Lịch sử Phú Yên: Vùng đất 'hoa vàng cỏ xanh' từng một lần sáp nhập
Trải qua hơn 500 năm, Phú Yên đã chứng kiến sự thịnh, suy của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, trải qua nhiều cuộc chiến tranh gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bản đồ tỉnh Phú Yên. (Nguồn: phuyen.gov.vn)
Trải qua hơn 500 năm, Phú Yên đã chứng kiến sự thịnh, suy của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, trải qua nhiều cuộc chiến tranh gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại ghi dấu những đổi thay to lớn của mảnh đất và con người nơi đây.
Vị trí địa lý
Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.023,4 km2.
Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn thuộc vùng lãnh thổ Duyên hải Nam Trung Bộ và thuộc vùng kinh tế Nam Trung Bộ. Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Đồng Xuân, huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Tuy An với 110 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường, 6 thị trấn và 83 xã.
Dân số Phú Yên là 876.619 người (năm 2022), mật độ dân số 174 người/km2. Có 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số với 60.128 người (2020), chiếm 6,89% dân số toàn tỉnh.
Phú Yên nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương và chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 và mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 8, thích hợp nhiều loại cây lương thực và hoa màu như lúa, bắp, đậu, rau, dưa, bầu, bí, khoai, sắn, mía…

Du khách tham quan hải đăng Đại Lãnh, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lịch sử hình thành
Cùng với thời gian, Phú Yên hiển hiện là vùng đất có lịch sử khá lâu đời và ẩn chứa những nét văn hóa đa dạng, độc đáo.
Thời Hậu Lê: Ranh giới của cuộc khai hoang
Tháng sáu năm Tân Mão (năm 1471), vua Lê Thánh Tông tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương nam cho quân vượt qua đèo Cù Mông đến Đèo Cả và khắc bia trên núi Đá Bia, xác định cương vực biên giới Đại Việt.
Thời chúa Nguyễn: Xuất hiện danh xưng Phú Yên
Năm Mậu Dần (năm 1578), theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương nam, đưa dân từ các vùng Thanh- Nghệ và Thuận- Quảng đến khẩn hoang lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp ở vùng đất Trấn Biên. Đến năm 1597, những lưu dân do Lương Văn Chánh chiêu mộ đã đến khẩn hoang lập nghiệp trên vùng đất Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn.
Năm 1611, vùng đất do Lương Văn Chánh khẩn hoang chính thức được đặt tên là Phú Yên. Danh xưng Phú Yên chính thức có từ đó với cấp hành chính là Phủ trong tổ chức chính quyền bấy giờ.
Sau khi Lương Văn Chánh mất, Nguyễn Hoàng cử Chủ sự Văn Phong vào trông coi vùng đất này. Năm 1692, Văn Phong làm phản, chúa Nguyễn sai Nguyễn Phúc Vinh vào đánh dẹp, rồi đổi thành dinh Trấn Biên, Nguyễn Phúc Vinh được cử làm Trấn thủ. 18 năm sau, Phú Yên được nâng lên cấp dinh – cấp hành chính địa phương cao nhất nước.
Năm 1744, Võ vương Nguyễn Phước Khoát chia cả cõi thành 12 dinh. Dinh Trấn Biên đổi thành dinh Phú Yên.
Thời nhà Nguyễn: Thành lập tỉnh Phú Yên
Với một vị trí chiến lược quan trọng, vào thế kỷ XVIII Phú Yên là nơi đối đầu quyết liệt giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Dưới triều Nguyễn, Phú Yên đã diễn ra nhiều thay đổi về hành chính. Trong giai đoạn 1799-1808, vùng đất này được gọi là dinh Phú Yên. Đến năm 1808, vua Gia Long đổi thành trấn Phú Yên. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi thành phủ Tuy An thuộc trấn Bình Định.
Một năm sau (năm 1832), vua Minh Mạng chia lại các đơn vị hành chính trong cả nước, phủ Tuy An được thăng thành tỉnh Phú Yên. Đến năm 1853, vua Tự Đức lại đổi tỉnh Phú Yên thành đạo Phú Yên. Hai mươi ba năm sau (năm 1876), vua Tự Đức lại nâng đạo Phú Yên thành tỉnh Phú Yên.
Dưới thời thuộc Pháp (1885-1945), Phú Yên cũng nhiều lần sáp nhập và thay đổi địa giới hành chính.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, trên chiến trường miền Nam, quân đội đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu tiêu diệt địch, vừa bảo vệ cơ sở cách mạng; dẫn dắt, xây dựng lực lượng dân quân, du kích, vừa hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ... Trong ảnh: Được lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng hỗ trợ, đồng bào vùng địch thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) đã nổi dậy phá "ấp chiến lược" trở về làng cũ làm ăn (1966). (Ảnh: TTXGP)
Giai đoạn 1945-1975: Nhiều thay đổi về chính trị và địa giới
Giữa năm 1946, tỉnh Phú Yên thực hiện chủ trương của Ủy ban hành chính Trung Bộ, chấn chỉnh lại các cấp hành chính, chuyển cấp thôn thành cấp xã (84 xã). Tháng 11/1946, tỉnh Phú Yên chia làm 6 chiến khu, giữa năm 1947, tỉnh Phú Yên thành lập cấp huyện thay cho chiến khu.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Phú Yên thuộc vùng kiểm soát của ngụy quyền Sài Gòn, bãi bỏ chế độ ủy ban, thay thế bằng bộ máy hành chính quốc gia, đứng đầu là tỉnh trưởng, các tên huyện được đổi thành quận.
Lúc này, Phú Yên có thêm quận Sông Cầu, quận Phú Đức, quận Sơn Hòa, quận Hiếu Xương. Tháng 9/1962, ba quận Phú Đức, Sơn Hòa, Đồng Xuân cắt về tỉnh Phú Bổn (một tỉnh ở vùng Cao Nguyên mới được thành lập).
Từ 1975 đến nay: Sáp nhập rồi lại tách tỉnh:
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 3/11/1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VII (kỳ họp thứ V) ngày 30/6/1989, tỉnh Phú Khánh tách thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập.
Qua những lần thay đổi địa giới hành chính và thiết lập các đơn vị hành chính mới, từ năm 2005, tỉnh Phú Yên có 8 huyện, 1 thành phố.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay./.

Tháp Nghinh Phong trong khuôn viên công viên biển ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, rực rỡ về đêm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)