Đề thi môn Ngữ văn bám sát thực tế, vừa sức và có tính phân loại cao

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ Văn được đánh giá là bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Học sinh trung bình có thể được 5 - 6 điểm, học sinh khá có thể đạt 7 điểm và từ mức 8.5 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng hơn đối tượng học sinh giỏi.

 Phụ huynh chăm sóc con sau buổi thi Ngữ Văn - Ảnh: T.Hương

Phụ huynh chăm sóc con sau buổi thi Ngữ Văn - Ảnh: T.Hương

Đây là nhận xét của cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247.com về đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năn 2024 sáng nay (27/6).

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ Văn

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ Văn

Theo cô Quỳnh Anh, cấu trúc đề đảm bảo sát với cấu trúc đề minh họa được Bộ GD-ĐT đưa ra trước đó bao gồm 2 phần: Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) và Phần II. Làm văn (7 điểm).

Trong đó, phần đọc hiểu, văn bản ngữ liệu: Được trích trong tác phẩm Dòng sông và những thế hệ của nước, Nguyễn Quang Thiều.

Câu hỏi phân hóa theo các thang mức độ: Nhận biết: Câu 1, 2; Thông hiểu: Câu 3; Vận dụng: Câu 4.

Khi trả lời các câu hỏi, thí sinh cần lưu ý trả lời đúng, đủ, trọng tâm. Với câu nhận biết thí sinh chỉ cần tìm, chỉ ra không cần đi sâu vào việc phân tích tác dụng hay ý nghĩa. Với câu thông hiểu các em cần bám sát ngữ liệu để phân tích, tránh phân tích lan man, dài dòng, không đúng trọng tâm. Cuối cùng, với câu vận dụng thí sinh cần phân tích vấn đề, từ đó rút ra bài học phù hợp.

phần làm văn, câu 1 yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Đối với câu nghị luận xã hội, thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn để làm sáng tỏ: ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu nghị luận xã hội không quá khó, thí sinh chỉ cần làm đúng dung lượng, chú ý nhấn mạnh ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính, lấy dẫn chứng phù hợp và có những phản đề, liên hệ sâu sắc.

Với câu 2, phần nghị luận văn học đề ra vào tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm. Phần câu hỏi phụ yêu cầu thí sinh chỉ ra chất suy tư đan xen với cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích.

Đoạn thơ thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm độc đáo, sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về nguồn gốc của Đất Nước bằng những câu thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, đậm chất trữ tình; thể thơ tự do, chất liệu văn học dân gian, giọng thơ trữ tình ngọt ngào như lời thủ thỉ, tâm tình, trò chuyện,... góp phần thể hiện gắn kết mạch cảm xúc và suy tư trong mỗi dòng thơ và trong cả đoạn thơ.

Suy tư sâu sắc về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm còn gắn liền và quyện hòa cùng niềm tự hào về không gian truyền thống văn hóa trong lịch sử dân tộc.

Sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng chính là một trong những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Có thể khái quát cấu trúc đề như sau: Đọc (3.0 điểm); Viết đoạn (2.0 điểm); Viết bài (5.0 điểm); Ngữ liệu: Văn bản văn học; Nghị luận xã hội; Nghị luận văn học.

Có thể thấy, đề thi năm nay bám sát thực tế và vừa sức với thí sinh nhưng đồng thời vẫn có tính phân loại cao.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-thi-mon-ngu-van-bam-sat-thuc-te-vua-suc-va-co-tinh-phan-loai-cao-20240627121152969.htm