Đề thi môn Ngữ văn hay, có tính phân loại
Sau 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023, đa phần thí sinh rời khỏi điểm thi với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều em cho rằng đề thi Ngữ văn hay, không quá khó nhưng vẫn có tính phân loại học sinh.
Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), nhiều thí sinh cho biết cơ bản các em đã hoàn thành hết yêu cầu của đề thi.
Thí sinh Tống Bá Long (học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Câu nghị luận xã hội với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là một vấn đề không quá khó để viết cũng như liên hệ bản thân. Còn với phần nghị luận văn học, “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm em ôn rất kỹ nên khi cầm đề trên tay em rất tự tin. Thời gian 120 phút là vừa đủ để em hoàn thành bài thi và soát lại lỗi chính tả. Em dự kiến đạt khoảng từ 7 trở lên”.
Rời khỏi điểm thi với tâm trạng phấn khởi, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thảo (học sinh Trường THPT Việt Đức) chia sẻ: “Đề thi năm nay vừa sức với em, nằm trong kiến thức được ôn tập trên lớp. Em dự kiến đạt khoảng từ 8 đến 8,5 điểm”.
Cùng quan điểm với Bá Long, Thanh Thảo, thí sinh Trần Thị Hồng Nhung (học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) vui vẻ cho biết, đề thi năm nay hay và em làm trọn vẹn. “Em dự kiến đạt tầm 8 điểm trở lên. Vượt qua bài thi đầu tiên thuận lợi, em sẽ có động lực tốt để vượt qua những môn thi tiếp theo”, Hồng Nhung chia sẻ.
Bài thi môn Ngữ văn được ra dưới hình thức tự luận. Nhiều phụ huynh cho rằng, Ngữ văn là môn khó, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp cả trong sách vở lẫn thực tế từ đời sống. Tuy nhiên, sau khi các thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng tốt, hầu hết phụ huynh cũng thở phào.
Theo cô giáo Phạm Thị Thanh Nga (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội), cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Ngữ văn có phần quen thuộc, đảm bảo tính phân hóa tốt và có đất cho học sinh khá, giỏi thể hiện.
Nói riêng về phần Đọc hiểu, cô giáo Phạm Thị Thanh Nga cho biết, ngữ liệu giàu hình ảnh, gợi cảm xúc, gần gũi với thí sinh. Các câu hỏi được sắp xếp theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Riêng câu 4, thí sinh cần suy ngẫm, tổng hợp.
Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra thiết thực, gần gũi, có ý nghĩa với học sinh. Câu nghị văn học là dạng bài quen thuộc, không làm khó thí sinh với 2 lệnh đề. Ở lệnh đề thứ nhất, thí sinh nắm chắc kiến thức, có kỹ năng phân tích đoạn trích, hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích đặt trong chỉnh thể tác phẩm. Ở lệnh đề thứ hai, đây là lệnh đề mang tính phân hóa, học sinh khá, giỏi sẽ có đất để thể hiện, có cơ hội để bật điểm lên từ lệnh đề này.
“Nhìn chung, đề thi năm nay vừa sức, không đánh đố hay làm khó thí sinh”, cô giáo Phạm Thị Thanh Nga nhận định.
Chung quan điểm, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho rằng đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/3/2023.
“Phần Đọc hiểu (3 điểm) khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi hệ thống câu hỏi vẫn theo hướng giảm tải như nhiều năm nay khi đưa ra tới 2 câu hỏi ở mức độ nhận biết. Câu hỏi vận dụng về cơ bản lặp lại yêu cầu như câu hỏi số 3 trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Câu hỏi vận dụng cao một mặt có thể giúp những thí sinh có sự trải nghiệm và suy tư sâu sắc thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống, nhưng mặt khác cũng có thể tạo điều kiện cho một số thí sinh đưa ra những suy nghĩ hời hợt, khuôn mẫu và sáo rỗng”, cô giáo Trịnh Thu Tuyết nhận định.
Phần Làm văn (7 điểm) vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) và bài nghị luận văn học (5 điểm). Với câu nghị luận xã hội, câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.
Đây là một vấn đề rất thiết thực với bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, khi các em có nhiều nhiệt tình, khát vọng… nhưng có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kỹ năng sống và vì thế dễ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kỳ ai; do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các em đạt được điểm tối đa. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loai tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh.
Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc. Sau trích đoạn cuối cùng của truyện ngắn “Vợ nhặt” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: Phân tích đoạn trích trong truyện ngắn và nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích.
Với ngữ liệu nghị luận là đoạn kết mang âm hưởng tươi sáng của sự đổi đời, của cuộc sống ấm no - sự tươi sáng dù mới chỉ thấp thoáng hiện ra qua câu chuyện của 3 mẹ con Tràng, qua cảm giác “tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng và đặc biệt qua hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” ở cuối truyện, thí sinh hoàn toàn có thể tích hợp yêu cầu của hai câu lệnh bởi khi các em phân tích đoạn trích với những chi tiết miêu tả lời nói, thái độ, tâm trạng… của các nhân vật thì cũng đồng thời phải đề cập đến cách nhìn tích cực của nhà văn Kim Lân với cuộc sống và số phận con người trong nạn đói khủng khiếp 1945. Điều này sẽ giúp cho những thí sinh có năng lực tư duy tốt có thể thực hiện tích hợp hai yêu cầu của đề, tránh được sự trùng lặp những nội dung đã phân tích.
“Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo”, cô giáo Trịnh Thu Tuyết đánh giá.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thành phố Hà Nội có 1 thí sinh 53 tuổi dự thi tại điểm thi trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thành phố Hà Nội cũng có một thí sinh rất cao tuổi dự thi và đã đỗ tốt nghiệp là Nguyễn Huy Kỳ, 82 tuổi. Bên cạnh đó, tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khá nhiều học viên lớn tuổi đi học và đạt kết quả học tập tốt. Điều này khẳng định tinh thần hiếu học, gương mẫu của người dân Thủ đô trong việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời và học tập ở bất kỳ tuổi nào.
Hoàn thành bài thi môn Ngữ văn - bài thi đầu tiên và cũng là bài thi duy nhất của kỳ thi áp dụng hình thức thi tự luận với tâm trạng hồ hởi, chiều 28/6, thí sinh sẽ tiếp tục làm bài thi môn Toán trong thời gian 90 phút, bắt đầu từ 14h30.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-thi-mon-ngu-van-hay-co-tinh-phan-loai-157563-157563.html