Đề thi môn Toán lớp 10 ở TPHCM: Đừng đổ lỗi cho học trò khi các em rơi nước mắt

'Đề Toán năm nay chắc chắn sẽ tạo ra cú hích, thay đổi cách dạy học bộ môn này trong tương lai gần. Có điều, ngay tức thì, nó đã tạo ra làn sóng tổn thương và những trận 'mưa nước mắt' vì nhà trường chưa đổi mới' - một độc giả nhận xét.

Báo VietNamNet tiếp tục nhận được hàng trăm ý kiến nhận xét, đóng góp về đề thi lớp 10 môn Toán của Sở GD-ĐT TPHCM.

"Học sinh giỏi tràn lan nhưng đề thi khác một chút đã rơi nước mắt"

Đây là nhận xét của độc giả Thu Thủy. Chị Thủy bày tỏ sự ái ngại về tình trạng học sinh giỏi tràn lan ở các trường hiện nay nhưng chỉ cần ra đề thi “khác đi một chút”, học sinh đã than khó và “rơi nước mắt”.

“Điều đó chứng tỏ việc giỏi hiện nay không thực chất. Có chăng, học sinh chỉ giỏi trên giấy tờ” - chị Thủy bày tỏ quan điểm.

Độc giả này cũng kể rằng thời của chị, cả lớp có 43 học sinh mà tổng kết năm học chỉ có 3 học sinh khá và 2 bạn xấp xỉ khá. Để có được kết quả này, thầy cô đã phải nâng hết mức.

"Còn những bạn học giỏi thực sự được đi thi huyện, thi tỉnh, tôi rất ngưỡng mộ. Cả trường tôi không có bạn nào đạt học sinh giỏi toàn diện. Trong khi đó, hiện nay tràn lan học sinh giỏi và xuất sắc, nhiều đến nỗi các con cầm giấy khen giỏi và xuất sắc về bố mẹ cũng không thấy cảm động hay tự hào vì ai ai cũng có”.

Học sinh TPHCM tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm2024. Ảnh: Nguyễn Huế

Học sinh TPHCM tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm2024. Ảnh: Nguyễn Huế

Một độc giả là giáo viên Toán tên Hữu Khoa cho rằng đề thi của TPHCM hay.

"Các câu hỏi khá quen thuộc, không hề lạ lẫm. Có chăng, nó chỉ lạ với cách ra đề truyền thống mà thôi. Đề không quá khó, những học sinh khá giỏi thực sự vẫn sẽ đạt điểm 9-10"- thầy giáo này nhận định.

Cùng quan điểm, độc giả Lâm Lưu đưa ý kiến "đề thi TPHCM năm nào cũng tuyệt, sử dụng mô hình toán vào thực tế cuộc sống. Tôi ủng hộ kiểu ra đề như vậy, các địa phương khác nên học hỏi”.

"Thi mới, học cũ", phải chăng TPHCM đang làm ngược?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cách ra đề thi của Sở GD-ĐT TPHCM cũng có những độc giả cho rằng việc này đang "đi ngược", khi đổi mới thi cử mà cách dạy học, chương trình vẫn như cũ.

Độc giả Hiếu Thuận thẳng thắn: "Đừng bao giờ đổ lỗi cho học trò".

"Đây là chuỗi trách nhiệm của các cấp ngành mà cao nhất là Bộ GD-ĐT, bởi kết quả thi phản ánh cách biên soạn chương trình và phương pháp dạy học từ Bộ ban hành ra. Nếu được học dưới chính sách giảng dạy như hiện nay, ngay cả những giáo sư nổi tiếng cũng phải khóc chứ nói gì đến các em học trò lớp 10".

Trong khi đó, độc giả Phạm Hiền nhận xét đề Toán năm nay chắc chắn sẽ tạo ra cú hích, để các trường nghĩ đến việc thay đổi cách dạy học bộ môn này trong tương lai gần, đây là mặt tích cực.

"Có điều, ngay tức thì, nó đã tạo ra làn sóng tổn thương và “mưa” ở cổng trường vì sự mới lạ, thiếu tư duy sáng tạo, dạy không đổi mới của trường. Chẳng lẽ, để tạo ra sự đổi mới trong dạy học, không có cách khác mà dùng cách này với học sinh?”- chị Hiền đặt câu hỏi.

Độc giả Đỗ Long cũng đồng tình khi cho rằng "chúng ta đang đi theo hướng cách học cũ, dạy học cũ nhưng thi cử thì mới". Theo anh, nên đồng bộ hơn về chương trình, bởi nếu cứ dạy học và thi cử như hiện nay sẽ lãng phí công sức của thầy và trò.

Còn độc giả Bùi Văn khẳng định "nếu quy lỗi thuộc về ai thì lỗi chính là từ thầy cô. Thầy cô dạy thế nào thì học sinh học thế. Ngay từ tiểu học đã phải đi học thêm để thi "trúng tủ""

"Thầy dạy sao thì trò học vậy, từ tư tưởng cho đến kỹ năng. Vậy nên, chúng ta đừng đòi hỏi nhiều hơn những gì mình truyền đạt"- độc giả này bình luận.

Dù đồng ý đề Toán hay, cảnh tỉnh dạy và học lối mòn, nhưng độc giả Phạm Hiền nhấn mạnh điều này không phù hợp với lứa học sinh hiện tại. Lý do chị Hiền đưa ra là giáo dục cần đổi mới cách dạy học trước, rồi đổi mới thi cử. Nếu đổi mới thi cử mà không đổi mới dạy học, chương trình là làm ngược.

"Dùng đề thi có hình thái mới, đề cao tính linh hoạt tư duy, nhằm thay đổi cách dạy và học như vậy là đang đi ngược. Ngoài ra, hệ lụy có thể là lứa sau thấy các anh chị thi khó thì học thêm ngay từ hè" - chị Hiền cảnh báo.

Theo chị Hiền, mức độ "khó" ở đây là trên góc nhìn thực tế chân thực đã xảy ra của các em - là người đi thi. Còn người ngoài nói "không khó" hoặc "khó" là góc nhìn của mình, không phản ánh đúng khách quan vấn đề mà các em đã thực sự gặp phải.

Kỳ thi lớp 10 tại TPHCM đã khép lại nhưng những tranh cãi quanh đề thi Toán vẫn chưa dứt. Mời quý độc giả đóng góp ý kiến về vấn đề này. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: tphcm@vietnamnet.vn.

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-thi-mon-toan-lop-10-o-tphcm-dung-do-loi-cho-hoc-tro-khi-cac-em-roi-nuoc-mat-2291124.html