Đề thi Ngữ văn phải có tính giáo dục cao
Theo nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh, đề thi Ngữ văn cần phải có tính giáo dục cao, tránh đưa những ngữ liệu nhạy cảm, gây hiểu lầm cũng như tranh cãi trong dư luận.
Ngữ liệu nhạy cảm
Đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn của học sinh khối 8 ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng một phen tranh cãi. Đa phần ý kiến đều cho rằng cách ra đề thi chưa hợp lý, nhiều người còn chỉ trích ngữ liệu trong đề "thiếu tế nhị", "mất vệ sinh",…
Sau khi đọc đề thi Ngữ văn trên, chị Lý Thị Mai - phụ huynh có con đang học THCS cho biết: "Tôi thấy đề thi đưa ngữ liệu nhạy cảm, thiếu tế nhị. Dù rằng đó là truyện cười nhưng dễ gây hiểu nhầm trong cách hiểu cho học sinh. Tôi mong muốn các thầy cô khi ra đề thi cho các con sẽ lựa chọn ngữ liệu có tính nhân văn, giáo dục để các con rút ra cho mình những bài học ý nghĩa".
Theo Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đề thi này phù hợp với năng lực của học sinh lớp 8, cũng không sai khi dùng truyện cười. Tuy nhiên, việc sử dụng ngữ liệu chưa phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi phân tích, vấn đề bệnh đường tiêu hóa, ngữ cảnh đi vệ sinh và rình người khác đi vệ sinh, cũng như câu nói cuối cùng của thầy thuốc dễ tạo cách hiểu khác kém tế nhị bên cạnh cách nghĩ logic thông thường (thầy thuốc đã chữa khỏi bệnh thì phải được bệnh nhân mời ăn như lời hứa ban đầu).
Theo thầy Khôi, ngữ liệu trên chưa có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chưa tiêu biểu cho thể loại, thiếu tính chuẩn mực về ngôn ngữ. Tiếng cười trong văn bản cũng chưa sâu sắc, thiếu tính nhân văn.
Trước đó, đề kiểm tra cuối học kỳ 1 dành cho học sinh khối lớp 8, năm học 2023 - 2024, môn Ngữ văn của một trường THCS tại TP Hồ Chí Minh cũng gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, phần I Đọc - Hiểu có nội dung:
"Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
"Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Đến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người chung quanh nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:
- Này, con cầm lấy!
Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn. Thầy nhìn thấy giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng.
Đến lúc ra về, thầy vẫn còn nhớ đến mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:
Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:
Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?
Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:
Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.
Trò ngơ ngác quay lại thưa:
Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy thầy bảo cho con nên thế nào cho phải?
Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:
Thế bánh tao đâu?
(Truyện "Bánh tao đâu?" - sachhay24h.com)
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2: Nêu bài học rút ra từ văn bản trên?
Câu 3: Cho biết nghĩa tường minh và nghĩa hàm ý trong câu: "Này, con cầm lấy!".
Câu 4: Dựa vào văn bản, xác định bối cảnh và loại nhân vật.
Câu 5: Viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên".
Sau khi đọc đề thi này, một học sinh bày tỏ: "Con cứ nghĩ thầy đồ ngày xưa là nghiêm khắc, luôn chú ý đến lễ nghĩa khi giáo dục học trò nhưng đọc câu chuyện này con lại thấy hình ảnh một thầy đồ tham lam, ích kỷ".
Đề thi cần có tính giáo dục, nhân văn
Một số phụ huynh cho rằng việc chọn ngữ liệu truyện "Bánh tao đâu?" là chưa phù hợp. Nội dung câu chuyện là một sự xúc phạm các nhà giáo. “Trong kho tàng văn học nước nhà, thiếu gì những tác phẩm hay, sâu sắc, tại sao người ra đề lại chọn văn bản hạ thấp hình ảnh nhà giáo để đưa vào đề thi văn như vậy?”, vị phụ huynh bức xúc và cho rằng đề thi phải có tính giáo dục, tránh gây hiểu lầm, đặc biệt là với học sinh ở cấp học chưa thực sự hiểu rõ về giá trị của văn học dân gian.
Tại Văn bản 3175/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi cho rằng, đề thi Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến nhiều giáo viên, học sinh cảm thấy hứng thú nhưng cũng không ít người bị lúng túng. Vì vậy, theo thầy Khôi, trong công tác kiểm tra đánh giá, nhất là việc lựa chọn ngữ liệu, đặc biệt khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi theo chương trình mới, các nhà quản lý, giáo viên cần được tập huấn nhiều hơn.
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa (Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), giáo viên cần tăng cường các bài tập thực hành với các văn bản ngoài sách giáo khoa để học sinh tìm hiểu, nhận biết. Tốt nhất là học xong bài về thể loại nào, có ngay những bài tập vận dụng cho thể loại đó với những yêu cầu phù hợp với yêu cầu cần đạt của khối lớp đó.
Hai giáo viên (gồm một người ra đề, một người phản biện) của huyện Thanh Bình ở sự việc trên bị xử phạt với hình thức kiểm điểm vì ra đề có ngữ liệu "nhạy cảm". Hội đồng ra đề cùng lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện cũng bị xem xét trách nhiệm.
Theo báo cáo của huyện Thanh Bình, qua rà soát, đề thi không sai về nghiệp vụ chuyên môn, quy trình ra đề. Các giáo viên sau khi chấm bài nhận định học sinh làm nghiêm túc, hiểu nội dung ý nghĩa câu chuyện qua nghệ thuật ngôn ngữ và thủ pháp gây cười của truyện cười dân gian Việt Nam.
Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Bình thừa nhận ngữ liệu được dùng trong đề thi khá nhạy cảm. Một chuyện tiếu lâm gây tiếng cười nhưng đem ra công chúng thì cần cẩn trọng hơn. Huyện Thanh Bình cũng yêu cầu ngành giáo dục huyện rút kinh nghiệm sâu sắc, sử dụng ngữ liệu phải có tính giáo dục cao, phù hợp với năng lực nhận thức, tâm sinh lý của học sinh, từ ngữ trong sáng, tích cực.