Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ, là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội đã tạo ra những
Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ, là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội đã tạo ra những “lực đẩy” rất lớn để thị trường TMĐT tăng tốc. Nắm bắt được lợi thế đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận và tham gia TMĐT, từ đó mở rộng thị trường ở trong và ngoài tỉnh.
Ưu thế của thương mại điện tử
Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT nói riêng đã có sự phát triển đáng kể. Các hình thức giới thiệu sản phẩm, mua bán, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Do đó, TMĐT được nhiều doanh nghiệp, người dân lựa chọn nhờ ưu thế tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, chi phí sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác. Theo thống kê của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị máy tính có kết nối internet, 3.400 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã xây dựng trang web; khoảng 90% doanh nghiệp đã thiết lập trang Facebook để bán hàng. Hầu hết các doanh nghiệp đã có cán bộ chuyên trách về TMĐT, bước đầu tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về xúc tiến thương mại, đặt hàng, thanh toán và tham gia các sàn giao dịch TMĐT lớn. Một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, sử dụng 2 ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) cho trang web của đơn vị mình, cung cấp các tiện ích dịch tự động, xác nhận đơn hàng qua thư điện tử, tin nhắn; lọc/tìm kiếm sản phẩm; hỗ trợ trực tuyến. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2019, Chỉ số TMĐT của tỉnh xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Cách thức mua sắm của người dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Dễ thấy nhất là trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, lượng khách đặt hàng trực tuyến tại kênh mua sắm là các siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh tăng đến 30% so với trước khi xảy ra dịch. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cũng tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia thị trường và giải quyết vấn đề tiêu thụ, bán hàng. Anh Phạm Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Anh Khoa, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) cho biết: đối với nhóm hàng cơ khí chế tạo thì việc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm khá phức tạp và tốn kém cả về chi phí vận chuyển hàng hóa, chưa kể việc trao đổi giữa người sản xuất và khách hàng trong quá trình mua bán và bảo hành sản phẩm. Trước đây khách hàng và chủ cơ sở phải trực tiếp gặp nhau, ngồi nói chuyện cả ngày, cả buổi mới xong việc; rồi việc vận chuyển máy móc đến tận xưởng để bảo dưỡng. Đến nay, Công ty chúng tôi đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, bán hàng qua mạng nhờ các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội, trang web của đơn vị… nên khách hàng và nhà sản xuất trao đổi trực tiếp bằng hình ảnh nên hiệu quả công việc cao. Cơ sở dễ dàng tư vấn cho khách sử dụng máy phù hợp với yêu cầu công việc; tư vấn cặn kẽ cách lắp đặt máy, “bắt bệnh”, hướng dẫn người dùng xử lý sự cố chính xác… Thêm vào đó là việc hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt nên đã giảm đáng kể thời gian, chi phí phụ trong kinh doanh… Do đó lượng khách hàng mua hàng qua phương thức này ngày càng lớn trong khi chi phí quảng cáo lại giảm. TMĐT đang là phương thức kinh doanh rất hiệu quả đối với Công ty trong giai đoạn hiện nay.
Tạo đà cho thương mại điện tử phát triển
Để thúc đẩy TMĐT phát triển, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp và người dân về phát triển, thành lập sàn giao dịch TMĐT bằng nhiều hình thức. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Hiện tại UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng các trang web, sàn giao dịch TMĐT để cập nhật thông tin trong và ngoài nước về các ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận thị trường, hàng hóa. Trong đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng Hệ thống thu thập và quản lý thông tin xuất, nhập khẩu Nam Định; Sàn giao dịch TMĐT Nam Định (http://thuongmainamdinh.vn); hỗ trợ 15 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xây dựng trang web. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu và nắm bắt cơ hội kinh doanh trong môi trường trực tuyến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trang thông tin chuyên đề giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng việc kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan, chuyển tiền qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến và các giao dịch TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, nhằm giúp các đơn vị bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm, qua đó khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Để tiếp tục thúc đẩy TMĐT phát triển nhanh, mạnh và hạn chế tối đa yếu điểm so với kênh tiêu dùng truyền thống, các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về TMĐT, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các giải pháp TMĐT trong liên kết, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt triển khai tốt các nội dung kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trong đó chú trọng mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số TMĐT (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 15%/năm, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh. Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 25%; 35% các giao dịch mua hàng trên trang web ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT. Đối với ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: 40% trang web TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 35-40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 25-30% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 45-60% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng. Về nguồn nhân lực TMĐT: 20% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; 5.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý Nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương