Để tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không còn 'gieo' những hệ lụy buồn

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện Mường Lát đã vào cuộc, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

Một buổi tuyên truyền pháp luật về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của Đồn Biên phòng Trung Lý.

Lời ru buồn sau dãy Pù Ngùa

Pù Ngùa - bản người Mông, xã Pù Nhi không chỉ được biết đến một thời là “thủ phủ” thuốc phiện mà nơi đây còn là “vùng trũng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo thống kê của UBND xã Pù Nhi, có thời điểm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của bản lên tới 30%...

Trên con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến nhà của chị Hơ Thị Thơ và chồng là anh Thao Văn Sếnh (tên nhân vật đã thay đổi - PV), ngay đầu con dốc, chúng tôi đã nghe tiếng trẻ con khóc. Vợ chồng chị Thơ, anh Sếnh năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng đã lên chức ông bà ngoại cách đây được 3 năm.

Trong căn nhà tuềnh toàng, duy nhất có chiếc giường được kê ở góc nhà, anh Thao Văn Sếnh vội trải chiếc chiếu đã sờn rách ra giữa nhà tiếp khách. Anh Sếnh có phần e thẹn khi kể về cuộc sống của mình. Anh Sếnh mồ côi bố từ thuở lên 10. Mẹ đi bước nữa nên anh ở với người chú ruột. Cuộc sống sau dãy Pù Ngùa cực khổ nên anh không được đến trường đi học.

Một ngày đầu xuân năm 2003, trai, gái đồng bào Mông kéo lên chợ tình Nhi Sơn hẹn hò. Lúc ấy, chàng trai Sếnh mới tuổi 15 tuổi, còn chị Thơ cập kê tuổi 16. Sếnh và Thơ được các chàng trai, cô gái Mông gán ghép. Sau buổi đi chơi ở chợ tình, anh Sếnh và chị Thơ “hiểu cái bụng” của nhau, và thế rồi dắt díu về ra mắt hai bên gia đình. Không một đám cưới, cũng chẳng có giấy đăng ký kết hôn, “hai đứa trẻ” nên duyên vợ chồng theo lẽ tự nhiên mà chúng muốn. Không lâu sau ngày về chung nhà, đôi “vợ chồng con nít” đón những đứa con chào đời. Thêm con, lại được chú thím cho ra ở riêng khiến cuộc sống của gia đình anh Sếnh khó lại thêm khó.

Việc phải chạy ăn từng bữa khiến cho vợ chồng anh Sếnh, chị Thơ gầy guộc, khắc khổ, già hơn so với cái tuổi ngoài 30. Thế nhưng, kịch bản tảo hôn không chỉ diễn ra với vợ chồng chị Thơ, anh Sếnh mà một lần nữa lặp lại với đứa con gái là Thao Thị Nhi (tên nhân vật đã thay đổi - PV). Nhi theo về nhà chồng khi đang học dở lớp 7. Lấy chồng, Nhi không đi học mà lên nương trồng sắn, ngô. Cô gái trải qua cơn chuyển dạ “thập tử nhất sinh” khi mới 16 tuổi. Cũng giống như mẹ của mình, Nhi rớt nước mắt, cất tiếng ru buồn dưới dãy Pù Ngùa.

Bế đứa cháu ngoại trên tay, chị Thơ buông tiếng thở dài nghẹn ngào, nói: “Cháu còi cọc quá, 3 tuổi rồi mà chỉ nặng có hơn 7kg. Cuộc sống của gia đình cháu khó khăn lắm. Vì bố mẹ cháu lấy nhau khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên cháu chưa thể làm được giấy khai sinh”.

Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy buồn kể trên. Đầu tiên phải kể đến phong tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Với đồng bào Mông nói riêng, bà con quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có người nối dõi, có thêm người để phát nương, phát rẫy. Bên cạnh đó, việc các cháu đi học ở trọ xa gia đình từ sớm, thiếu sự quan tâm của bố mẹ dẫn đến vướng vào chuyện tình cảm yêu đương khi còn đi học. Nếu bị gia đình cấm đoán, nhiều em sẵn sàng dọa tự tử, tìm ăn lá ngón. Câu chuyện không của riêng Pù Ngùa, ở nhiều bản người Mông huyện Mường Lát đến nay vẫn còn những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi lén lút về sống với nhau...

Để tảo hôn đi đến hồi kết

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 22/4/2021 về triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, UBND huyện Mường Lát cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến rõ rệt.

Nhiều chuyển biến tích cực từ Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”.

Nếu như năm 2021, thống kê toàn huyện Mường Lát có 545 cặp kết hôn thì có tới 105 cặp tảo hôn (trong đó tảo hôn vợ hoặc chồng 68 cặp, tảo hôn cả vợ và chồng 37 cặp), chiếm tỷ lệ 19,2%; hôn nhân cận huyết 1 cặp, chiếm tỷ lệ 0,18%. Đến năm 2023, trong tổng số 412 cặp kết hôn thì còn 50 cặp tảo hôn (tảo hôn vợ hoặc chồng 29 cặp, tảo hôn cả vợ và chồng 21 cặp), chiếm tỷ lệ 12%, hôn nhân cận huyết 0 cặp, chiếm tỷ lệ 0%.

Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, trong năm 2022 và 2023 huyện đã tổ chức 18 buổi tuyên truyền nói chuyện ngoại khóa về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường học với gần 4.000 lượt học sinh và phụ huynh tham gia. Tổ chức, phối hợp với các xã, thị trấn triển khai được 19 hội nghị tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho trên 1.000 lượt đại biểu là người có uy tín, trưởng bản, ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ...

Triển khai có hiệu quả mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã Nhi Sơn và Trung Lý (Nhi Sơn thực hiện năm 2022, Trung Lý thực hiện năm 2023). Tiếp nhận và cấp phát 88 sổ tay tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các bí thư chi bộ, trưởng bản...

Có thể nói, dù chưa hoàn toàn xóa bỏ triệt để được tình trạng tảo hôn, tuy nhiên với sự vào cuộc một cách quyết liệt, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mường Lát đã, đang triển khai nhiều cách làm hay, hiệu quả. Đơn cử như, tại xã Trung Lý, để khuyến khích các cặp đôi lấy nhau đúng độ tuổi pháp luật quy định, Chủ tịch UBND xã sẽ đến trao giấy đăng ký kết hôn, chúc phúc và chụp ảnh cùng cô dâu, chú rể. Tại các bản còn đưa quy định về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của bản...

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/de-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong-nbsp-khong-con-gieo-nhung-he-luy-buon-216044.htm