Để tài chính số góp phần vào sự phát triển ổn định của kinh tế

Hoàn thiện các quy định quản lý với lĩnh vực tài chính công nghệ dựa trên nền tảng là các cam kết tài chính các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý và khai thác dữ liệu cá nhân, nâng cao nhận thức người dân sẽ giúp kinh tế số sớm trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh ế những thập kỷ tới, theo các chuyên gia.

Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài chính – ngân hàng. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp fintech (doanh nghiệp công nghệ tài chính – PV) với 72% trong số này kết hợp với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ, 28% còn lại hoặc tự phát triển các dịch vụ mới, hoặc cạnh tranh với các ngân hàng.

Sự phát triển nhanh chóng của tài chính số giúp một cá nhân có thể thực hiện nhiều giao dịch khác nhau trên nền tảng số chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.

Kinh tế số cũng được xác định là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới, cho phép Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua tháng 2-2021.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng khiến không ít doanh nghiệp và quỹ đầu tư có tâm lý ngần hạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Quy định về quản lý, khai thác dữ liệu cá nhân vẫn khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực tài chính công nghệ. Ảnh minh họa: TL

Quy định về quản lý, khai thác dữ liệu cá nhân vẫn khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực tài chính công nghệ. Ảnh minh họa: TL

Rào cản ngăn bước nhà đầu tư

Ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết sự phát triển của fintech Việt Nam là rất nhanh những năm gần đây, nhưng còn nhiều hạn chế và rủi ro với các nhà đầu tư do quy định pháp lý chưa rõ ràng và đồng bộ. Đó là một số vấn đề về thủ tục và xác định danh tính khách hàng; chưa có nguồn thông tin đảm bảo về kho dữ liệu; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số; các quy định về tố tụng, quyền sở hữu, hình sự cũng chưa rõ ràng.

Không chỉ với riêng Việt Nam, ông Quốc Anh cho biết hiện chưa quốc gia nào có thể khẳng định có đủ hệ thống pháp lý về lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), khẳng định “Việt Nam đi quá chậm về mặt khuôn khổ pháp lý” với lĩnh vực tài chính số.

Theo ông Đồng, dư luận bắt đầu nhắc nhiều về fintech từ giữa 2015 với những yêu cầu về khuôn khổ pháp lý và cơ chế thử nghiệm Sandbox, nhưng Việt Nam đã phản ứng quá chậm.

“Hiện chúng ta đang ở giữa một làn sóng công nghệ, về trí tuệ nhân tạo… Chúng ta cần quay lại câu chuyện nên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý như thế nào”, ông Đồng nói và cho rằng việc thiếu khuôn khổ pháp lý khiến kinh tế số Việt Nam chỉ có thể “đi 5 bước”, thay vì “đi 10 bước, phát triển được 10 phần”.

Về dữ liệu, chuyên gia này cho biết , Chính phủ đã ban hành văn bản về dữ liệu cá nhân 3 năm trước, nhưng hiện vẫn tồn tại hai vấn đề khi áp dụng công nghệ vào dữ liệu cá nhân gồm khả năng ứng dụng công nghệ cho cá nhân và rủi ro về bảo mật dữ liệu cá nhân cho người dùng.

“Với rủi ro lớn như vậy, liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể tạo ra những phương án gì để thu hẹp rủi ro, thay vì cạnh tranh. Do đó, dữ liệu cá nhân là yếu tố rất quan trọng”, ông Đồng nói.

Cũng theo ông Đồng, Nghị định về dữ liệu cá nhân với các quy định theo hướng trao quyền cho người dùng, đồng thời đưa ra các nghĩa vụ tương ứng cho các doanh nghiệp sẽ có hiệu lực từ 1-7-2023. Do đó, cần hiểu nghĩa vụ của các công ty là gì để đảm bảo an toàn dữ liệu cho người dùng.

Bên cạnh vướng măc pháp lý, ông Dương Quốc Anh cho biết có hai yếu tố khác khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào fintech.

Thứ nhất, khó khăn về nguồn nhân lực. Theo đó, fintech yêu cầu những nhân lực vừa am hiểu công nghệ thông tin vừa am hiểu tài chính, ngân hàng.

Thứ hai, chi phí đầu tư, vận hành vô cùng lớn khi 10 ngân hàng lớn đầu tư 15.000 đô la Mỹ mỗi năm cho lĩnh vực này.

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Dù sự phát triển của kinh tế số, tài chính số tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, cho rằng việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) là cơ hội cho nền kinh tế bắt nhịp với chuyển đổi số.

Theo đó, các FTA thế hệ mới đã thiết kế những quy định hoàn toàn khác, với tiêu chuẩn cao hơn và khó đáp ứng hơn so với các FTA truyền thống. Những quy định này không chỉ tác động tới hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp fintech, công ty tài chính, mà còn tác động tới hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp.

Với bối cảnh trên, ông Bình khuyến nghị cơ quan quản lý có chính sách mới mang tính chất định hướng, hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp trong việc thích nghi với các quy định này.

Với riêng EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), chuyên gia này cho rằng hai hiệp định sẽ tác động rất lớn tới quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế với 8 tác động.

Thứ nhất, mở rộng đầu tư. Theo ông Bình, đầu tư thường sẽ nối gót thương mại sau những kết quả tích cực trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. Hiện hoạt động đầu tư của EU vào Việt Nam đã bắt đầu có những tín hiệu tăng trưởng tích cực với gần 2.400 dự án thuộc 25/quốc gia thuộc EU tính tới cuối năm 2022, tổng vốn đăng ký đạt hơn 28 tỉ đô la – chiếm khoảng 6,5% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam, theo Bộ KHĐT.

“Đầu tư của EU có xu thế tập trung vào các ngành công nghệ cao – những ngành có trình độ và hàm lượng chuyển đổi số cao, ví dụ sản xuất công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, năng lượng sạch và tái tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính”, ông Bình nói.

Thứ hai, thúc đẩy quá trình số hóa của doanh nghiệp Việt Nam thông qua quan hệ đầu tư với các quốc gia thành viên thuộc EVFTA. Cụ thể, doanh nghiệp FDI từ EU thường có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn so với mức trung bình và có tính kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước khi làm nhà thầu phụ hay trở thành đối tác kinh doanh của họ.

Thực tiễn cũng cho thấy các doanh nghiệp FDI của châu Âu như Ericsson, ABB, Bosch, Paggio, Zuellig Pharma, BNP Paribas… đang đóng góp đáng kể vào việc chuyển giao kiến thức, đổi mới, phát triển công nghệ và số hóa tại Việt Nam.

Thứ ba là thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.

“FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, đã dành riêng các chương về phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững để đáp ứng với các tiêu chuẩn cao mà các hiệp định này mang lại”, ông Bình phân tích.

Thứ tư, thúc đẩy quá trình giao dịch giữa doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với châu Âu bằng hình thức trực tiếp hoặc giao dịch qua không gian số.

Thứ năm, công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân được chú trọng. Chẳng hạn, các quốc gia tham gia CPTPP rất chú trọng quyền sở hữu trí tuệ có thể tốt hơn với quá trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Thứ sáu, thúc đẩy khu vực công chuyển mình về năng lực số. Cụ thể, Hiệp định EVFTA, ngay từ khi được đàm phán, đã thúc đẩy nhiều cải cách pháp lý, hiện đại hóa pháp luật ở Việt Nam và tăng cường hiệu lực thực thi.

“Các cải cách về chính sách và pháp luật cùng với các yếu tố khác nữa, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong nhiều năm và thập kỷ tới. Khu vực công, do vậy, đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm hiện thực hóa các cơ hội về chuyển đổi số từ EVFTA”, ông Bình nói.

Thứ bảy, thúc đẩy quản trị công theo hướng hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt thông qua phát huy vai trò của công nghệ thông qua chuyển đổi số và các dịch vụ chính phủ điện tử, số hóa dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đầu tư, hải quan, thuế, giao nhận và các lĩnh vực khác.

Thứ tám, thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, quy định pháp luật về môi trường số tại Việt Nam.

Với lĩnh vực tài chính công nghệ, ông Dương Quốc Anh khuyến nghị các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tham gia thị trường dựa trên 3 nguyên tắc, gồm: tính chắc chắn về mặt pháp lý; bình đẳng giữa các bên khi tham gia thị trường; tính tương xứng giữa yêu cầu về quản trị rủi ro, ngăn chặn rủi ro giữa các quy định.

Về tổ chức, vị này cho rằng các fintech nên ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung vì lợi ích chung, đồng thời có thể dễ dàng giải trình với các cơ quan quản lý.

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần có Hiệp hội Fintech. Chúng tôi đang cố gắng thành lập và hướng tới kết hợp chặt chẽ, tổng hợp tiếng nói của các doanh nghiệp fintech”, ông Quốc Anh cho biết.

Ông Nguyễn Quang Đồng đề nghị các hiệp hội, tổ chức về tài chính cần xây dựng bộ phận pháp lý với nhiệm vụ tư vấn cho các doanh nghiệp.

“Về dài hạn, Hiệp hội nên đẩy mạnh tư vấn chính sách, còn doanh nghiệp nên kết hợp với hiệp hội để giảm thiểu rủi ro về pháp lý. Môi trường vĩ mô đang bất ổn định, nên chúng ta cần chủ động để giảm thiểu rủi ro cho chính mình”, ông Đồng nói.

Với doanh nghiệp fintech, chuyên gia này cũng khuyến nghị nên ưu tiên cho việc quản lý về mặt pháp lý, tránh tâm lý tập trung vào sản phẩm mà bỏ qua những rủi ro khác.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng Giám đốc OneSecond Việt Nam, cho rằng cần sớm nâng cao tri thức tài chính (financial literacy) cho người dân trong bối cảnh rất nhiều ứng dụng (app) tài chính đang tận dụng môi trường số để lừa đảo đầu tư, lừa cho vay lãi cao, đánh cắp thông tin dữ liệu khách hàng với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

“Nếu người dân, nhất là người dân nông thôn được tiếp cận các sản phẩm tài chính nhanh hơn mà không được dạy cách quản lý tài chính chuẩn mực thì việc gặp lừa đảo đầu tư, phá sản vì vay nợ quá tay, lạm chi dẫn đến khánh kiệt tài chính sẽ ngày càng nhiều”, ông Minh cảnh báo.

Vị này cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp hướng tới xây dựng sản phẩm tài chính theo hướng kết hợp với nhau, tạo một bức tranh toàn diện để người dân đạt được tự mục tiêu chủ tài chính với một kế hoạch bao quát tất cả các nhu cầu của họ, gồm đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hưu trí, quản lý chi tiêu, bất động sản.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-tai-chinh-so-gop-phan-vao-su-phat-trien-on-dinh-cua-kinh-te/