Đề thi thử tốt nghiệp Ngữ văn: Hãy can đảm dấn thân vào những điều mới mẻ

Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của tỉnh Tuyên Quang yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của hành động: Hãy can đảm dấn thân vào những điều mới mẻ.

Gợi ý đáp án đọc hiểu

Câu 1. Văn bản bàn về vấn đề dám nghĩ, dám làm của con người.

Câu 2. Khi dám nghĩ dám làm, sức mạnh tiềm ẩn vốn có trong mỗi chúng ta sẽ trỗi dậy để hỗ trợ và tiếp sức, đưa ta tiến lên phía trước.

Câu 3. Hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong các câu văn: tỉnh lược thành phần câu (chủ ngữ). Giúp nội dung diễn đạt súc tích, độc đáo; nhấn mạnh những hành động cụ thể, thể hiện quyết tâm, thôi thúc, không ngại khó khăn, thử thách. Góp phần tạo nên nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ cho lời văn.

Câu 4. Việc sử dụng bằng chứng trong câu văn Những bậc vĩ nhân làm nên lịch sử loài người đều là những người dám hành động, biết chấp nhận mất mát có tác dụng: Khẳng định, làm sáng rõ phẩm chất của những người dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì chính nghĩa. Giúp việc triển khai vấn đề trở nên sinh động, hấp dẫn; tạo sự thuyết phục cho lập luận trong văn bản.

Câu 5. Tích cực, tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám hành động để bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải; sẵn sàng dấn thân, thử nghiệm cái mới, chấp nhận thử thách để bứt phá thành công; không có thái độ chần chừ, do dự, toan tính thiệt hơn quá nhiều trước khi hành động.

Gợi ý viết đoạn văn nghị luận văn học

Nêu và giải thích được hành động can đảm dấn thân vào những điều mới mẻ là sự sẵn sàng trước hoàn cảnh, chủ động đón nhận mọi tình huống, đối mặt với thử thách để khám phá những cơ hội và trải nghiệm mới. Đây là hành động thể hiện sự dũng cảm, tự tin, tích cực vượt thoát khỏi giới hạn để khẳng định bản thân.

Phân tích được ý nghĩa của hành động can đảm dấn thân vào những điều mới mẻ.

Với bản thân: Hành động này giúp giới trẻ rèn luyện ý chí, nghị lực, khả năng thích nghi. Khi đó, người trẻ sẽ nỗ lực thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặt ra cho bản thân những mục tiêu để chinh phục. Con người sẽ không ngừng bứt phá, tôi luyện ý chí, tạo lập tinh thần chủ động trong cuộc sống; khi đó, cuộc sống có thêm nhiều điều bất ngờ, thú vị.

Với cộng đồng: Tinh thần nhập cuộc, dấn thân của giới trẻ sẽ mang lại nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng vì tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước, là nội lực quan trọng của sự phát triển.

Gợi ý viết bài nghị luận xã hội xã hội

Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và nêu khái quát vấn đề nghị luận.

Thân bài:

Phân tích cảm xúc, suy tư của nhân vật trữ tình (ta) trong đoạn thơ: Tình cảm gắn bó, mến yêu với cuộc sống quê hương nghèo khó nhưng êm đềm: Con người và thiên nhiên, vạn vật hiện lên trong sự giao hòa, gắn kết: người rửa rau "chia rau" cho cá; người "mổ lợn", "chia thịt" cho quạ, cho cá cùng ăn Tết; người trồng rau ăn lá, chia hoa cho bướm ong hút mật; người trồng lúa ăn gạo, chia rơm thơm cho trâu; người và trâu chia cả bến sông: "phía dưới trâu đằm /phía trên ta tắm". Những chi tiết, hình ảnh giản dị, đời thường đã thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, tình yêu quê hương sâu sắc của nhân vật trữ tình.

Cảm xúc, suy tư dạt dào về kí ức tươi đẹp,"yên ổn": Trong tình cảm của nhân vật trữ tình, kí ức đồng nghĩa với sự đẹp đẽ, vẹn nguyên. Đắm mình với sông quê, con người cảm nhận rõ giá trị tinh thần của "ngày xưa", trào dâng tình yêu thương, nhung nhớ, biết ơn đối với quê hương, nguồn cội. "Một dòng xanh trong" không chỉ là dòng chảy của con sông quê mà còn là dòng chảy của giá trị tinh thần, sức mạnh từ quá khứ "chảy mãi đến vô cùng".

Cảm xúc, suy tư của tác giả được thể hiện qua hình thức nghệ thuật đặc sắc: thể thơ tự do, hình ảnh thơ gần gũi, sinh động, vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa ẩn dụ; biện pháp liệt kê, nhân hóa giàu hình ảnh; sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự với yếu tố biểu cảm đã góp phần thể hiện sinh động, giàu cảm xúc thế giới tình cảm của nhân vật trữ tình.

Đánh giá: Cảm xúc, suy tư của nhân vật trữ tình đã thể hiện vẻ đẹp của tình yêu, sự gắn bó với quê hương thiết tha, sâu lắng, có ý nghĩa khơi gợi tình cảm gắn bó với đất nước, hướng con người đặc biệt là thế hệ trẻ đến giá trị tích cực, bền vững.

Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-ngu-van-hay-can-dam-dan-than-vao-nhung-dieu-moi-me-179250330102527072.htm