Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn

'Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp'. Câu nói của nhà văn Aitmatov được vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn một trường phổ thông tại Quảng Trị.

Nội dung đề thi như sau:

Câu 1. Có người nói rằng: "Ta hãy học theo cách của dòng sông nhìn thấy núi thì đi đường vòng." Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng: "Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người."

Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về những ý kiến trên.

Câu 2. Nhà văn Nga Aitmatov từng khẳng định: "Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp".

Từ những trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Gợi ý nghị luận xã hội

- Giải thích: Dòng sông khi gặp núi thì đi đường vòng: con người khi gặp khó khăn, trở ngại thì nên tìm hướng đi khác dễ dàng hơn. Chọn lối đi chưa có dấu chân người: con người cần mạo hiểm, dũng cảm đối đầu với thử thách.

Bằng cách nói hình ảnh hai câu nói nêu lên những bài học về lẽ sống. Hai ý kiến nêu lên hai cách sống: một cách sống linh hoạt, khôn khéo, một cách sống dũng cảm, mạo hiểm.

- Phân tích, chứng minh: Trong cuộc sống, khó khăn, thử thách là điều không thể tránh khỏi.

Gặp khó khăn lớn, vượt quá khả năng của mình, nên tìm cách giải quyết bằng những hướng khác nhau, thậm chí phải đi đường vòng, phải mất thêm thời gian, công sức. Nếu linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề ta vẫn gặt hái được thành công, đến được đích mình đã định. Không linh hoạt, mềm dẻo, cứ đâm đầu vào đá ta sẽ chuốc lấy thất bại. (Lấy các dẫn chứng từ cuộc sống)

Nhưng trong cuộc sống, để đến được đích mà mình đã chọn, ta cũng phải biết mạo hiểm, dũng cảm, sáng tạo, phải tìm cho mình một lối đi riêng. Lối đi ấy có thể có những rủi ro, nhưng ta phải biết chấp nhận. Chỉ có như vậy ta mới có thể đến được đích một cách nhanh nhất, có thể biến ước mơ thành hiện thực. Nếu có thất bại đó cũng là bài học quý cho thành công tiếp theo. (Lấy các dẫn chứng từ cuộc sống).

Bàn luận, mở rộng vấn đề: Hai ý kiến không hề đối lập mà chỉ là những cách thức khác nhau để giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống.

Trong cuộc sống cần sự mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt. Tuy nhiên khôn khéo, linh hoạt phải có mức độ, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và không vi phạm pháp luật.

Cuộc sống cũng cần phải mạo hiểm, dũng cảm. Nhưng mạo hiểm, dũng cảm không có nghĩa là liều lĩnh, bất chấp mọi hiểm nguy, thấy chết mà vẫn lao vào.

- Bài học nhận thức và hành động: Trong cuộc sống, chúng ta phải biết linh hoạt, mềm dẻo nhưng có lúc cần mạo hiểm, dũng cảm, sáng tạo.

Để làm được điều đó, cần phải xác định, phân tích đúng hoàn cảnh. Nếu vận dụng linh hoạt những phẩm chất ấy trong từng hoàn cảnh cụ thể nhất định ta sẽ biến ước mơ thành hiện thực.

Nghị luận văn học

- Giải thích: Nhà văn qua tác phẩm - nơi kết tinh tư tưởng, tình cảm và tài năng của mình, sẽ khơi lên ở người đọc: "Niềm trắc ẩn": sự đồng điệu, đồng cảm để có thể hiểu, chia sẻ, thương xót trước nỗi đau của người khác. "Ý thức phản kháng cái ác" là khi nhà văn phô bày, lên án cái xấu, cái ác. Sự tự hào về những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật, từ đó nảy sinh khát vọng khôi phục và bảo vệ những điều tốt đẹp của con người.

Ý nghĩa câu nói của Ai-ma-tốp: Vai trò của nhà văn, của tác phẩm văn học trong việc nhân đạo hóa con người.

- Bình luận: Tác phẩm văn học chân chính thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ, phải hàm chứa tinh thần nhân văn sâu sắc, chứa đựng niềm vui, nỗi khổ đau của con người. Tác phẩm văn học chỉ có ý nghĩa khi mục đích sáng tác của nhà văn là nhằm phục vụ cuộc sống của con người (văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có).

Một trong những chức năng cơ bản của văn học là giáo dục, là "cứu vớt" con người. Vì vậy, nhà văn, bằng năng lực của mình cần thông qua mỗi tác phẩm văn học nhà văn cần giúp người đọc nhận ra cái tốt- cái xấu, từ đó khơi lên ở họ những tình cảm tốt đẹp (cảm thông với nỗi đau, căm ghét cái xấu, trân trọng và muốn bảo vệ cái đẹp).

Thực tế văn học...

- Chứng minh: Thí sinh có thể lựa chọn các tác phẩm mà mình yêu thích, song trong quá trình phân tích, bình giá để làm sáng rõ vấn đề đặt ra trong đề bài

- Đánh giá, mở rộng, nâng cao: Đây là ý kiến đúng đắn. Khẳng định lại vai trò, trách nhiệm, phẩm chất của một nhà văn chân chính (kết hợp giữa tâm và tài...); khẳng định giá trị của tác phẩm. Bài học được rút ra cho mỗi người đọc.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-nha-van-phai-biet-khoi-len-o-con-nguoi-niem-trac-an-179241009162003445.htm