải quân Mỹ; ra Bắc, vào Nam gặp gỡ và trò chuyện với chính những người trong cuộc chiến...
Khó khăn còn đến từ việc thiếu thiết bị máy móc, diễn viên không có kinh nghiệm diễn xuất, không được đào tạo qua trường lớp. Thậm chí, đạo diễn Lê Nguyên Bảo còn cất công tìm kiếm, vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam những bộ quân phục, những chiếc mũ, những đôi giày... của không quân Mỹ để có thể tái hiện chân thực những nhân vật trong phim.
Trước đó, 2 dự án phim lịch sử khác là Phượng Khấu (về những thâm cung bí sử triều Nguyễn) và Lam Mộc Kỷ (giai đoạn khởi nghĩa Lam Sơn) cũng đối diện với vô vàn thách thức.
Theo anh Nguyễn Đức Lộc, đại diện Ỷ Vân Hiên (đơn vị phụ trách phục trang cho Phượng Khấu): “Trang phục trong phim là một thử thách với ê kíp. Từ trước đến nay, chúng ta chưa có cái nhìn đúng, đủ về trang phục thời Nguyễn…”.
Anh Lộc chia sẻ, có khoảng 300 trang phục được phỏng dựng, trong đó có những trang phục kỳ công như: long bào, phụng bào, mãng bào… “Sẽ còn phần nào chưa chuẩn mực, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận góp ý với tâm thế cởi mở”, anh Lộc nói. Bên cạnh đó, công nghệ làm phim từ thiết kế bối cảnh, dàn dựng hậu kỳ… cũng là những thách thức lớn với ê kíp làm phim.
Còn nhóm Việt sử kiêu hùng khi thực hiện Lam Mộc Kỷ đã thừa nhận, tâm huyết là rất lớn nhưng nhiều dự định không thành. “Sự thiếu thốn về nhân lực, thiết bị, kinh phí càng lúc càng nghiêm trọng, khiến series đã sản xuất được gần 2/3 đoạn đường buộc phải đổi kế hoạch. Dự định ban đầu phát triển series gồm 25 tập phim ngắn đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, nhóm sẽ cô đọng kịch bản và tập trung làm 1 - 2 tập phim thật chất lượng và có thể ra rạp”.
Hiện nhóm cũng chưa tiếp cận được doanh nghiệp nào hứng thú đầu tư vào nội dung sử Việt. Trong khi đó, các sản phẩm đều được chiếu miễn phí trên YouTube.
Nhóm cũng nhìn thẳng vào thực tế: “Nếu thành công trong việc thu hút sự chú ý của giới đầu tư thì dự án có thể sống tiếp. Còn nếu không, phải thành thật rằng, có nguy cơ phải dừng lại”.
Một khó khăn khác được ê kíp Phượng Khấu hay nhóm Việt sử kiêu hùng chia sẻ: “Luôn phải gánh chịu búa rìu dư luận”, vừa gây ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ thực hiện, vừa làm nhụt chí những người đang còn ấp ủ ý tưởng.
Làm phim lịch sử thời 4.0
Dù là các bộ phim lịch sử có đề tài, câu chuyện, hướng khai thác và thể loại khác nhau, nhưng có một điểm thú vị, các ê kíp làm phim trẻ rất biết cách vận dụng công nghệ 4.0.
Cái khó ló cái khôn, vì không có phông xanh như ở phim trường, ê kíp Những cánh én đầu tiên đã sử dụng tấm vải màu xanh được căng rộng giữa sân bóng đá. Để đảm bảo được sự đồng nhất về ánh sáng, tất cả các cảnh đều được quay vào thời điểm ánh nắng nhiều nhất trong ngày, sau đó sử dụng kỹ thuật 3D để tạo nên những hình ảnh sống động.
Ít ai biết, khi lên phim, hình ảnh chiến sĩ ngồi trong buồng lái máy bay, nhưng thực tế khoang lái lại chính là thùng carton và chiếc ghế gỗ với cần lái là một khúc cây. Họ đi từ những bài học đầu tiên trong công nghệ làm phim 3D, nhưng trên màn ảnh rộng, tất cả đều trau truốt, mượt mà và tạo cảm xúc cho khán giả.
Trong khi đó, với Việt sử kiêu hùng: “Qua mỗi tập thì năng lực của từng thành viên đều được cải thiện, chất lượng sản xuất cũng tăng lên. Hiện tại, nhóm đủ tự tin để nhận làm những sản phẩm chất lượng chuẩn chiếu rạp, thậm chí là 3D mapping (kỹ thuật sử dụng ánh sáng để tạo các hiệu ứng 3D) kích thước lớn”.
Thực tế hiện nay, với các ê kíp trẻ, việc thực hiện các bộ phim lịch sử nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ làm phim hiện đại khó lòng thực hiện. Riêng với các bộ phim lịch sử cổ trang, khó khăn càng gấp bội. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tự tin Phượng Khấu là dự án làm phim sát với công nghệ 4.0 hiện nay, sử dụng kỹ xảo 3D tối tân.
Anh Việt Phương, người đảm nhận thiết kế 3D cho phim, chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng phục dựng kiến trúc nhà Nguyễn thời vua Thiệu Trị, áp dụng công nghệ scan 3D để nhân người cho các đại cảnh. Dự kiến có khoảng 50 bối cảnh được dàn dựng, thực hiện kỹ xảo và đều dựa trên những tài liệu, ghi chép để sát nhất với không gian lịch sử”.
Một thông tin khá thú vị, phim Phượng Khấu có app (ứng dụng) riêng giúp khán giả, đặc biệt các em nhỏ vừa được vui chơi, vừa tìm hiểu thêm được các thông tin lịch sử thú vị. Ê kíp gọi đó là “cách làm văn hóa thời 4.0”.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan có một chia sẻ đầy thấm thía: “Làm Phượng Khấu là trả lại sự công bằng cho lịch sử, giúp lịch sử đến với mọi người một cách tươi tắn, sinh động, sặc sỡ. Không làm lịch sử trở nên hấp dẫn là có lỗi và chúng ta đang sửa lỗi”.
Những tâm huyết ấy, cần nhiều hơn sự chung tay của cả cộng đồng để tình yêu sử Việt không chỉ gói gọn trong những ê kíp làm phim mà nhân rộng ra hàng triệu trái tim Việt Nam.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-su-viet-tuoi-tan-hon-611347.html