Để thư viện trở thành không gian của trẻ
Hiện nay, khoảng 90% các trường tiểu học, THCS đã có thư viện được công nhận đạt chuẩn ở 3 cấp độ (đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc). Trong khi đó, tỷ lệ này ở bậc THPT mới chỉ đạt 50%.
Từ đầu năm học đến nay, giờ ra chơi nào em Lê Thị Ngọc Hoa, học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cũng cùng với các bạn đến phòng đọc của thư viện nhà trường. Em tìm đến các kệ sách có màu xanh đậm để chọn sách muốn đọc. Việc phân chia sách theo trình độ đọc giúp em dễ dàng tìm được các sách phù hợp với mình hơn so với trước đây.
* Không gian được học sinh chờ đón
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn (đạt hơn 95%), trong đó có 103 thư viện tiên tiến, 92 thư viện xuất sắc. Bậc THCS có 144/166 (gần 90%) trường có thư viện đã được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 42 thư viện được công nhận tiên tiến; 50 thư viện được công nhận xuất sắc. Riêng bậc THPT chỉ có gần 40 trường có thư viện đạt chuẩn (đạt 50%), trong đó chỉ có 3 thư viện tiên tiến, 4 thư viện xuất sắc.
Năm học này, với sự hỗ trợ của Tổ chức Room to Read, Trường tiểu học Phú Điền đã xây dựng thư viện thân thiện. Theo đó, bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức này còn hỗ trợ trường trong việc tổ chức, sắp xếp phòng đọc và các hoạt động thân thiện nhằm thu hút trẻ đến với thư viện thường xuyên hơn. Đây cũng là một yếu tố giúp nhà trường xây dựng thư viện xuất sắc.
Để có phòng thư viện đạt chuẩn trong điều kiện khó khăn về kinh phí, tự thân các giáo viên trong trường đã phải chung tay cùng khắc phục. Theo đó, nhà trường “nhặt nhạnh” lại các bàn ghế cũ đã không còn sử dụng, cưa ngắn, lắp lại theo kích thước mới rồi đem sơn sửa, tân trang lại. Các thầy cô cũng đóng kệ đựng sách và các vật trang trí khác trong phòng đọc.
Ngoài phòng đọc sách, Trường tiểu học Phú Điền còn có một phòng sáng tạo. Trong phòng này có nhiều bàn ghế để học sinh vào đọc sách hoặc vẽ tranh, trang trí mỹ thuật. Những chiếc bao bố cũ được các thầy cô tận dụng làm “giấy vẽ” để vẽ nhiều bức tranh đẹp mắt; nhiều bức tranh được gắn từ các loại hạt đậu, bắp…
Em Đào Lâm Duy, học sinh lớp 4/1 cho biết: “Ở nhà em cũng được mẹ mua sách cho nhưng em thích đọc ở thư viện của trường hơn vì thư viện trang trí đẹp mắt, có chỗ ngồi thoải mái, mát mẻ. Không chỉ đọc sách, trong thư viện còn có cờ vua, cờ tướng, màu vẽ… để em và các bạn cùng chơi”.
Ông Nguyễn Khánh Hậu, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho biết, sau khi đọc xong một quyển sách, học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động mở rộng sáng tác liên quan đến cuốn sách vừa đọc như: vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách, trò chơi phân vai… Những sản phẩm sáng tạo của các em được trưng bày trong khu vực thư viện. Cách làm này giúp các em nâng cao khả năng tư duy, phán đoán, “thu hoạch” nhiều kiến thức hơn trong quá trình đọc sách.
* Thu hút học sinh đến thư viện
Việc xây dựng thư viện đạt chuẩn được thực hiện theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Theo đó, các tiêu chuẩn và mức đánh giá thư viện đạt chuẩn đang được thực hiện giống nhau ở cả 3 bậc học: tiểu học, THCS, THPT. Các tiêu chuẩn đánh giá gồm: tiêu chuẩn về sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; tiêu chuẩn về cơ sở vật chất (phòng thư viện, trang thiết bị chuyên dùng); tiêu chuẩn về nghiệp vụ.
Có 3 loại danh hiệu thư viện gồm: thư viện trường học đạt chuẩn, thư viện trường học tiên tiến, thư viện trường học xuất sắc. Các danh hiệu thư viện là một trong những tiêu chuẩn để xét công nhận các danh hiệu thi đua từng năm học cho mỗi trường học.
Nếu như bậc tiểu học và THCS đều đã có số lượng thư viện trường học đạt chuẩn ở ngưỡng 90% thì mới chỉ có khoảng 50% thư viện trường THPT đạt chuẩn với mức độ công nhận chủ yếu đạt chuẩn, chỉ có 3 thư viện đạt tiên tiến và 4 thư viện đạt xuất sắc.
Nguyên nhân được cho là do các trường THPT tư thục không đăng ký xếp loại. Bên cạnh đó, những trường THPT công lập mà chưa xét công nhận chuẩn quốc gia cũng chưa đăng ký kiểm tra thư viện đạt chuẩn.
Trong khi bậc tiểu học có thể bước đầu thu hút học sinh đến với thư viện bằng cách xây dựng thư viện thân thiện, trang trí bắt mắt, thêm không gian chơi… thì bậc THCS và THPT khó có thể làm được điều này. Đồng thời, đòi hỏi học sinh thường xuyên đến thư viện khi các em chưa có thói quen đọc sách là điều rất khó. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc đáp ứng đủ các đầu sách theo nhu cầu của học sinh, nhân viên thư viện phải tổ chức được các hoạt động thu hút học sinh. Giáo viên bộ môn cũng yêu cầu học sinh phải tham khảo các nội dung ngoài sách giáo khoa trong hoạt động học tập; thậm chí có giáo viên ngữ văn yêu cầu học sinh phải đọc và viết bài giới thiệu về một cuốn sách.
Để chọn được sách hay, phục vụ thiết thực cho học sinh, việc chọn lựa các đầu sách bổ sung cho thư viện nên được thực hiện với sự trợ giúp của các tổ bộ môn. Theo đó, các tổ bộ môn sẽ đề xuất sách cần mua bởi giáo viên trực tiếp giảng dạy mới biết rõ cuốn sách nào có nội dung mà học sinh cần phải tham khảo chứ không phải là nhân viên thư viện. Cách làm này sẽ tránh được trường hợp nhân viên thư viện tự đặt mua sách cho đủ số lượng nhưng không sát với yêu cầu thực tế học tập tại trường phổ thông.