Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 tiệm cận với chương trình GDPT mới
Đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có gửi gắm một số kiến thức để chuyển giao sang Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố những thông tin liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Trong đó, thông tin về 15 đề thi tham khảo năm 2024 nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh và giáo viên giảng dạy lớp 12.
Đề thi tham khảo cơ bản giữ ở mức ổn định
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Văn Đường – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Ngay khi nắm được thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo năm 2024, Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ đã có khảo sát, lấy ý kiến của giáo viên các bộ môn về tình hình đề thi.
Năm 2024 là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Ảnh minh họa: PM
Theo đó, các giáo viên đánh giá đề thi tham khảo năm 2024 cơ bản giữ ổn định về cấu trúc, định dạng, nội dung như đề thi của năm trước, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh.
Đồng thời, đề thi cũng có tính phân hóa, đảm bảo có thể lựa chọn ra những học sinh giỏi, xuất sắc để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học.
Theo thầy Đường, ngoài việc thực hiện chương trình dạy học chính khóa, nhà trường cũng thực hiện việc ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh lớp 12 theo kế hoạch đã được xây dựng chi tiết từ đầu năm học.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cũng có kế hoạch tổ chức 2 kỳ thi thử/năm dành cho học sinh lớp 12 (lần 1 đã tổ chức vào tháng 3, lần 2 dự kiến tổ chức cuối tháng 4).
Bên cạnh kỳ thi thử chung của toàn tỉnh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ cũng thường xuyên tổ chức các kỳ kiểm tra, đánh giá để nắm bắt được tình hình của học sinh (những bài kiểm tra này không tính điểm vào quá trình học tập của các em). Từ đó, giúp phân loại học sinh và bố trí giáo viên đưa ra những định hướng, ôn luyện, bổ sung kiến thức phù hợp cho các em.
Đồng thời, nhà trường cũng phối hợp tốt với gia đình, động viên tinh thần, thúc đẩy các em cố gắng học tập.
Tại Trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên (Mộc Châu, Sơn La) cũng đề ra kế hoạch thi thử cho học sinh lớp 12. Theo cô Nguyễn Thị Thư – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên: “Nhà trường đã tổ chức thi thử 2 lần trong năm nay. Về cơ bản, đề thi thử cũng bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, do những lần thi thử này rơi vào thời điểm học sinh chưa học tập và ôn luyện hết kiến thức, nên các em vẫn chưa đạt được điểm khảo sát cao như mong đợi. Sắp tới đây sẽ còn 3 kỳ khảo sát/thi thử nữa dành cho học sinh khối lớp 12 của nhà trường”.
Cô Nguyễn Thị Thư – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên (Sơn La). Ảnh: NVCC
Cô Thư cho hay, sau khi nắm được thông tin về đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, giáo viên các bộ môn đã triển khai cho học sinh giải đề, phân tích giúp các em nhận biết được về tình hình đề thi.
Có thêm một số kiến thức tiệm cận Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên cũng đã lấy ý kiến đánh giá chi tiết của giáo viên lớp 12 về đề thi tham khảo năm 2024. Trong đó, có một số ý kiến nhận xét như sau:
Đối với môn Toán, đề minh họa năm nay không có nhiều điểm khác biệt so với năm trước. Nội dung thi khá “gần gũi” với những kiến thức mà thầy cô vẫn ôn tập cho học sinh, đặc biệt là từ câu 1 – 38; từ câu 39 trở đi có sự phân hóa khá rõ, yêu cầu tính vận dụng và vận dụng cao.
Với môn Hóa học, câu vận dụng cao (năm nay là câu 74, 75, còn mọi năm thường nằm ở câu 78, 79) thiên về bài tập tính toán khó và có câu thực nghiệm (năm nay nằm ở câu 73 còn mọi năm nằm ở câu 80).
Đề tham khảo cũng hướng tới bài tập ứng dụng thực tiễn nhiều hơn (năm nay có 3 câu, còn mọi năm có 1 câu) và đã gần hơn với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Lượng bài tập về Este, chất béo giảm so với mọi năm.
Còn môn Ngữ Văn, đề thi vẫn theo hình thức tự luận, có cấu trúc quen thuộc gồm phần Đọc hiểu và Làm văn (Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học). Về căn bản, đề này không có nhiều điểm khác biệt so với đề thi năm trước. Tuy nhiên, câu Nghị luận xã hội đã có sự thay đổi khi câu lệnh không còn có từ khóa tích hợp “từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu” như những năm trước.
Theo giáo viên, đề tham khảo bám sát nội dung kiến thức trong chương trình Ngữ Văn 12, phù hợp với học sinh và có sự phân hóa khá rõ.
Đề tham khảo môn Tiếng Anh bám sát nội dung kiến thức học sinh đã được học, mức độ khó – dễ vừa phải. Giáo viên giảng dạy cũng đánh giá cao về tính phân hóa của đề. Điểm mới của đề tham khảo Tiếng Anh năm 2024 là có thay đổi 03 nội dung kiến thức so với năm 2023, và câu hỏi vận dụng cao cũng tăng lên.
Với môn Giáo dục công dân, kiến thức lớp 11 nằm trong toàn bộ học kỳ 1 (4 câu thuộc bài 1, 2, 3, 5) và kiến thức lớp 12 được bao phủ ở cả chương trình (19 câu học kỳ 1 và 17 câu học kỳ 2). Tỉ lệ các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu đã tăng lên, đảm bảo trên 70% câu hỏi dễ và trung bình, nhằm đảm bảo mục tiêu kép để học sinh vừa xét tốt nghiệp, và làm cơ sở để xét tuyển đại học.
Điểm mới của đề tham khảo năm 2024 đối với môn Giáo dục công dân là có thêm 2 câu hỏi mới dạng câu hỏi phát biểu đúng/sai (câu 105 ở mức độ thông hiểu và câu 119 ở mức độ vận dụng cao). Điều này thể hiện sự tiệm cận để chuyển giao cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Còn giáo viên môn Vật lý Trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên cho rằng, đề tham khảo năm 2024 đã hướng tới ứng dụng thực tiễn, gần với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề thi đã xây dựng theo xu hướng đúng với bản chất của Vật lý. Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc của lớp 12 như dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều, sóng ánh sáng và hạt nhân nguyên tử.
Theo đó, để đạt được mức độ từ 6 – 7 điểm, học sinh chỉ cần học nhớ kiến thức cơ bản; nhưng từ điểm 8 – 9, đòi hỏi học sinh nắm vững bản chất vật lý của các hiện tượng, kết hợp kiến thức về toán học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng – Trưởng Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC
Đánh giá chi tiết đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 môn Lịch sử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng – Trưởng Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, tuy năm nay là năm cuối học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng các em cũng không nên lo lắng, vì đề thi vẫn được giữ ở mức ổn định.
“Đề thi tham khảo năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố về cơ bản không có gì khác biệt so với đề thi minh họa và đề thi tốt nghiệp năm 2023. Điều này thể hiện ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất, cấu trúc, định dạng, định hướng, nội dung thi cử vẫn được giữ nguyên. Học sinh không còn lạ lẫm với những câu hỏi trong đề thi. Trong đó, thời gian làm bài là 50 phút, với 40 câu trắc nghiệm, được chia thành các mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao.
Kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình Lịch sử lớp 12 (90%), và 1 phần nhỏ trong chương trình Lịch sử lớp 11 (10%).
Thứ hai, đề thi đảm bảo sự phân hóa đối với các thí sinh, nhằm phục vụ chủ yếu cho thí sinh xét tốt nghiệp, đồng thời, cũng để tuyển chọn thí sinh có điểm giỏi xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, câu hỏi trong đề thi rõ ràng, chỉ có 1 đáp án đúng duy nhất. Tuy nhiên, kiến thức của đề thi không gói gọn trong một lĩnh vực mà bao quát toàn bộ chương trình, đầy đủ các lĩnh vực (như kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao,…); và không hỏi theo kiểu học thuộc, máy móc” – Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng nhận định.
Bên cạnh đó, thầy Hưởng cũng chỉ ra cho học sinh 1 số những phương pháp cần lưu ý để ôn luyện hiệu quả và làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử như vận dụng kỹ thuật 5W + 2H (5W gồm: When – thời gian, mốc quan trọng, Where – địa điểm; Who – có thể là tên nhân vật/giai cấp/tổ chức, What – biến cố/ sự kiện quan trọng; Why – lý giải vì sao sự kiện lại diễn ra như vậy; và 2 How là những câu hỏi thường gặp trong đề thi và cách giải quyết, xử lý câu hỏi).
Ngoài ra, một số dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi có thể kể đến như:
Dạng câu hỏi lựa chọn 1 đáp án đúng duy nhất. Ở những câu hỏi này, có những câu có các đáp án sai lộ liễu (ví dụ, hỏi về hoạt động của nhân vật trong một giai đoạn nào đó nhưng đáp án lại đưa ra giai đoạn khác, hay hỏi về quốc gia giành độc lập của châu Á nhưng đáp án lại đưa các quốc gia của châu Âu, hay châu Phi,…);
Dạng câu hỏi lựa chọn đáp án đúng nhất. Tức là trong 4 phương án, có 3 phương án gần đúng hoặc đúng 1 phần – đây thường là những câu ở mức độ thông hiểu hoặc vận dụng;
Dạng câu hỏi phủ định – thường có từ “không” trong câu hỏi. Nguyên tắc khi làm những câu hỏi này là phải tìm ra 3 câu trả lời đúng hoặc có để loại trừ và tìm được đáp án cuối cùng;
Dạng câu hỏi cho một đoạn tư liệu rồi yêu cầu thí sinh phải nhận diện được sự kiện, nội dung lịch sử liên quan đến đoạn tư liệu này, hoặc suy luận ra một nội dung khác. Đây là câu hỏi mang tính phân hóa thí sinh;
Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đưa ra nhận xét, đánh giá về một sự kiện lịch sử.
Thầy Hưởng cũng lưu ý, đây chỉ là đề tham khảo. Vì vậy, thầy/cô giáo hay học sinh không nên ôn luyện y hệt mà nên bao quát, toàn diện kiến thức, đặc biệt là nắm vững kiến thức cơ bản.
Cũng có những đánh giá chi tiết về đề thi môn Sinh học, thầy Nguyễn Duy Khánh – giáo viên môn Sinh học của Hệ thống giáo dục Mclass cho hay: “Đề thi tham khảo năm 2024 bao gồm 4 câu phần kiến thức lớp 11 (thuộc 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu phần chuyển hóa vật chất và năng lượng) và 36 câu kiến thức lớp 12 (gồm 21 câu phần di truyền học, 5 câu phần tiến hóa và 10 câu phần sinh thái).
Như vậy, có thể thấy có một sự dịch chuyển trong cấu trúc đề thi, số câu hỏi ở nội dung tiến hóa giảm đi, còn số lượng câu hỏi của phần sinh thái tăng lên so với đề thi những năm trước.
Năm nay, tổng thể đề thi tham khảo là 6 trang giấy, cho thấy đề thi có xu hướng tăng số lượng trang. Điều này là dễ hiểu, bởi xu hướng của đề thi từ năm 2023 là giảm bớt các bài tập tính toán, xác suất thống kê phần di truyền học, thay vào đó tăng phần kiểm tra, đánh giá năng lực, yêu cầu học sinh phải biết cách suy luận, vận dụng thực tiễn và phân tích kênh hình, bảng biểu, đồ thị. Khi có kênh hình, bảng biểu, đồ thị, số lượng trang giấy nhiều lên là dễ hiểu.
Một điều đặc biệt của đề thi trong 2 năm gần đây (2022 – 2023), và đề minh họa 2024 là những câu hỏi có tính phân hóa cao không chỉ tập trung vào phần di truyền, mà đã trải rộng ra toàn bộ kiến thức Sinh học lớp 12. Đây là điều mà học sinh cần đặc biệt lưu ý, tránh tình trạng học lệch học tủ vào một vài đơn vị kiến thức riêng”.
Đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 môn Sinh học tăng số lượng kênh hình, bảng biểu, đồ thị. Ảnh chụp màn hình
Cũng theo thầy Khánh, năm 2024 là năm cuối cùng học sinh thi theo kiến thức của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có gửi gắm một số kiến thức, đặc biệt theo hướng phát huy khả năng tư duy, vận dụng kiến thức thực tiễn của học sinh để tiếp bước và chuyển giao sang Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
“Với cấu trúc của đề thi tham khảo năm nay, theo tôi đánh giá, 32 câu đầu là những câu dễ, học sinh có thể xử lý nhanh trong thời gian ngắn để dành trọn vẹn 7.5 điểm. Để làm được điều này, học sinh cần khai thác tốt kiến thức trong sách giáo khoa, cộng thêm việc được giảng dạy bởi giáo viên trên lớp.
8 câu còn lại có tính phân hóa cao hơn, làm tốt những câu hỏi còn lại sẽ giúp các em có lợi thế để xét tuyển vào đại học, đặc biệt ở các trường đại học top đầu. Để làm tốt các câu hỏi này, học sinh cần biết cách phân tích, suy luận để giải quyết vấn đề (chứ không thể áp dụng các công thức giải nhanh như trước nữa); còn với các câu hỏi liên quan đến kênh hình, bảng biểu, học sinh cần biết cách kết hợp với phần vận dụng thực tiễn để xác định đúng vấn đề, xử lý bài tập nhanh chóng.