Đề thi tổ hợp bám sát chương trình học, phân loại tốt

Hoàn thành phần thi tổ hợp, thí sinh rời trường thi trong tâm trạng thoải mái vì đề không quá khó, bám sát chương trình học.

Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) xem lại bài sau khi thi xong.

Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) xem lại bài sau khi thi xong.

Tại Cần Thơ, thí sinh ra khỏi trường thi trong tâm trạng thoải mái.

Theo chia sẻ của các thí sinh, đề thi tổ hợp năm nay không quá khó, bám sát chương trình học lớp 11, 12 và có tính phân hóa thí sinh ở những câu cuối.

Thí sinh Ngô Gia Khang, thi tại điểm thi THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) cho biết: Em làm bài thi Khoa học xã hội khá tốt, nhìn chung đề thi vừa sức, không quá khó. Môn Lịch sử kiến thức đều nằm trong chương trình học, độ dài vừa đủ; môn Địa lí kiến thức cũng bám sát sách giáo khoa; môn GDCD đề thi hay, các tình huống gắn liền với cuộc sống và em đã được học.

Đối với tổ hợp KHTN, các thí sinh TP Cần Thơ cho rằng vừa sức, trong đó đề Hóa học có phần nâng cao, phân loại thí sinh rõ rệt. Còn môn Lí, Sinh đề vừa sức, bám sát kiến thức sách giáo khoa.

 Thí sinh Sóc Trăng vui vẻ sau khi thi xong bài thi tổ hợp.

Thí sinh Sóc Trăng vui vẻ sau khi thi xong bài thi tổ hợp.

Tại Sóc Trăng, thí sinh Trần Thị An Phú, học sinh Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng) cho biết: Em đăng ký thi tổ hợp KHXH và rất vui khi làm bài tốt, tự chấm các môn đều trên 8 điểm. Cùng ra về chung với An Phú, thí sinh Nguyễn Như Lộc cũng cho biết bài làm đều trọn vẹn ở tổ hợp KHXH.

Thí sinh Giang Thu Hương, thi tại điểm thi THPT Hoàng Diệu cũng tươi vui vì bài thi tổ hợp KHTN của em và các bạn đều đạt kết quả cao, chắc chắn từ 8 điểm trở lên.

Tuy nhiên, có một số thí sinh học lực trung bình cho biết đề thi tổ hợp KHTN khá khó, một số em làm bài chỉ dám chấm 6 điểm là cao nhất.

 Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trao đổi sau khi thi xong bài thi tổ hợp.

Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trao đổi sau khi thi xong bài thi tổ hợp.

Tại Tiền Giang, rời khỏi trường thi, thí sinh Nguyễn Phúc Tín, thi tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho) cho biết: Ở tổ hợp Khoa học tự nhiên, môn Hóa có một số kiến thức lớp 11 em không nắm chắc nên không chắc chắn. Trong 3 môn Lý, Hóa, Sinh, em thấy môn Lý làm tương đối tốt.

Một số thí sinh cho biết đề thi tổ hợp KHXH không quá khó, phù hợp với sức học của thí sinh. Còn tổ hợp KHTN đề thi có phần khó hơn, đặc biệt là ở môn Lí, Hóa. Thí sinh Võ Thị Diễm Ngọc, thi tại điểm thi THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết thêm: Đề thi KHTN khá dài, mức độ phân hóa cao. Do em không xét tuyển môn Sinh nên môn này em làm yếu nhất. Với em môn Lí được xem là ổn nhất với nội dung phần diện và quang học.

Tại Đà Nẵng, thí sinh Trần Thị Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Trần Phú cho biết, đề thi môn Sinh học khá dài, câu hỏi nhiều dữ liệu nên nếu không nắm được từ khóa, không vẽ sơ đồ thì rất dễ bị rối.

Thí sinh Đà Nẵng trao đổi bài làm với nhau sau bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Ảnh: Hà Nguyên

"Thí sinh dễ bị ngợp khi đọc đề, có câu phải đọc đi đọc lại 3-4 lần nên mất nhiều thời gian. Vì vậy đến 4 câu vận dụng cao, em không đủ thời gian để làm. Những câu vận dụng cao và một số câu hỏi vận dụng buộc phải qua nhiều bước mới ra được kết quả" - Ngọc cho biết.

Nhiều thí sinh Đà Nẵng chia sẻ đề tổ hợp KHTN dài, cần nắm đúng từ khóa mới làm được. Ảnh: Hà Nguyên

Cũng có cùng nhận xét đề thi môn Sinh học khá dài, em Huỳnh Việt Hải My cho biết các câu khó chủ yếu tập trung ở phần kiến thức về quy luật di truyền, quần thể, bài toán về thế hệ...

Đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học, Hải My và Bảo Ngọc khá hài lòng với kết quả bài thi 2 môn Sinh học và Hóa học. "Đề thi môn Hóa không có dạng bài nào quá lạ, chúng em đều có ôn tập các dạng bài này nhưng vẫn làm không kịp do tính toán qua nhiều bước" - Bảo Ngọc cho biết.

Theo Bảo Ngọc, đề thi môn Vật lý, các câu hỏi khó nằm ở phần kiến thức về điện và sóng.

Tại Bắc Giang, ở điểm thi Trường THPT Ngô Sỹ Liên, nhiều học sinh cho rằng, tổ hợp Khoa học xã hội vừa sức, đạt điểm từ khá trở lên. Trong đó môn Địa lí dễ kiếm điểm từ Atlat, Lịch sử chuyên sâu về chiến dịch khoảng thời gian 1945 - 1950 và Giáo dục công dân có nhiều câu về Luật phải đọc kỹ mới làm được.

Thí sinh Bắc Giang hân hoan hoàn thành bài thi tổ hợp.

Em Đàm Thanh Ngân, lớp 12A9, THPT Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang, Bắc Giang đánh giá 10 câu cuối đề Lịch sử hơi khó, yêu cầu vận dụng cao. Đề Sử khá hay, dễ hơn, khi có trích câu nói của bác Hồ để yêu cầu tự đánh giá, hiểu rõ thời điểm. Đề Sử sẽ phân hóa mức điểm 9 trở lên, nếu học chuyên sâu về các chiến dịch, khoảng thời gian 1945-1950 sẽ làm được.

Đề Địa lí thì mấy câu phần kinh tế đòi hỏi nắm chắc kiến thức. Nhiều câu về địa lý vùng có trong Atlat dễ kiếm điểm. Câu số dân các nước, các vùng khá hay, mất thời gian tra Atlat. Còn đề Giáo dục Công dân khá vừa sức, nhiều câu về luật đọc kỹ là làm được.

Ở tổ hợp Khoa học tự nhiên, em Hà Huy Hoàng, lớp 12A7, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) cho hay, đề thi phân hóa sâu sắc ở Vật lí vì 35 câu đầu sẽ chủ yếu câu cơ bản, nắm kiến thức làm được, 5 câu cuối rất khó. Trong đó có câu về điện xoay chiều và sóng ánh sáng khó.

Thí sinh điểm thi Trường THPT Ngô Sỹ Liên.

Với đề Hóa học không quá khó, nhưng có 6 câu cuối khó hơn. Đề Hóa nhiều câu về Hóa vô cơ phức tạp hơn đề minh họa. Về môn Sinh học, đề chỉ dài không quá khó. "Hai câu đề Sinh học về protein khá hay. Đề Sinh học trước có 1 số câu dễ suy luận nhưng nay đề dài phải hiểu bản chất mới làm được, không thể đoán mò. Phải học chuẩn mới làm được đề sinh học....", em Hoàng nói.

Tương tự, Ngô Kế Văn - lớp 12A6 trường THPT Ngô Sỹ Liên cho biết, mất khoảng mất 15 phút để hoàn thành câu 32 môn Vật lí. "Từ câu 32 đạt mức 8 điểm thì mất nhiều thời gian hơn, tuy nhiên đề vừa sức, nhiều bạn học lực khá có thể đạt mức từ 9 điểm...", Văn tin tưởng.

Tại tỉnh Sơn La, thí sinh Lò Văn Bình, điểm thi THPT Sông Mã cho biết: “Em thấy đề thi khá khó với năng lực của em, hầu như em không làm được trọn vẹn. Em nghĩ kết quả sẽ thấp hơn 2 môn thi hôm qua”.

“Em chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, nhưng em làm bài không kỳ vọng. Câu hỏi trong đề thi phân hóa cao với em. Em nghĩ mình chỉ đạt đạt khoảng 6 điểm”, em Hà Văn Cường, học sinh trường THPT Chu Văn Thịnh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn nói.

Các em học sinh rời phòng thi với tâm trạng buồn, do không làm bài được như kỳ vọng.

Em Nguyễn Đức Duy, trường THPT chuyên Sơn La thì nhận xét rằng, đề thi môn Vật lí có nhiều câu đòi hỏi tính toán hơi dài. “Môn Hóa và Sinh em làm tốt hơn và được khoảng 8 điểm. Nhìn chung cả 3 môn em thấy đều khó và hóc búa”.

Tại tỉnh Hòa Bình, em Đinh Văn Hùng, trường THPT Công Nghiệp, thành phố Hòa Bình cho hay: Em làm bài môn Hóa được khoảng 70% nhưng không chắc chắn. Trong khi đó, với thế mạnh về môn Sinh nên em khá yên tâm với bài thi của mình.

"Em lựa chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Em có thế mạnh về môn Địa lí và Lịch Sử nên làm bài dễ dàng hơn ở 2 môn này. Theo cảm quan của em thì đạt khoảng 7 điểm bài thi các môn. Em ôn thi rất nhiều nhưng đề khá khó với em nên làm bài không được tốt", em Nguyễn Xuân Trường, học sinh trường THPT huyện Tân Lạc nói.

Các em học sinh trường THPT huyện Tân Lạc rời phòng thi môn tổng hợp.

Cùng tâm trạng, em Bùi Bích Ngọc, trường THPT Tân Lạc chia sẻ: “Bài thi Khoa học xã hội khá khó ở môn Lịch sử, ở môn này em làm bài không trọn vẹn, chắc điểm sẽ thấp. Em sẽ cố gắng thi môn Ngoại ngữ chiều nay”.

Tuy nhiên, tại 1 số điểm thi trên địa bàn tỉnh có những thí sinh lại cho rằng đề thi các môn tổ hợp Khoa học xã hội dễ, phù hợp với năng lực của bản thân. Em Nguyễn Văn Thắng, học sinh trường THPT huyện huyện Kim Bôi cho biết:

“Em thấy đề thi vừa sức, phù hợp với đối tượng thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong 3 môn em làm bài rất tốt. Em dự đoán sẽ được hơn 9 điểm. Em rất tự tin vào bài thi sáng nay. Giờ chỉ còn môn thi Ngoại ngữ cuối cùng vào chiều nay, em sẽ cố gắng hết sức hoàn thành tốt bài thi để xét vào Trường Đại học đã đặt ra cho bản thân mình”.

Tại tỉnh Lai Châu, thí sinh Lò Văn Phú, trường THPT Quyết Thắng chia sẻ: “Em thấy đề thi môn Lịch sử năm nay khá phù hợp với năng lực. Đề thi với những câu hỏi thường gặp em đã luyện trước đó. Em tự tin mình làm được từ 8 điểm trở lên với môn thi này”.

Các thí sinh tại Điểm thi THPT Quyết Thắng chia sẻ bài làm sau khi kết thúc môn thi tổ hợp.

Lựa chọn tổ hợp môn KHXH để dự thi và định hướng xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội, em Chang A Phú, lớp 12C1, trường THPT Quyết Thắng cho biết: “Em tự tin với bài thi hôm nay. Với kiến thức đã ôn tập, em mong muốn mình đạt điểm tối đa trong môn thi này”.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh tại Điểm thi trường THPT Quyết Thắng lựa chọn tổ hợp KHXH đều đánh giá đề thi môn Địa lí tương đối khó.

Thí sinh Phạm Tuấn Nam, Lớp 12A, Trung tâm GDTX – Hướng nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết: “Trong 2 môn dự thi, em thấy môn Địa lí khó hơn, nhiều câu hỏi em không làm được. Còn môn Lịch sử tương đối dễ, các câu hỏi đều tập trung vào kiến thức lớp 12”.

Chia sẻ về đề thi các môn tổ hợp KHTN, em Nguyễn Tùng Dương, lớp 12C1, Trường THPT Quyết Thắng cho biết: “Em cảm thấy đề thi năm nay tương đối phù hợp. Đối với em, môn thi khó nhất trong bài thi KHTN là môn Hóa vì có nhiều kiến thức chuyên sâu”.

Tại Bắc Kạn, nhận xét về bài thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều thí sinh cho rằng đề thi vừa sức, không khó để đạt được điểm trung bình.

Rời trường thi, thí sinh Lê Mỹ Anh (học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Kạn) phấn khởi khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội với 3 môn: Lịch sử, Địa Lý và GDCD.

“Bài thi KHXH vừa tầm, không quá khó. Đề thi môn Sử nếu ôn tập kỹ có thể làm được bài. Đề thi môn Địa cũng rất dễ thở”, Mỹ Anh chia sẻ.

Các thí sinh phấn khởi vì hoàn thành bài thi khá tốt.

Thí sinh Hà Tú Quỳnh (học sinh Trường THPT Bắc Kạn) cho rằng: “Đề thi các môn KHXH vừa sức, dễ đạt điểm cao. Với bài thi môn Lịch sử yêu cầu kiến thức rộng, khả năng tổng hợp các sự kiện lịch sử. Môn Địa và GDCD không quá khó”.

Em Vũ Thị Hoàng Oanh, học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Kạn chia sẻ: Đối với em, đề thi môn Lịch sử tương đối nhẹ nhàng. Riêng môn Địa lí có vài câu khó, yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để làm bài mới có thể đạt điểm cao.

Trong khi đó, thí sinh Hà Nông Xuân Dương dự thi tổ hợp KHTN (Lý, Hóa, Sinh) cũng đánh giá đề thi vừa sức. “Đối với đề thi môn Hóa, môn Lí bám sát chương trình, nhưng có sự phân hóa cao. Càng về sau mức độ khó tăng dần. Những thí sinh học khá có thể làm được khoảng 70%".

Tại Nam Định, ở điểm thi Trường THPT Giao Thủy B (Giao Thủy, Nam Định), nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khác nhau. Em Nguyễn Thế Hùng cho biết, mình làm được chắc chắn đúng khoảng 80%. Những câu cuối là các câu hỏi khó, tạo độ phân hóa thí sinh.

Thí sinh bày tỏ sự vui mừng vì hoàn thành tốt bài thi tổ hợp trong sáng 28/6 tại điểm thi Trường THPT Giao Thủy B, Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Em Hoàng Anh - học sinh Trường THPT Giao Thủy B chia sẻ, tổ hợp Khoa học tự nhiên khá khó, nam sinh này chỉ tự tin làm được 80% bài thi. Thời gian thi 50 phút mỗi môn đủ để thí sinh làm nhưng những câu còn lại là câu khó em không làm được.

Tương tự, em Nguyễn Thắng cho biết, em khá lo lắng vì chỉ làm chắc được 2/3 bài thi. Em đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội với chuyên ngành lấy điểm khá cao nên với kết quả như em dự tính trên khiến nam sinh này có chút lo lắng.

Nữ sinh Bùi Yến Nhi thì cho rằng, tổ hợp Khoa học xã hội có phần “dỡ thở hơn”, nhiều khiến thức em quên nhưng lợi thế do đề thi trắc nghiệm khách quan nên khi nhìn câu hỏi em đã nhớ lại. Đặc biệt phân môn Địa lí cho phép thí sinh dùng Atalat cũng là một lợi thế cho các em.

Chung suy nghĩ trên, em Thùy An cho biết mình đều hoàn thành các bài thi thành phần trong tổ hợp Khoa học xã hội trước thời gian quy định. Làm xong em có thời gian kiểm tra lại, tuy có một số câu không chắc chắn nhưng nữ sinh này khá tự tin vào bài làm của mình.

Tại An Giang, ở điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (Thoại Sơn), nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khác nhau. Em Mai Đoàn Tuấn Khôi (học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến) thi tổ hợp KHTN cho biết, em làm đúng khoảng được 70%. Những câu cuối là các câu hỏi khó, tạo độ phân hóa cao.

Đội tình nguyện viên Điểm thi Trường THPT Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) tích cực hỗ trợ thí sinh sau giờ thi.

Tại Hà Nội, rời phòng thi trong tâm trạng phấn khởi, Nguyễn Thị Phương Thanh, thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Em đăng ký bài thi khoa học xã hội. Theo em, đề thi năm nay bám sát đề thi minh họa nhưng dễ hơn ở cả 3 môn thi thành phần là Lịch sử, Địa li, Giáo dục công dân. Em tự tin sẽ đạt điểm cao tại bài thi nà

Còn thí sinh Nguyễn Tiến Phúc chia sẻ: Trong các môn thi thành phần, em tự tin nhất với môn Lịch sử. Đề thi gồm 40 câu nhưng đều là kiến thức nằm trong sách giáo khoa. Những câu cuối có tăng độ khó nhưng em đã được các thầy cô ôn tập. Em tự tin sẽ đạt điểm cao trong bài thi hôm nay.

Thí sinh vui mừng khi hoàn thành tốt bài thi.

Tại điểm thi Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa), thí sinh Nguyễn Anh Dũng cho biết: Em đăng ký dự thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên. Hôm nay em đã làm tốt cả 3 môn thi thành phần. Đề thi Vật lí có một số kiến thức khó nên em không chắc chắn đúng. Còn các môn Sinh học, Hóa học đều dễ hơn so với đề thi năm trước. Em tự tin sẽ đạt điểm cao để xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Ngọc Hân.

Cũng tại điểm thi này, Lê Minh Đức, thí sinh thi tổ hợp Khoa học tự nhiên nhận xét: Theo em, đề thi năm nay dễ hơn so với đề khảo sát của Bộ GD&ĐT. Trong 3 môn thì Vật lí khó nhất, tuy nhiên em cũng làm khá tốt với 37/40 câu. Em tự tin sẽ đạt được điểm cao bài thi này.

Tại Hà Tĩnh, thí sinh Hà Vi (điểm thi THPT chuyên Hà Tĩnh) dự thi tổ hợp môn Khoa học xã hội cho biết, bài thi tổ hợp có sự vận dụng cao. Nhận xét riêng từng môn, Hà Vi cho biết, đề thi Lịch sử khó hơn so với đề thi thử nhưng lại rất hay và thú vị.

Thí sinh điểm thi THPT chuyên Hà Tĩnh rời khỏi phòng thi.

Theo Hà Vi, từ câu 31 trở đi là những câu vận dụng cao. Những câu này form đề khác biệt so với những năm trước và đề minh họa. “Năm nay một số câu yêu cầu thí sinh trích dẫn các nội dung nghị quyết để giải quyết các câu vận dụng cao. Vì vậy thí sinh phải đọc và ghi nhớ. Do là môn thi khối nên em làm khá tốt bài thi. Em nghĩ bản thân sẽ lấy từ 9 điểm trở lên”, Vi cho hay.

Cũng tại điểm thi THPT chuyên Hà Tĩnh, thí sinh Bảo Quyên (12 chuyên Anh) đánh giá đề thi Địa lý vừa sức với thí sinh. “Ở 10 câu cuối mang tính giải pháp, em thấy đây là câu mang tính vận dụng cao và khá thời sự. Đòi hỏi các bạn thí sinh không chỉ có kiến thức trong SGK mà cần có sự hiểu biết về kiến thức xã hội và kỹ năng đọc hiểu”, Bảo Quyên nhận xét.

Hà Vi và Bảo Quyên trao đổi kết quả sau khi kết thúc bài thi tổ hợp KHXH.

Đối với bài thi môn GD Công dân, Bảo Quyên nhận xét đề thi hay, và gần gũi với cuộc sống. “Đây là môn giúp các bạn lấy điểm tốt nghiệp nên em thấy đề thi vừa phải. Các câu tình huống rất hay và không quá xa lạ” - Quyên nói.

Ở tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên, thí sinh Nguyễn Đình Nam Khánh (chuyên Hóa) đánh giá đề thi môn Hóa dễ hơn so với Vật Lý và Sinh học. “Theo em những bạn học khá không quá khó để lấy điểm 7-8 ở môn Hóa. Nhưng từ câu 32 trở đi đã có sự phân hóa, đặc biệt từ câu 36. Còn Vật lí và Sinh học em thấy đề thi bám sát chương trình SGS nhưng khá dài so với 50 phút. Em không kịp hoàn thành hết bài thi nhưng những câu đã hoàn thành em khá tự tin với kết quả” - Khánh nói.

Tại Quảng Nam, ở điểm thi số 30 Trường THPT Trần Cao Vân (tỉnh Quảng Nam), các thí sinh ra khỏi phòng thi đều có nhận định chung là đề tương đối “dễ thở”, có độ phân hóa cao qua từng câu hỏi.

Là một trong những thí sinh đầu tiên rời phòng thi tại điểm thi Trường THPT Trần Cao Vân, em Trương Thị Hoàng Như - cho biết, em thi tổ hợp Khoa học xã hội với mã đề 315. Ở môn Lịch sử, em cho rằng, nội dung cơ bản chủ yếu ở lớp 12.

“Câu hỏi môn Lịch sử chủ yếu ở lớp 12, và đa phần mốc thời gian các sự kiện. Riêng đối với môn Địa lí em có phần nhẹ hơn. Phần lý thuyết nếu đọc tốt Atlat sẽ được trên điểm trung bình. Môn Lịch sử và Địa lí mỗi môn khoảng 7 điểm, riêng môn GDCD em khoảng 8 điểm”, Hoàng Như cho hay.

Thí sinh Võ Lê An Phúc sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên mã đề 216, em Võ Lê An Phúc cho hay, bản thân làm thấy môn Vật lý vừa sức, lý thuyết chiếm khoảng 50% trong bài. Đối với môn Sinh, Hóa học không phải thế mạnh của mình nên cảm thấy độ khó.

“Đối với môn Vật lý là thế mạnh nên em chắc khoảng 80%, riêng Hóa với Sinh thì em làm khoảng được 60%. Nhìn chung thì mấy môn vừa qua em làm tạm ổn. Chiều nay sẽ cố gắng thi môn Ngoại ngữ”, An Phúc cho biết thêm.

Tại Bạc Liêu, phần đông thí sinh các điểm thi trên địa bàn thị xã Giá Rai chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Một số thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực và điểm thi Trường THPT Giá Rai nhận xét, đề thi năm nay vừa sức.

“Đề thi năm nay không khó hơn so với đề tham khảo những năm trước, nằm trong khả năng thí sinh, học trung bình các môn khoa học xã hội cũng có thể làm được. Em tự tin mình làm các môn thi trên 7 điểm”, Ngô Minh Hiếu, học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực chia sẻ.

Phần đông thí sinh tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cho biết làm đề thi các môn khoa học xã hội khá tốt.

Lý Mỹ Như, học sinh Trường THPT Giá Rai cũng có cùng nhận định với Ngô Minh Hiếu. Tuy nhiên, Mỹ Như cho biết, đề thi các môn khoa học xã hội vẫn có nhiều câu hỏi nâng cao, thí sinh muốn lấy điểm 9 – 10 buộc phải làm tốt những câu này.

Tại tỉnh Cà Mau, nhiều thí sinh chia sẻ, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội tương đối “dễ thở”, riêng môn Lịch sử có một số câu nâng cao, đặc biệt những câu cuối đề cần thời gian suy nghĩ, vận dụng nhiều kiến thức.

“Học sinh giỏi môn nào sẽ làm tốt hơn môn đó, ví dụ giỏi môn Sử sẽ thấy các câu hỏi Sử đều dễ, còn người không giỏi sẽ thấy có câu khó, câu dễ, nhưng nhìn tổng quan đề thi năm nay thí sinh dễ đạt điểm cao” - Lưu Quốc Triệu, học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) chia sẻ.

Nhóm phóng viên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-thi-to-hop-bam-sat-chuong-trinh-hoc-phan-loai-tot-post689545.html