Để thực sự xứng tầm báo chí chất lượng cao…
Đề án về hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/4/2016 đã được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước triển khai thành công và đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Chắp cánh” cho tác phẩm báo chí chất lượng cao
Trong giai đoạn bùng nổ thông tin và xu thế làm báo hiện đại, đa phương tiện như hiện nay, mỗi cơ quan báo chí phải không ngừng cải tiến và sáng tạo, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung, hình thức thể hiện. Tạo dựng nên ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí chất lượng cao là một trong những nỗ lực như thế. Để hiểu hơn những nỗ lực sáng tạo từ phía các Liên Chi hội, chi hội thời gian qua để chất lượng của các tác phẩm ngày một nâng cao hơn, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo một số lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương xung quanh vấn đề này.
Tiếp tục bước vào giai đoạn mới, việc nâng cao chất lượng của mỗi tác phẩm báo chí, không chỉ là chuyện của riêng Đề án mà còn là nỗ lực tạo dựng nguồn cung ứng dồi dào cho các giải báo chí bộ ban ngành và Giải Báo chí Quốc gia. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, uy tín của báo chí trong đời sống xã hội. Vì thế, để báo chí chất lượng cao thực sự… chất lượng cao là nỗi trăn trở của hết thảy những người thực hiện.
Tác phẩm chất lượng cao là tác phẩm như thế nào?
Đây là một trong số những nội dung được bàn luận rất nhiều tại các cuộc hội thảo, hội nghị, hoặc tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và cũng là mối quan tâm của các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo thời gian qua. Trăn trở về điều ấy chính là hướng đi nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của bài viết một cách thực chất nhất, chứ không phải chỉ là… chọn bài cho có, manh mún hay cào bằng.
Có thể nói, thời gian qua công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo nên nhiều tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, có sự đầu tư công phu, có tính phát hiện, nêu bật những vấn đề được dư luận quan tâm, mang tiếng nói xây dựng, phản biện tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các quyết sách của Đảng và Nhà nước… Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn về chất lượng tác phẩm và việc tuyển chọn tác phẩm ở địa phương, vẫn còn đó không ít thách thức.
Ông Trần Thái Sơn – Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Thực tế hiện nay nhiều Hội Nhà báo có xu hướng thẩm định theo cách thức bình quân, cào bằng. Phân tích cụ thể vấn đề này, ông Sơn cho biết, có thực tế là, các tác phẩm báo chí được lựa chọn sẽ có mức thẩm định như nhau (cùng đạt loại A hoặc B). Ưu điểm của cách thẩm định này là tính động viên đối với hội viên – nhà báo. Bằng cách này, Hội Nhà báo tỉnh có thể cân đối kinh phí, hỗ trợ được cho nhiều tác giả, tác phẩm hơn.
Ngoài ra, có một thực tế là kinh phí phân bổ cho tác giả còn eo hẹp, nếu phân chia các mức A, B, C thì có nhiều trường hợp kinh phí hỗ trợ cho mức C quá ít, thiếu tính động viên đối với tác giả. Tuy nhiên, cách thẩm định này chưa khuyến khích tinh thần sáng tạo của hội viên, chưa cổ vũ tác giả đầu tư công phu vào tác phẩm. Các đơn vị báo chí cũng thiếu động lực để sơ tuyển tác phẩm gửi lên Hội Nhà báo tỉnh, dẫn đến chất lượng tác phẩm báo chí được tuyển chọn chưa cao.
Ở góc độ địa phương, trăn trở về chất lượng tác phẩm, ông Trần Cao Tánh - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ rằng, để có tác phẩm báo chí chất lượng cao thật không dễ. Yêu cầu chất lượng cao không chỉ đòi hỏi tác phẩm phản ánh chính xác, khách quan, có sức thuyết phục mà còn phải có tính “mới” về nội dung, sáng tạo về hình thức thể hiện, nói đúng tâm tư, tình cảm của người đương thời và có tác động xã hội tích cực.
Cùng quan điểm này, ông Trần Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai cho rằng, thời đại công nghệ số đã đem lại rất nhiều những thuận lợi cho những người làm báo như truyền tải thông tin kịp thời đến độc giả. Thời đại công nghệ số tạo ra những sản phẩm báo chí nhanh, kịp thời, sinh động nhưng đòi hỏi nội dung chất lượng tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, định hướng xã hội.
“Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc, khán thính giả đồng tình, trước hết phải biết lựa chọn, đề cập đúng những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra với sự chắt lọc từ bên trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu với sự đầu tư trí tuệ của người viết, bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả. Ngược lại, nếu một bài báo thiếu trách nhiệm, kém sinh động, không hấp dẫn, không thu hút được độc giả, sẽ làm cho vai trò của báo chí là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân bị suy giảm, thậm chí đánh mất vai trò đó”.
Tạo nên “sức bật” nâng cao chất lượng tác phẩm: Bằng cách nào?
Theo ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tiếp nối thành công của Đề án hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020, ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025”. Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng…
Bước vào giai đoạn mới, để các tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, bám sát hơi thở cuộc sống, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hoạt động. Điều cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí trước hết là phải nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên - nhà báo; mỗi hội viên - nhà báo phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ, vững vàng về chính trị, tư tưởng.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, muốn có được “sức bật” trong chất lượng tác phẩm cũng cần đa dạng và thống nhất phương pháp tuyển chọn. Theo đó, qua thực tế triển khai cho thấy ngoài việc hợp đồng đặt hàng cho hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam nên mở rộng để các Hội Nhà báo địa phương ngoài việc đặt hàng tác phẩm, có thể mua hàng các tác phẩm (tức là thẩm định, đánh giá, hỗ trợ những tác phẩm chất lượng, có hiệu quả xã hội cao được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng). Nhiều Hội địa phương trong thời gian qua vẫn mua hàng tác phẩm chất lượng… và cách làm này cũng khá hiệu quả.
Ngoài ra, cũng cần thẳng thắn rằng, trong việc sơ tuyển ở địa phương, phải loại bỏ tư duy cào bằng, hỗ trợ ào ạt chưa hiệu quả ở một số cấp Hội. Về việc này, ông Trần Thái Sơn cho rằng: “Hội Nhà báo nên có sự cân đối giữa việc khuyến khích hội viên nâng cao chất lượng tác phẩm và động viên mang tính đại trà, trong đó một số ít tác phẩm thực sự nổi trội, xuất sắc có thể được ghi nhận ở mức A, trong khi một số ít tác phẩm còn dễ dãi trong khâu tuyển chọn ở cơ sở có thể ghi nhận ở mức C (thậm chí loại nếu cần) để phản ánh sát hơn trình độ chuyên môn, công sức của tác giả trong đầu tư sáng tạo tác phẩm, và cũng để góp phần nâng cao chất lượng công tác sơ tuyển của các Chi hội” – ông Trần Thái Sơn nhận định.
Có thể thấy rằng, để tạo nên “sức bật” trong chất lượng, vẫn còn và vẫn nên là nỗi trăn trở của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương thời gian tới. Việc đánh giá lại chất lượng tác phẩm báo chí cũng là cơ hội tốt để những người làm báo ở địa phương nhìn nhận mình trong hoạt động báo chí, từ đó có những bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ tay nghề…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-thuc-su-xung-tam-bao-chi-chat-luong-cao-post252165.html