Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn: Người lạc quan mong chờ gió đổi chiều

Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của liên trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An yêu cầu học sinh bàn về vấn đề tuổi trẻ cần biết sống thích nghi với hoàn cảnh.

Gợi ý đọc hiểu

Câu 1. Những hình ảnh mang tính biểu tượng trong hai dòng thơ in đậm: tiếng trống trường, vồng rau cải ngọt.

Câu 2. Những dòng thơ trực tiếp thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình: Mùa thu đi rồi, còn lại chút bâng khuâng/ Tôi thấy lòng mình, thu từ dạo ấy.

Câu 3. Biện pháp tu từ điệp ngữ trong hai dòng thơ: chưa bao giờ. Nhấn mạnh tâm trạng ngỡ ngàng, thích thú của nhân vật trữ tình trước sự thay đổi của đất trời mùa thu. Tạo nhịp điệu hài hòa, cân xứng, da diết cho câu thơ.

Câu 4. Nhận xét bức tranh cảnh vật được khắc họa trong văn bản: Bức tranh cảnh vật được khắc họa trong văn bản: bầu trời, ruộng đồng, cây trái. Đó là một bức tranh bình dị, trong trẻo, nên thơ, giàu sức sống, vạn vật hữu tình; qua đó bộc lộ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của nhân vật trữ tình.

Câu 5. Văn bản gợi suy nghĩ về khả năng thanh lọc tâm hồn con người của thiên nhiên: Sống chan hòa với thiên nhiên, con người sẽ có cảm giác được cân bằng, tâm hồn trở nên dịu êm, sâu lắng. Thiên nhiên (cảnh sắc, thời tiết…) đem đến cho con người những bài học ý nghĩa, những cảm xúc phong phú, giúp con người biết điều chỉnh cuộc sống một cách phù hợp hơn.

Vẻ đẹp của ngôn từ trong đoạn trích "Mùa thu đi qua"

Vẻ đẹp ngôn từ của đoạn thơ: sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ (so sánh, liệt kê, điệp…) với ngôn từ giản dị mà giàu sức gợi (như từ láy, tính từ chỉ màu sắc) giúp khắc họa bức tranh thu êm đềm mà tươi tắn…; thể thơ tự do với những câu thơ dài có nhịp điệu chậm rãi, uyển chuyển phù hợp cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng.

Đoạn thơ thể hiện sự kết hợp những chất liệu gần gũi, bình dị với lối diễn đạt tự nhiên, nhuần nhuyễn; diễn tả thành công những rung cảm tinh tế, êm dịu của nhân vật trữ tình – tác giả trước sự trôi chảy của thời gian và không gian mùa thu.

Tuổi trẻ cần biết sống thích nghi với hoàn cảnh

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và quan điểm của người viết: người trẻ cần biết sống thích nghi với hoàn cảnh.

Thân bài:

Giải thích: Thích nghi là khả năng thích ứng, biến đổi phù hợp với môi trường. Người biết sống thích nghi với hoàn cảnh có khả năng điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và hành vi để phù hợp với môi trường sống, đồng thời biến những khó khăn thành cơ hội để trưởng thành.

Tại sao người trẻ cần biết sống thích nghi với hoàn cảnh?

Xã hội hiện đại nhiều biến động…, người trẻ biết thích nghi sẽ dễ vượt qua khó khăn, thử thách bằng tinh thần lạc quan, hướng tới sự cân bằng trong cuộc sống.

Sống thích nghi với hoàn cảnh giúp người trẻ luôn chủ động, tự tin trong việc đưa ra các quyết định, lựa chọn…, từ đó biến thách thức thành động lực và cơ hội.

Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác: Thích nghi không có nghĩa là đánh mất bản thân, mà là biết cách hòa nhập để phát huy tối đa giá trị của chính mình.

Bài học nhận thức và hành động: Có nhận thức đúng đắn về sống thích nghi. Biết tôi rèn bản lĩnh, tích lũy tri thức, tăng cường trải nghiệm, học hỏi từ cuộc sống, không ngại vấp ngã; từ đó tạo thói quen Tư duy linh hoạt và chủ động thay đổi bản thân.

Kết bài: khẳng định lại quan điểm của cá nhân và ý nghĩa của vấn đề nghị luận.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-mon-ngu-van-nguoi-lac-quan-mong-cho-gio-doi-chieu-179250422150737078.htm