Để thị trường trái phiếu trở lại mạnh mẽ
Lượng phát hành mới tăng, tỷ lệ trái phiếu chậm trả tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 8 vừa qua là những tín hiệu cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ấm dần lên.
Phát hành mới tăng mạnh, tỷ lệ chậm trả nợ giảm
Tháng 8 vừa qua, tổng giá trị phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp đạt 57.700 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 46.800 tỷ đồng ghi nhận trong tháng 7/2024. Ngân hàng vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng áp đảo, với 51.300 tỷ đồng.
Trong lượng trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành, có 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn trung bình 8,1 năm và lãi suất từ 5,5 - 7,6% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định từ 5,2 - 7,7%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn cấp 2 trong những tháng cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tiếp tục có động thái mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo đánh giá của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 8, đồng thời tín hiệu điều chuyển room tín dụng giữa các ngân hàng sẽ khiến các ngân hàng tăng tốc trong việc tìm kiếm khách hàng và giải ngân.
Mặc dù báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng cho thấy số dư trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trên đà giảm (số dư trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 1,3% tổng dư nợ tín dụng tại 29 ngân hàng thương mại) do thị trường trái phiếu nhìn chung còn ảm đạm, nhưng FiinRatings đánh giá đà tăng trưởng tín dụng sẽ tạo động lực để các ngân hàng đa dạng hóa kênh tín dụng sang kênh trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Xét về bối cảnh kinh tế vĩ mô, việc tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ tháng 6 báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn.
Khi mức độ hấp thụ vốn của doanh nghiệp cải thiện hơn trong các tháng cuối năm, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ được khai thác mạnh hơn khi các doanh nghiệp sử dụng hết hạn mức cho vay tại các ngân hàng thương mại, từ đó giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn.
Bên cạnh những kỳ vọng tích cực về vai trò của các ngân hàng thương mại trong thị trường trái phiếu, các con số VIS Rating thống kê gần đây cho thấy tình trạng chậm trả của các nhà phát hành đang có xu hướng giảm.
Trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc; trong đó, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.
Theo đó, tổng giá trị mệnh giá trái phiếu công bố chậm trả gốc/lãi lần đầu trong tháng 8/2024 là 450 tỷ đồng đến từ một doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản. Tỷ lệ chậm trả toàn thị trường đến cuối tháng 8/2024 là 14,9%, giảm so với mức 15,1% vào tháng 7/2024.
Trong tháng 8/2024, có 13 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần/hoặc toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu chậm trả với tổng giá trị là 2.400 tỷ đồng. Tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng lên mức 20,8% nhờ sự cải thiện ở các nhóm ngành dịch vụ, năng lượng và bán lẻ.
Áp lực vẫn chưa được giải tỏa với trái phiếu bất động sản
Nếu các tổ chức tín dụng đang là động lực chính của thị trường trái phiếu thì nhóm bất động sản vẫn còn chơi vơi, chưa có dấu hiệu khả quan, mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực đưa ra các giải pháp và luật được sửa đổi để khắc phục những bất cập và tắc nghẽn của lĩnh vực bất động sản.
Trong tháng 9/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt 24.500 tỷ đồng, cao hơn so với tháng trước là 218,1 tỷ đồng. VIS Rating ước tính, trong số các trái phiếu đáo hạn vào tháng 9, sẽ có khoảng 1.800 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.
Cũng theo ước tính của VIS Rating, trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc; trong đó, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.
Giá trị phát hành mới của nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng giảm đáng kể trong tháng 8 vừa qua. Hai lô phát hành cao nhất đến từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn với giá trị 1.890 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) với giá trị 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ảm đạm, niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu của doanh nghiệp ngành này chưa khôi phục thì việc huy động vốn thời điểm hiện tại chủ yếu mang tính cơ cấu nợ.
Để thị trường trái phiếu phát triển: Siết chặt hay nới lỏng?
Để vực dậy được thị trường trái phiếu nói chung mà cụ thể hơn là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản - từng là lĩnh vực dẫn đầu trong phát hành trái phiếu, các chính sách vĩ mô vẫn được xem là giải pháp chủ chốt.
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, tổ chức, nhà đầu tư, có quy định mới theo hướng siết chặt điều kiện tham gia đầu tư trái phiếu riêng lẻ (của nhà đầu tư chuyên nghiệp) và điều kiện phát hành ra công chúng (của tổ chức phát hành).
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không được đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu không đáp ứng được các điều kiện, gồm tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất, danh mục chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng và có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng…
Xung quanh những quy định này hiện đang tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia lo ngại, siết chặt đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ khiến thị trường thiếu nhà đầu tư cá nhân, không đủ người mua và hệ quả là doanh nghiệp không thể phát hành thành công trái phiếu để huy động vốn.
Trong khi đó, với quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có tài sản bảo đảm.
Vì vậy, đề xuất được nhiều chuyên gia đưa ra, các quy định cần có sự cân bằng để vừa tăng mức độ tiếp cận cơ hội đầu tư, khuyến khích được nhà đầu tư tham gia thị trường, vừa nâng cao minh bạch và chất lượng phát hành, thay vì siết chặt một cách cứng nhắc, có thể hạn chế thị trường phát triển.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, gia tăng minh bạch thị trường, một phần quan trọng không kém luôn được nhắc tới như một bài học sau những lần đổ vỡ của trái phiếu doanh nghiệp chính là nhận thức của nhà đầu tư.
Ngoài việc đáp ứng những điều kiện để cá nhân tham gia vào thị trường này, bản thân các nhà đầu tư cũng cần tự trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng khi đầu tư, hiểu về rủi ro và bảo vệ chính quyền lợi của mình khi tham gia đầu tư các sản phẩm tài chính.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/de-thi-truong-trai-phieu-tro-lai-manh-me-post354303.html