Để thơ ca không lỡ nhịp với người đọc
Nguyên nhân sự quay lưng với thơ, theo nhà văn Nguyễn Hiếu, bắt đầu từ việc suy sụp của văn hóa đọc không đủ sức cạnh tranh với các phương tiện giải trí, truyền thông hiện đại.
Đội ngũ người làm thơ rất đông, lên tới hàng chục nghìn người, thơ cũng được in nhiều, mỗi năm cả nghìn tập thơ. Tuy nhiên, điều gì khiến ngày càng nhiều người đọc lạnh nhạt, thậm chí quay lưng với thơ ca?
“Nghịch lý thơ” được nhà thơ Vũ Quần Phương chỉ ra tại tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” sáng 5/2, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI: hiện nay số lượng nhà thơ phải tính bằng đơn vị vạn và các tập thơ xuất bản hàng năm cũng phải tới đơn vị nghìn. Tỷ lệ nhà thơ bình quân trên số dân ở nước ta bây giờ hẳn là nhất thế giới. Ở đâu cũng có câu lạc bộ thơ. Vào câu lạc bộ thì thành nhà thơ. Rồi số lượng ấn phẩm thơ xuất hiện trên thị trường hàng năm gấp 30-40 lần các giai đoạn trước… Số người làm thơ tăng, sách thơ xuất bản cũng tăng, tăng dữ dội, nhưng người đọc thơ lại giảm, giảm chưa từng có.
Nguyên nhân sự quay lưng với thơ, theo nhà văn Nguyễn Hiếu, bắt đầu từ việc suy sụp của văn hóa đọc không đủ sức cạnh tranh với các phương tiện giải trí, truyền thông hiện đại.
Thơ giai đoạn này đa phần là cảm xúc riêng tư với những đề tài quá cũ, không gắn kết gì đến suy nghĩ, tâm tư của con người trong giai đoạn kinh tế thị trường và xã hội có quá nhiều biến động.
Một vài nhà thơ tìm đến những đề tài lớn như tình yêu Tổ quốc nhưng lại tạo ra các bài thơ với câu từ sáo rỗng. Về nghệ thuật thì hơn ba thập kỷ nay hầu như chưa có sáng tạo nào mới, chưa có nhà thơ nào nổi trội. Hiện tượng thơ “lẫn” thơ, thơ “giống nhau” ngày càng phổ biến.
Còn theo nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, thơ Việt Nam đang trong tình trạng suy về tư tưởng, nhà thơ không có mối bận tâm lớn. Trong khi đó, giải Nobel từng được trao cho nhà thơ Mỹ bởi nỗi đau cá nhân chạm đến những vấn đề lớn của nhân loại.
Bên cạnh đó, dù thơ đang bùng nổ, nhưng lại bị xem thường, trong khi thi gia và triết gia từng được coi là ngang hàng nhau trong canh giữ ngôi đền về ngôn từ. Mặt khác, thơ ca đang bị giá trị đại chúng giết chết, nhiều người không trăn trở với chữ nghĩa, thứ thơ dễ dãi phát triển…
"Nói cho công bằng, thơ chất lượng thấp thời nào chẳng có” - Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam Trần Anh Thái thừa nhận. Tuy nhiên, đáng nói là chính những người viết tự bằng lòng, các tờ báo, nhà xuất bản, cơ quan quản lý văn hóa dễ dãi, nuông chiều thơ non yếu.
Họ không dám sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ dở. Không ít người cho rằng thơ ca nói riêng, văn học nói chung đang hỗn loạn. Các giá trị thật - giả, đúng - sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp tràn lan; giải thưởng, danh hiệu tràn lan…
Để thơ đạt tới chất lượng cao hơn, mang tính phổ quát hơn, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, không được nuôi dưỡng thơ chất lượng thấp và điều này cần sự vào cuộc của các nhà phê bình, các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản, quản lý về văn hóa nghệ thuật…
Ví thơ ca và người đọc như phách với nhịp, nhà thơ Đoàn Văn Mật nêu ý kiến, nếu tiếng phách ấy vang lên một cách hỗn loạn sẽ không thể có vị trí trong bản nhạc mà chỉ là thứ âm thanh quái đản làm chối tai người nghe; còn khi tiếng phách ấy vang lên theo nhịp điệu trùng khít với đời sống, trùng khít với tâm hồn người đọc thì ngay lập tức tạo nên hiệu ứng nghệ thuật tác động đến tâm tư, tình cảm con người. Và khi đó nhà thơ đã thực hiện được sứ mệnh thi ca cùng trách nhiệm công dân của mình.
“Điều cốt yếu mà thơ ca mang lại cho người đọc chính là làm tôn lên mọi vẻ đẹp cho con người và vì con người, cho đời sống và vì đời sống. Chỉ có như thế chúng ta mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành được sứ mệnh của mình” - nhà thơ Đoàn Văn Mật nhấn mạnh.
Thảo Nguyên / Đại biểu nhân dân
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-tho-ca-khong-lo-nhip-voi-nguoi-doc-post1399974.html