Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn bàn về hiệu ứng cánh bướm
Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 11 Cụm IV - Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu bàn về hiệu ứng cánh bướm.
Cụm chuyên môn IV - Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức kì thi học sinh giỏi năm học 2022-2023, trong đó có môn Ngữ văn 11. Đề thi gồm 2 câu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội yêu cầu bàn vềhiệu ứng cánh bướmkhiến thầy và trò cảm thấy lạ so với những đề thi thông thường.
Câu nghị luận xã hội bàn đến hiệu ứng cánh bướm
Hiệu ứng bươm bướm(Tiếng Anh: butterfly effect), còn được gọi là hiệu ứng cánh bướm, là một khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc (tiếng Anh: sensitivity on initial conditions).
Hiệu ứng này được nhà toán học Edward Norton Lorenz khám phá ra. Khi thực hiện mô phỏng các hiện tượng thời tiết, Lorenz nhận thấy rằng nếu ông làm tròn các dữ liệu đầu vào, dù với sai số bé thế nào đi nữa, thì kết quả cuối cùng luôn khác với kết quả của dữ liệu không được làm tròn.
Một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả. Tên gọi hiệu ứng cánh bướm bắt nguồn từ hình ảnh ẩn dụ: một cơn bão chịu sự ảnh hưởng của một con bươm bướm nhỏ bé vỗ cánh ở một nơi nào đó rất xa cơn bão.
Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, hiệu ứng cánh bướm sau đó đã được nhắc đến nhiều lần trong văn hóa đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian" (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Bằng những hiểu biết từ sách vở và trải nghiệm trong thời đại 4.0, hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng "hiệu ứng cánh bướm".
Câu nghị luận văn học đề cập khái niệm dùng nghệ thuật để ngắm tâm hồn mình
George Bernard Shaw - Nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn người Ai-len đoạt giải Nobel Văn học năm 1925 và giải Oscar về Kịch bản chuyển thể hay nhất năm 1938, cho rằng: "Bạn dùng gương để ngắm gương mặt mình; bạn dùng nghệ thuật để ngắm tâm hồn mình".
Bằng hiểu biết về các tác phẩm đã học và đã đọc, anh/ chị hãy làm rõ ý kiến trên.
Thông điệp từ hiệu ứng cánh bướm
Hiệu ứng cánh bướm dùng để mô tả một hiệu ứng tâm lý, một khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc.
Ban đầu, cụm từ này được sử dụng như một khái niệm khoa học đơn thuần, nhưng sau đó lại xuất hiện nhiều trong văn hóa đương đại. Tiêu biểu là trong các tác phẩm đề cập đến nghịch lý thời gian, quan hệ nhân quả.
Thông điệp: Học thuyết này chứa đựng những ý nghĩa nhân văn và khoa học lớn lao và biểu thị cho những điều nhỏ bé nhưng lại đem đến hệ quả to lớn về sau. Nó chứa đựng những triết lý sâu sắc, những giá trị ứng dụng to lớn trong nhiều lĩnh vực đời sống. Nó biểu thị cho ý niệm mọi sự vật đều nằm trong một thể thống nhất, mỗi hành động lại có sự tương tác, ảnh hưởng nhất định đến môi trường xung quanh. Và đặc biệt, mỗi hành động của chúng ta đều có thể thay đổi thế.
Bình luận: Trong cuộc sống chỉ một thay đổi nhỏ của điều kiện ban đầu sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn. Tương tự như những câu tục ngữ "sai một li, đi một dặm" hay "một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh đồng".
Trong thế giới chúng ta đang sống luôn có sự thống nhất và ràng buộc lẫn nhau và mọi thứ đều có thể xảy ra. Đôi khi những điều nhỏ nhặt, đơn giản lại rất quan trọng. Vì vậy mọi hành động dù là nhỏ nhặt cũng góp phần thay đổi thế giới này.
Qua lăng kính của quan hệ nhân quả, hiệu ứng cánh bướm được diễn giải có phần tương đồng với quan niệm "gieo nhân nào gặp quả nấy".
Bài học: Không nên xem thường những chi tiết nhỏ hoặc các sự vật, hiện tượng nhỏ. Những điều nhỏ bé này đều nằm trong một thể thống nhất của tự nhiên. Và sự thay đổi nhỏ bé cũng có thể tạo ra những biến động lớn trên thế giới quanh ta.
Những việc chúng ta đang làm, dù là hành động lớn hay nhỏ đều không hề vô nghĩa, nó luôn tồn tại một ý nghĩa nào đó và trực tiếp góp một phần nhỏ vào sự dịch chuyển chung của toàn xã hội.
Trong cuộc sống, khi bạn làm việc tốt thì dù đấy là việc to hay nhỏ cũng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho người khác hoặc nhiều người khác và ngược lại.
Hiệu ứng cánh bướm còn giúp ta nhận biết cách thức vận hành của mọi sự vật, sự việc, tầm quan trọng của những điều nhỏ bé xung quanh và những quyết định nhỏ trong cuộc sống. Giống như câu nói của Samuel Smiles "Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận."
Hiệu ứng cánh bướm giúp con người tự tin hơn về bản thân, về khả năng của mình, có khả năng thay đổi hay tác động đến thế giới.
Hiệu ứng cánh bướm có thể dẫn tới cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Hành động của hôm nay là kết quả của một hành động trước đó và điều này có thể dẫn đến một hành động khác trong tương lai, ví dụ một điếu thuốc bạn hút bây giờ có thể thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn trong 10 năm, 20 năm tới.
Vài đồng tiền bạn quyên góp gây quỹ cũng có thể thay đổi cuộc sống tạm thời của ai đó đang gặp khó khăn
Vẻ đẹp tâm hồn con người sẽ soi rọi thông qua nghệ thuật
Giải thích: Vẻ ngoài của con người được phản chiếu qua gương. Vẻ đẹp tâm hồn con người sẽ soi rọi thông qua nghệ thuật. Ở đây nhấn mạnh đến chức năng của văn học có sức cải tạo lớn lao đối với nhận thức của mỗi chúng ta; giúp người đọc "làm người hoàn thiện hơn" vẻ đẹp tâm hồn mỗi người.
Phân tích, chứng minh: Tùy vào khả năng cảm thụ văn học của từng học sinh để lấy dẫn chứng sao cho phù hợp với yêu cầu lập luận để thấy được rằng "Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một thứ ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bây giờ biến thành của ta và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ". Có thể lấy vài tác phẩm sau đây để chứng minh:
Những người khốn khổ của Victor Hugo: "Khi nào những người đàn ông còn sa đọa vì bán sức lao động, khi nào những người đàn bà còn quằn quại vì đói khát, khi nào những đứa trẻ còn kéo dài tuổi thơ trong tăm tối thì cuốn sách này còn có ích".
Tác phẩm đã cho người đọc một điểm tựa tâm hồn quý giá khi mà số phận bị đẩy đến tận cùng của khổ đau. Tác phẩm đã mang đến cho người đọc một thứ ánh sáng để soi rọi tâm hồn của mỗi người, giúp mỗi người có những bài học ý nghĩa hơn khi cảm nhận nỗi đau của thế thái nhân tình.
Tác phẩm "Chí Phèo": chính bát cháo hành của Thị Nở đã có thể chữa bệnh cho "quỷ dữ" Chí Phèo. Tâm hồn người đọc sẽ thấm hơn giá trị của tình người, tình người ấy sẽ cứu vớt con người.
Đánh giá: Ý kiến trên hoàn toàn đúng. Nghệ thuật nói chung hay tác phẩm văn học nói riêng có tác động rất lớn tới tâm trí của con người. Ngoài việc là một biện pháp bày tỏ nội tâm của người thực hành nghệ thuật, thì nghệ thuật còn là phương tiện truyền tải hữu hiệu những giá trị nội tâm phức tạp, ví như những ý tưởng hay những cảm xúc đầy tính cá nhân giúp cá nhân có những nhận thức đúng đắn, tích cực.