Để thêm nhiều vụ lúa thắng lợi
Mang theo niềm phấn khởi thắng lớn vụ lúa Thu Đông, nông dân thành phố Cần Thơ đang bước vào sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 với kỳ vọng sẽ tiếp tục vụ lúa thắng lợi. Ngành nông nghiệp Cần Thơ nhận định khả năng vụ lúa mới nhiều thuận lợi, sản xuất đạt hiệu quả cao nhưng cũng khuyến cáo nông dân thận trọng trong sản xuất, hướng đến nhiều vụ lúa thắng lợi với hạt lúa đạt chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kỳ vọng vụ lúa Đông Xuân
Hiện nay, nông dân Cần Thơ đang tập trung bước vào vụ sản xuất lúa quan trọng của năm. Theo nhiều nông dân, năm nay nước lũ về ít và thời tiết ít mưa nên thuận lợi cho việc gieo sạ lúa. Cùng với đó là khả năng lúa tiếp tục có giá bán cao nên nông dân rất tích cực đầu tư sản xuất.
Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, ông Phạm Văn Hoàng, xã Đông Thuận (huyện Thới Lai) đã xuống giống được gần 10 ngày. Với kỳ vọng một vụ lúa tiếp nối thắng lợi, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa Thu Đông 2023, ông Hoàng đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, gia cố lại bờ bao và cho nước lũ vào ruộng nhằm tiêu diệt các mầm sâu bệnh và đón phù sa.
Dù lũ năm nay nhỏ nhưng với việc chủ động mở đồng đón lũ từ sớm và đưa lũ vào ruộng trong thời gian gần hai tháng, ông Hoàng tin rằng đồng ruộng được bổ sung một lượng phù sa để lúa trúng mà không cần phải bón nhiều phân.
Để lúa vụ Đông Xuân bán được giá cao, với diện tích 2ha, ông Hoàng đều chọn gieo sạ giống lúa thơm Jasmine 85. Đây là giống lúa cấp xác nhận, phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Mặc dù, điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng nông dân không chủ quan xuống giống sớm mà tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp về lịch thời vụ và thực hiện gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng để né rầy. Từ đó, tạo thuận lợi trong liên kết áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quản lý dịch hại, thu hoạch và tiêu thụ lúa.
Đến thời điểm này, nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh) đã xuống giống được hơn 50% tổng diện tích 340ha. Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã, nhìn chung việc gieo sạ lúa khá thuận lợi vì hầu hết các khâu khai nước, làm đất, san bằng đất, gieo sạ, rải phân đã có các máy móc cơ giới làm thay sức người và nhanh chóng.
Trong khi đó, anh Dương Văn Siêu, Hợp tác xã Thuận Thắng (huyện Thới Lai) cho biết, để đảm bảo sản xuất hiệu quả, ngoài việc tích cực áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí và nâng cao chất lượng lúa, anh cũng quan tâm thực hiện các khuyến cáo của ngành nông nghiệp về quản lý tốt các loại dịch hại ngay từ đầu vụ. Đặc biệt là chú ý quản lý thu gom ốc bưu vàng và diệt chuột ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất.
Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, thành phố Cần Thơ xuống giống khoảng 72.000ha. Dự kiến đến cuối tháng 10 (âm lịch), các cánh đồng của thành phố Cần Thơ sẽ xuống giống dứt điểm. Tuy mới đầu vụ, nhưng đã có nhiều thương lái, doanh nghiệp đến ký kết giá lúa với nông dân.
Hợp tác xã nông nghiệp Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh) đang xuống giống vụ Đông Xuân 2023 - 2024 nhưng đã có thương lái đặt hàng mua lúa hàng hóa với giá 8.500 đồng/kg lúa OM5451. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết chưa đồng ý ký hợp đồng với đơn vị nào vì còn tùy tình hình thực tế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ - Trần Thái Nghiêm nhận định việc thương lái, doanh nghiệp "săn đón" lúa của nông dân sớm như vậy là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, mối liên kết này nên được kéo dài đến cuối vụ để doanh nghiệp và nông dân cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích khi thị trường có biến động.
Sản xuất lúa đảm bảo chất lượng
Nhận định về vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, vụ này có nhiều yếu tố thuận lợi đan xen một số khó khăn.
Theo đó, nông dân bước vào vụ sản xuất mới với niềm phấn khởi khi giá lúa đang ở mức cao; trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp ổn định, giá phân bón hóa học giảm. Cùng với đó, nông dân cũng được trang bị kiến thức sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" nên sản xuất thuận lợi. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cũng được các địa phương đầu tư. Với những thuận lợi này, dự kiến sản xuất vụ lúa Đông Xuân sẽ thắng lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có một số khó khăn, thách thức mà nông dân phải đối mặt. Dự báo tình hình thời tiết thủy văn, khả năng khô hạn có thể diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan (mưa lớn) ảnh hưởng quá trình sản xuất.
Ngoài ra, giá lúa gạo hiện nay tương đối cao nhưng thị trường có thể "đảo chiều" nếu nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo, thì giá lúa có thể giảm. Rủi ro thị trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của nông dân.
Cũng theo ông Trần Thái Nghiêm, hiện nay, giá phân bón giảm tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất nhưng cũng là nỗi lo của ngành nông nghiệp. Bởi lẽ giá phân bón giảm, giá thuốc bảo vệ thực vật bình ổn trong khi giá lúa tăng cao dễ dẫn đến nguy cơ người dân lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng lúa hàng hóa.
Để tránh tình trạng này xảy ra, ngành nông nghiệp Cần Thơ khuyến cáo nông dân nên sản xuất lúa đảm bảo chất lượng, yêu cầu của doanh nghiệp và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách).
Về mặt kỹ thuật, nông dân nên sử dụng lượng giống gieo sạ hợp lý (dưới 100kg/ha) và sử dụng giống cấp xác nhận để đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa, đồng thời là cơ sở giảm sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình sản xuất, sử dụng phân bón hợp lý, không bón thừa phân đạm nhằm hạn chế dịch bệnh cho cây lúa.
Nhằm đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và các vụ lúa tiếp theo thắng lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cũng khuyến cáo hợp tác xã, nông dân liên kết chặt chẽ, ký hợp đồng sản xuất lúa với doanh nghiệp theo quy trình. Đặc biệt chú ý sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá dư lượng cho phép, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu và chủ động được hợp đồng ký kết với đối tác, xây dựng uy tín hạt gạo Việt Nam.
"Thành phố Cần Thơ là một trong 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 50.000ha. Vì thế, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ tập trung nhiều giải pháp sản xuất lúa chất lượng, đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ nông dân minh bạch hóa sản xuất, truy xuất nguồn gốc lúa, nhật ký sản xuất. Từ đó, đủ cơ sở cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường phân khúc cao hơn", ông Trần Thái Nghiêm thông tin thêm.