Đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội tương đối 'dễ thở'

Cùng với thí sinh cả nước, hơn 100.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023. Đối với bài thi thuộc tổ hợp Khoa học Xã hội, nhiều thí sinh nhận xét đề thi có cấu trúc tương tự như đề minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố. Phạm vi kiến thức các câu hỏi nằm trong chương trình giáo dục THPT và có tính phân hóa.

Rời khỏi điểm thi Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), thí sinh Ngô Thu Ngọc Minh (học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) cho biết, đề thi môn Lịch sử và Địa lý khá dễ, còn môn Giáo dục công dân thì xuất hiện những tình huống phức tạp nên em cảm thấy khó khăn hơn.

Tương tự, thí sinh Nguyễn Vân Khánh (học sinh Trường THPT Việt Đức) cho rằng, đề thi môn Địa lí là dễ nhất trong tổ hợp bởi câu trả lời gần như có trong Atlat Địa lí Việt Nam. Môn Lịch sử, Khánh làm được khoảng 40 câu và Giáo dục công dân thì làm trọn vẹn.

Thí sinh rời khỏi điểm thi Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm sau khi hoàn thành bài thi.

Thí sinh rời khỏi điểm thi Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm sau khi hoàn thành bài thi.

Đánh giá về đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội, theo các thầy cô giáo thuộc Tổ Xã hội (Hệ thống giáo dục HOCMAI), mỗi môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân của tổ hợp Khoa học Xã hội vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Cụ thể, với môn Lịch sử: 90% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (tăng 1 câu so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022). Đề thi có tỷ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao tương đương đề thi tham khảo ngày 1/3/2023 của Bộ GD&ĐT nhưng có tính phân loại cao và độ khó của các câu vận dụng cao tăng lên. 80% câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản, độ nhiễu giữa các phương án không cao, thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng. 20% câu hỏi vận dụng, vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.

Với môn Địa lí: Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lý thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kỹ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT với tỷ lệ câu hỏi lý thuyết/thực hành là 52,5%/47,5% và tỷ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu/vận dụng, vận dụng cao là 75%/25%. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự; đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.

Với môn Giáo dục công dân: Tương tự đề thi môn Lịch sử và Địa lí, đề thi môn Giáo dục công dân có mức độ tương đương đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới, lạ. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11. Riêng với câu hỏi lớp 12, có 64% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-thi-to-hop-khoa-hoc-xa-hoi-tuong-doi-de-tho-157639.html