Để thưởng Tết là niềm vui, trách nhiệm bền vững
Khác với hai năm gần đây, các mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động được ngành chức năng công bố tăng cao hơn, đã thể hiện được sự tích cực của nền kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên bình diện cả nước, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh.
Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương có kinh tế năng động, đầu tàu cả nước, số lượng doanh nghiệp tập trung cao nhất, có mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân cao hơn nhiều so với cả nước, đạt 12,7 triệu đồng/người.
Những chỉ số tích cực của mức thưởng Tết năm 2025 phản ánh đúng sự phục hồi, tăng trưởng chung của hoạt động sản xuất kinh doanh, nền kinh tế đất nước.
Những ngày giáp Tết hai năm gần đây, sau giai đoạn dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề, phải dồn sức để vượt khó, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước những khó khăn mang tính sống còn ấy, đa phần người lao động đều cảm thông với khó khăn của doanh nghiệp để chia sẻ, đồng hành.
Khi kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, thì mức thưởng Tết là một yếu tố quan trọng, nhằm ghi nhận, khích lệ, động viên người lao động khi Tết đến, xuân về, sau một năm làm việc, gắn bó, đồng hành.
Tuy nhiên, có một thực tế, là mức thưởng Tết vẫn còn tình trạng không đồng đều giữa các nhóm ngành, tập trung mức thưởng cao chủ yếu ở các doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại... Còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng lao động phổ thông, có mức thưởng Tết thấp hơn nhiều.
Mặt khác, vẫn còn tình trạng thưởng Tết bấp bênh, thiếu ổn định. Dù quy định thưởng Tết 1 tháng lương cơ bản (thưởng tháng lương 13) hoặc có thưởng Tết được thể hiện trong hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, nhưng việc bảo đảm chi trả còn tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh, tác động của biến động kinh tế đến doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp vào dịp cuối năm do cạn nguồn tiền, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, buộc phải bỏ quy định thưởng Tết, chậm lương, giảm lương, thậm chí cắt giảm lao động.
Với đa số người lao động, việc mua sắm, chi tiêu Tết đều trông chờ cả vào tiền thưởng cuối năm. Thưởng Tết cũng là nguồn động viên, thể hiện trách nhiệm chăm lo của doanh nghiệp đối với người lao động trong Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, việc đảm bảo nguồn kinh phí chăm lo cho người lao động, thưởng Tết, đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cần xác định các mục tiêu, triển khai các biện pháp ngay từ đầu năm, đề ra mục tiêu thưởng Tết gắn với mục tiêu sản xuất kinh doanh, chỉ số tăng trưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua, đề cao chính sách chăm lo cho người lao động...
Sự đồng thuận, quyết tâm cao duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, tăng trưởng sẽ góp phần giúp hoạt động thưởng Tết, chăm lo cho người lao động luôn bền vững, phát huy được nhiều ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.