Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Hà Tĩnh độc - lạ nhưng khó cho thí sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 năm học 2022 – 2023, trong đó môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu là bài thơ 'Chia' của Nguyễn Trọng Tạo được xem là đánh đố thí sinh.
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn "độc, lạ"?
Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận để trả lời câu hỏi: "Phải chăng sống hết mình với tất cả những gì mình có là cách thức để con người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc?"
Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích bài thơ "Chia" của Nguyễn Trọng Tạo từ đó bình luận ý kiến: "Thơ hay tựa như người con gái đẹp, ở góc nhìn nào người ta cũng có thể phát hiện ra những vẻ đẹp riêng".
Chia sẻ về đề thi này, một số giáo viên đánh giá câu nghị luận văn học đã "xé rào", vượt qua mọi khuôn mẫu trước đây.
"Ước trở về lớp 10 để làm đề này", cô Dương Thu Trang bày tỏ sự trầm trồ. "Em thấy đề hay và phù hợp với khả năng của học sinh bước đầu làm quen với chương trình giáo dục phổ thông mới", em Võ Minh Quân học sinh lớp 10 nêu ý kiến.
Tuy vậy, nhiều thầy cô cho biết họ không đồng tình với cách ra đề như thế này vì quá tầm hiểu biết, cảm thụ của học sinh lớp 10.
Thầy Phan Huấn nói: Bài thơ "Chia" nếu ai chưa nghe nhạc còn khó cảm nữa. Bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát "Một dại khờ, một tôi". Đây là bài thơ dạng "siêu thơ", khó cảm và khó phân tích, giống "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm. Tác giả đi vào một xúc cảm riêng tư, từng trải, độc đáo mà không phải ai khác cũng cảm thụ được.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Hòa cho biết, với đối tượng là học sinh lớp 10 thì bài thơ "Chia" là khá khó để các em cảm được hết sự chiêm nghiệm gửi gắm trong bài thơ.
"Đề này nặng quá, học sinh khó có điểm cao vì quá tầm của các em", thầy Khánh Duy nêu quan điểm. "Sao cứ phải làm khổ nhau vì những ngữ liệu này nhỉ", cô Bích Nga bày tỏ sự không đồng tình.
Bình luận kĩ hơn về đề thi, thầy Đoàn Hân nêu quan điểm: "Đề văn bất ổn quá! Với đề thi này, học sinh chưa đủ hiểu biết và trải đời để có thể phân tích thành công. Một bài thơ rất buồn, rất đau xót, ngậm ngùi.
Câu nghị luận xã hội hơi võ đoán khi đặt vấn đề: Phải chăng sống hết mình với tất cả những gì mình có là cách thức để con người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.
Bởi, học sinh chưa chắc đã hiểu nội dung bài thơ để từ đó có thể trả lời câu hỏi mà người ra đề đã chủ quan gán ghép vào.
Câu nghị luận văn học lại hơi có gì đó chưa thuyết phục khi đưa ra nhận định về thơ. Thơ mà ví như con gái đẹp. Rồi phân tích bài thơ "Chia". Đề thi trừu tượng ngay cả với người viết văn khiến thí sinh "đầu hàng" ngay từ khâu cảm thụ, thất bại ngay khi dẫn ra ngữ liệu.
Học sinh phân tích như thế nào về các hình ảnh ẩn dụ trong thơ?
Đáp án câu nghị luận xã hội có nội dung đáng chú ý: "Hình ảnh thơ mang tính biểu tượng, mở ra nhiều trường liên tưởng phong phú (cây si, cây bồ đề…) nhưng không hề đề cập đến "biểu tượng" gì.
"Cây si" hay là "tình si"? "Cây bồ đề" hay là tâm Phật? Si mê và tu hành gợi liên tưởng về hai phía của con người. Và anh đã tặng cho em cả si mê lẫn tâm Phật từ bi. Hình ảnh "cây si", "cây bồ đề" cũng có thể là cặp đối lập của "tham, sân, si" và "sắc sắc không không" (có có không không) trong tư tưởng Phật giáo.
Hay nói cách khác là si mê, si tình và sự tĩnh tại vô thường trong một con người (ma quỷ và Phật đều chia hết cho em), để rồi "tôi còn đâu nữa đam mê", tôi bị "héo khô" dưới cái nắng chang chang của cuộc đời.
Cũng có thể hiểu, "cây si" là biểu tượng cho sự si mê đến ngẩn ngơ, mê muội, mà tựu trung lại là những dục vọng thắp lên trong lòng người. Đặt "cây si" bên cạnh "cây bồ đề" - biểu tượng của sự giác ngộ - ấy là lúc tình yêu, sự đam mê trong lòng chàng trai đã đạt đến giá trị thật sự của ba khái niệm Chân - Thiện - Mỹ đáng quý trong đời.
Cuộc đời là một dòng sông chảy vào lòng ta những lời ca bộn bề phù sa của sóng. Khi ta biết lắng lòng gạn lọc để những hạt phù sa ấy thơm nồng dậy hương, làm ngát xanh lên những bờ bãi ngút ngàn mà không phải là những hạt cát khô sắc lạnh lùng nằm giữa sa mạc cô đơn - ấy là lúc ta đã đến gần hơn với "cây bồ đề" của sự giác ngộ, kết thành chồi nụ đơm hoa thơm kết trái ngọt cho đời.
Học sinh 16 tuổi chưa được trang bị kiến thức về lí luận văn học, chưa từng trải, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, liệu các em có hiểu được một số ẩn dụ (chẳng hạn "cây si", "cây bồ đề") trong bài thơ này để làm bài văn không?