Để thiết kế nội thất không bị coi nhẹ
Dù có vai trò quan trọng, quyết định đến giá trị của công trình, nhưng thiết kế nội thất vẫn đang 'tàng hình' trong các văn bản pháp lý trong lĩnh vực xây dựng.
Thực tế này không chỉ gây nhiều khó khăn cho hoạt động thiết kế nội thất mà còn khiến một số công trình lớn rơi vào cảnh thi công kéo dài, gây lãng phí.
Nội thất chỉ là sự sắp xếp đi sau

Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng thi công dang dở.
Trong khi thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu hụt các trung tâm hội nghị, triển lãm thì dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố sau nhiều lần được cam kết sẽ tái khởi động, đến nay vẫn… bất động. Công trình có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 800 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2013 hiện vẫn đang trong tình trạng dang dở, ngưng trệ nhiều năm dẫn đến lãng phí lớn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được kiến trúc sư Trần Khánh Trung, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Thiết kế TTT Architects lý giải: Năm 2016, Công ty cổ phần Thiết kế TTT Architects được mời tham gia thiết kế trưng bày, tức phần nội thất, khi công trình đã xong phần thô.
“Khảo sát thực tế công trình chúng tôi thấy có quá nhiều bất cập vì chủ đầu tư ngay từ đầu đã không kết hợp giữa thiết kế kiến trúc và nội thất. Khi đã xong “lớp vỏ” thì không đủ không gian để chứa nội dung bên trong, vốn là những sa bàn quy hoạch cần diện tích rất lớn. Ngoài ra, thiết kế kiến trúc khi đó đã có nền, có trần và có cả thiết kế chiếu sáng. Đèn được dải đều khắp nơi. Tuy nhiên, khi đưa nội dung trưng bày vào, phần thiết kế chiếu sáng không sử dụng được, phải thay đổi dẫn đến lãng phí rất nhiều”, ông Trung nêu cụ thể.
Còn theo ông Trần Đức Toàn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), đối với các công trình vốn ngân sách nhà nước, trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư, dự án tiền khả thi, hạng mục thiết kế nội thất nếu được đưa vào vẫn được triển khai và thanh toán bình thường. Tuy nhiên, hạng mục này được "lẩn" dưới việc liên quan đến chi phí cho nội thất và thù lao được tính theo số giờ lao động. Về lâu dài, công việc này cần phải được “chính danh” - thừa nhận như một công đoạn trong quy trình xây dựng để có phương pháp, cách thức thực hiện.
Trả lời cho câu hỏi vì sao thiết kế nội thất Việt Nam lại bị bỏ quên như vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam (VNIA), Trưởng khoa Nội thất Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn dài kinh tế khó khăn, nhà được coi là chỗ “chui ra chui vào” và nội thất chỉ là những thứ sắp đặt vào. “Quán tính” này kéo dài đến tận ngày nay, từ công trình tư nhân cho đến công trình nhà nước, thường chỉ chú trọng vẻ bề ngoài.
"Nội thất phụ thuộc vào kinh tế. Giai đoạn hiện nay, nội thất đã được nhìn nhận lại, thậm chí coi là đích đến của dự án. Chất lượng một dự án xây dựng phụ thuộc phần lớn vào thiết kế không gian nội thất với tính năng công trình hay bản sắc thiết kế được phát huy tối đa”, Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam Vũ Hồng Cương nói.
Giải quyết “điểm nghẽn” cho thiết kế nội thất
Từ kinh nghiệm thực hiện nhiều công trình có vốn ngân sách nhà nước và cả tư nhân, kiến trúc sư Trần Khánh Trung kiến nghị thiết kế kiến trúc và nội thất phải đi cùng nhau. Từ quá trình mời thầu, đơn vị thiết kế đã phải bao gồm cả kiến trúc và nội thất để nhiệm vụ thiết kế được xây dựng song hành cùng thiết kế nội thất. Đây cũng là công đoạn được tính toán thiết kế phí, đơn giá…
Cùng quan điểm trên, kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng, Giám đốc Công ty Thiết kế và truyền thông Kiến Việt khẳng định, những người liên quan đến làm nội thất phải được tham gia ngay từ bước đầu tiên, xây dựng nhiệm vụ thiết kế cho dự án mới bảo đảm công trình có hướng đi tiết kiệm, bền vững, hoạt động đúng đắn sau khi hoàn thiện.
Trên thực tế, các khó khăn về thể chế, các quy định pháp luật ngành Xây dựng như hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn thiếu và chưa phù hợp cho kiến trúc và đặc biệt là nội thất vẫn còn hiện hữu, đang là rào cản, điểm nghẽn cho sự phát triển của lĩnh vực thiết kế nội thất Việt Nam.
Hiện nay ngành đang “tàng hình” hoặc “vô hình” trên toàn bộ các văn bản pháp luật, đặc biệt trong các văn bản của ngành Xây dựng. Hoạt động thiết kế nội thất chưa có tên trong các văn bản, khiến các kiến trúc sư, nhà thiết kế gặp nhiều khó khăn trong triển khai các công trình sử dụng vốn ngân sách. Đây là khó khăn đầu tiên cản trở tất cả hoạt động phía sau của ngành.
Nêu giải pháp để giải quyết điểm nghẽn này, ông Trần Khánh Trung cho rằng cần phải đi từ nhiều hướng khác nhau. Đặc biệt, về mặt xã hội, cần tăng cường truyền thông, tư vấn để làm cho khách hàng, chủ đầu tư hiểu giá trị của thiết kế nội thất và tầm quan trọng của thiết kế nội thất cùng với thiết kế kiến trúc.
Theo kiến trúc sư Lê Trương, Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, thời điểm hiện nay đang là thời kỳ vàng của ngành Xây dựng, kiến trúc Việt Nam. Tuy nhiên, ngành nội thất vẫn chưa được xuất hiện một cách chính thức trong hệ thống các văn bản của Nhà nước, được thừa nhận về phạm vi, phí thiết kế.
Với vai trò của mình, Hội đã lên kế hoạch hành động cụ thể. Qua nhiều chương trình tọa đàm, tham khảo bài học kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới, Hội sẽ tập hợp bộ tài liệu, đề xuất và triển khai các đề tài khoa học, dự án nghiên cứu liên quan tới các tiêu chuẩn, định mức, thiết kế phí liên quan đến nội thất, từng bước thể chế hóa và đưa vào thực tiễn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-thiet-ke-noi-that-khong-bi-coi-nhe-697477.html