Để tăng tốc trên 'đường cao tốc' EVFTA
Sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức không nhỏ đang 'cản đưởng' quá trình thực thi.
Đâu là những thách thức và rào cản chính? Làm thế nào để tiếp tục phát huy hiệu quả những kết quả đạt được từ EVFTA cũng như nâng cao sự quan tâm và hiểu biết của doanh nghiệp về hiệp định này?...
Tất cả những băn khoăn, trăn trở đó đã được thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm "Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/11.
Đem lại giá trị nhất định cho cả Việt Nam và EU
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, sau 1 năm triển khai thực thi Hiệp định EVFTA, dù là một FTA có tiêu chuẩn cao, phạm vi rất rộng, mức độ cam kết rất cao nhưng về cơ bản, những bước đi ban đầu đã đem lại giá trị nhất định cho cả hai bên.
Ông Thái dẫn chứng, 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam-EU đã tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tiếp tục tăng 11,7%.
Mặt hàng xuất khẩu chính: điện thoại & linh kiện, máy vi tính, điện tử, giày dép, dệt may, thủy sản...
Nhập khẩu chủ yếu từ EU: máy vi tính, điện tử, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất...
Về đầu tư: EU có 2242 dự án tại Việt Nam (tăng 164 dự án so với 2020) từ 26/27 nước thuộc EU với vốn đầu tư đăng ký đạt 22.24 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với 2020).
Các ngành hàng tăng trưởng nổi bật: Cao su (125%), Chất dẻo nguyên liệu (123%), Sơ sợi dệt các loại (85%)…
Rõ ràng là Hiệp định EVFTA tạo ra nhiều cơ hội: thúc đẩy xuất khẩu; mở rộng nguồn cung; cải cách thể chế, minh bạch hóa; cải thiện môi trường đầu tư; thu hút đầu tư khoa học công nghệ. Song hành với đó là những thách thức như tác động đáng kể từ đại dịch Covid-19; công tác dự báo của cơ quan, địa phương còn hạn chế, chưa hệ thống, kịp thời; hiểu biết của doanh nghiệp về lĩnh vực hoạt động còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh yếu; chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Để thực thi hiệu quả Hiệp định, ông Thái có đưa ra một số đề xuất: cần năng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng phát triển bền vững; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, địa phương với Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, cần đổi mới và tăng cường hoạt động tuyên truyền; xây dựng và nâng cao năng lực cho bộ phận thực thi FTA; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; tiếp tục thực thi nhiệm vụ trong kế hoạch thực thi, cải cách hành chính, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đáp ứng quy tắc xuất xứ...
Doanh nghiệp không "kỳ vọng chơi" vào EVFTA
Đánh giá về những kết quả đạt được sau 1 năm thực thi Hiệp định EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, Hiệp định EVFTA có thể coi là một trong những FTA thành công nhất ở khâu thực thi bước đầu.
Dẫn khảo sát của VCCI thực hiện năm 2020 đối với 300 doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến hoạt động hội nhập sau khi Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, bà Trang cho biết, có đến 30,19% doanh nghiệp biết tương đối và biết rõ, trong khi với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 25% và trung bình các FTA khác là 22,95%.
“Tại thời điểm đó, chúng tôi đã rất kỳ vọng, dù số doanh nghiệp biết sâu và biết rõ còn rất ít nhưng con số này cho thấy ít nhất đó cũng là một bàn đạp tốt hơn so với bàn đạp từ các hiệp định khác để chúng ta có thể tận dụng được cơ hội. Đây cũng là cơ sở cho thấy các doanh nghiệp của chúng ta đã có được sự chuẩn bị nhất định và cần thúc đẩy để tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về Hiệp định EVFTA tăng lên".
Bà Trang cũng minh chứng cho sự hào hứng của doanh nghiệp đối với EVFTA. Khi được hỏi về sự kỳ vọng đối với các FTA, kết quả cho thấy, EVFTA là hiệp định được các doanh nghiệp đánh giá là tích cực nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Theo bà Trang, doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng rất nhiều vào EVFTA cả về góc độ thị trường cũng như xuất nhập khẩu.
"Với các FTA khác, doanh nghiệp kỳ vọng phần lớn ở thị trường thì ở EVFTA, doanh nghiệp lại có thêm kỳ vọng về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và được nâng tầm khi tham gia cùng sân chơi với một thị trường giỏi hơn, kỹ thuật cao hơn. Rõ ràng, doanh nghiệp không 'kỳ vọng chơi' vào EVFTA. Và đây là một khởi đầu rất tích cực, nhìn từ góc độ doanh nghiệp".
Không chỉ đánh giá cao sự chủ động từ phía doanh nghiệp, sự chủ động của các bộ, ngành đối với EVFTA cũng được bà Trang nhắc đến. “Rõ ràng, với EVFTA đã có sự vào cuộc chủ động của các cơ quan trong việc thiết lập các cơ chế ban đầu để doanh nghiệp tận dụng ngay và nhanh nhất các cơ hội từ phía Hiệp định".
Để so sánh, bà Trang lấy ví dụ, số lượng các văn bản để thực thi của EVFTA tuy ít hơn so với CPTPP nhưng điều quan trọng là nhanh hơn và sớm hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, “CPTPP, văn bản nhanh nhất là văn bản về quy tắc xuất xứ, được ban hành 1 tuần sau khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, văn bản này, với EVFTA, đã được ban hành trước khi Hiệp định chính thức có hiệu lực".
Bà Trang nhận định, "dường như với EVFTA, tính viển vông đã ít hơn, thực chất hơn, và đó là điều khiến chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào hiệp định này".
EU - Thị trường chiến lược của nông, lâm, thủy sản
Bà Bùi Thị Việt Anh, chuyên gia tư vấn phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đánh giá, thị trường EU là một thị trường tiềm năng và chiến lược của nông, lâm thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Nhận diện những thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sau một năm thực thi EVFTA, bà Việt Anh cho rằng, nhìn chung doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về đảm bảo các quy tắc xuất xứ; biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại; các vấn đề về pháp lý, thể chế và tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô và nguồn lực nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, chưa quản lý được chuỗi sản xuất phân phối trong nước, chưa kịp thời đầu tư vào công nghệ chế biến để phát huy được các lợi thế từ thuế quan...
Bà Việt Anh lưu ý, "các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ, rõ ràng và chưa thực sự quan tâm về Hiệp định EVFTA, bao gồm toàn bộ cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan khác".
Chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận thị trường châu Âu, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết, một thách thức khá lớn hiện nay là hàng Việt Nam vẫn chưa vào được các kênh phân phối chính của EU.
Từng dành rất nhiều thời gian quan sát và tìm hiểu các hệ thống siêu thị của Áo từ nhỏ đến lớn, ông Kiên nhận thấy, hầu như không có sự góp mặt của các mặt hàng thủy, hải sản Việt Nam.
Đại sứ khẳng định: "Nếu doanh nghiệp đến EU mà không thể đi vào các hệ thống, các kênh phân phối lớn của liên minh này thì sẽ không bao giờ vào được các chợ hay các quầy hàng ở siêu thị".
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-tang-toc-tren-duong-cao-toc-evfta-163975.html