Để tiếng ru không tắt…
Không suy đoán chủ quan, nhưng hẳn nhiều người phải thừa nhận rằng họ nổi da gà khi thảng nghe đâu đó một lời ru vẳng giữa trưa hè im nắng. Lời ru như một cánh cửa mở về quá khứ, để tự dưng thấy mình nhỏ lại, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ những tháng ngày êm đềm bên cha mẹ khi giông bão cuộc đời chưa hề chạm tới. Và cũng để rồi từ đó đau đáu câu hỏi ở trong lòng rằng liệu những câu hát ru còn hiện hữu được bao lâu nữa nếu như những em bé ngày nay xa dần với tiếng ru thân thuộc?
Những người đàn ông “tranh phần” vợ ru con
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, trong các loại hình dân ca, hát ru ra đời sớm nhất và là loại hình dân ca mang bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy nên hát ru có sức sống mạnh mẽ của riêng mình để tồn tại cho tới ngày nay. Đã và đang có nhiều cuộc thi hát ru, liên hoan hát ru được tổ chức tại các tỉnh thành, trong các cơ quan đoàn thể để tôn vinh loại hình dân ca này.
Nói tới hát ru, người ta nghĩ ngày đến hình ảnh của bà, của mẹ, của chị - những thế hệ phụ nữ trong gia đình – ngồi ầu ơ bên cánh võng. Tại các cuộc thi cũng vậy, thí sinh tham gia thi hát ru chủ yếu là phụ nữ. Thế nhưng, quan niệm này có lẽ cũng không chính xác cho lắm, bởi nhiều người đàn ông cũng rất say mê với câu hát ru và con cháu của họ đã “vịn tay” vào những câu ru của ông, của cha để vào đời.
Tại Liên hoan hát ru tỉnh Hải Dương diễn ra cách đây mấy năm, đã có rất nhiều những ông bố mạnh mẽ bước lên sân khấu cất cao tiếng hát mượt mà theo từng làn điệu ru con và cũng có rất nhiều những thí sinh nữ đã bật mí rằng sở dĩ họ biết hát ru như ngày hôm nay là cũng nhờ được lớn lên từ những câu hát ru của người cha ở nhà.
Tại Liên hoan, chị Đào Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, gây ấn tượng khi cả hai mẹ con đều hát ru hay. Con gái chị, bé Nga 11 tuổi, so với thành viên trong đội, chỉ nhỏ về tuổi đời, non về chất giọng, chứ không hề có sự khác biệt trong độ ngọt của câu hát.
Chị Yến cho biết, bố của chị hát ru rất hay, từ nhỏ mẹ bận bịu công việc đồng áng ruộng vườn nên bố là người ầu ơ ru mấy anh em chị suốt những năm tháng ấu thơ. Lời ru, tình cảm của bố đã ngấm vào mấy anh em lúc nào không biết, để lớn lên ai cũng quyến luyến với lời ru, cũng biết hát ru.
Chị Yến kể, chị nhớ nhất niềm vui trên mặt mẹ chồng khi lần đầu tiên nghe chị cất lời ru con, “sau này bà tâm sự bà vui vì con dâu là thế hệ trẻ mà vẫn biết hát ru”. Cùng tâm trạng của mẹ chồng, chị Yến cũng rưng rưng khi nghe con gái mình hát hết một bài hát ru.
Chị quyết định dạy con hát và dẫn con đi thi. Phần thưởng giải nhất liên hoan hát ru của đội huyện Ninh Giang, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của mẹ con chị Yến, như một sự tri ân tưởng nhớ đến người cha đã khuất cùng những làn ru mượt mà của ông.
Thu Hương là một cô bé ở thành phố Hải Dương, thoạt trông rất hoạt bát, nghịch ngợm. Vậy mà khi em cất lời hát khán giả lặng đi. Điều thú vị ở chỗ, chính bố là người ru Hương nhiều nhất, dạy em hát và tận tay đưa em đi thi. Anh Phan Thanh Tùng bố của Thu Hương cho biết, anh mê những làn điệu hát ru từ nhỏ và thường hay năn nỉ bà, mẹ dạy cho mình.
Khi có con, anh luôn “tranh phần” ru con của vợ, hai đứa con ngủ ngon lành trong lời ru của bố. “Khi cất lời ru con, tôi thấy mình không chỉ là hát mà còn nói với con sự yêu thương của lòng mình, nói với con tình yêu cha mẹ là mênh mông, bất biến” – anh Tùng tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Thành ở huyện Cẩm Giàng “phải lòng” những làn điệu hát ru từ khi lấy vợ có con. “Một lần khi đi làm về, đứng ở thềm nhà tôi nghe tiếng ru của vợ vọng ra. Bỗng dưng tôi thấy gai người vì lời ru như một cánh cửa mở cho tôi nhìn thấy ngày mình là cậu bé quẩn quanh bên mẹ, bên bà nghe hát. Tôi quyết định học hát ru từ đấy” – anh Thành cho biết.
Là cán bộ văn hóa kiêm công tác Đoàn, anh Nguyễn Văn Thành đã dùng tiếng hát của chính mình để đưa những làn điệu hát ru đến với các buổi sinh hoạt, các phong trào văn hóa, để nuôi dưỡng, kế thừa một nét đẹp của bao thế hệ...
Làm sao đi hết những lời mẹ ru
Nhà thơ Nguyễn Duy có câu thơ: “Cái cò sung chát khế chua/Câu ca mẹ hát gió đưa về trời/Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Quả đúng là như vậy, dù ở đâu và dù là ai, mỗi người Việt Nam khi lời ru cất lên, ký ức như chuyến tàu lập tức quay đầu về chốn cũ. Ở nơi đó, có mẹ có cha, có tuổi thơ êm đềm mà không bão giông cuộc đời nào chạm tới.
Và cũng từ đó đau đáu câu hỏi ở trong lòng rằng liệu những câu hát ru còn sống được bao lâu nữa nếu như những em bé không còn được nghe tiếng ru? Hay nói như cố GS Trần Văn Khê rằng: “Không nên để tiếng ru tắt trên môi các bà mẹ. Bởi giữ gìn tiếng hát ru cũng là bước đầu giữ gìn bản sắc của một dân tộc…”.
Tôi là con của một bà mẹ miền Nam Trung Bộ tập kết ra Bắc. Ngày ấy khi xuống tàu, rất nhiều cán bộ miền Nam trong đó có mẹ tôi đã giơ hai ngón tay hẹn ngày trở về sau 2 năm nữa. Nhưng, sự phũ phàng của chiến tranh, thế cuộc, đã biến con số 2 ngắn ngủi đó thành những tháng ngày dài đằng đẵng của… 20 năm, với bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nhớ thương, bao nhiêu hoài niệm của những người con miền Nam trên đất Bắc và của những ông bố bà mẹ miền Nam khóc chờ con đến mờ cả mắt.
Cũng vì thế nên từ nhỏ, tuổi thơ tôi đã thấm đẫm những lời ru ẩn chứa nước mắt và nỗi buồn xa quê của mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Lớn lên chút nữa, khi bắt đầu đã nhận biết những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời, tôi hiểu những điều mẹ dặn qua từng lời ru: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” và cảm thông cho nỗi lo lắng của mẹ khi chứng kiến đứa con bé bỏng ngày một đủ lông đủ cánh bay xa: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/Khó đi mẹ dắt con đi/Con đi trường học mẹ đi trường đời”.
Đến lượt tôi trở thành người mẹ, ôm đứa con đỏ hỏn trên tay, điều tôi lo lắng nhất là mình sẽ làm được gì cho con, sẽ dạy con những gì, giữa cuộc sống quá bận rộn này. Khi rất nhiều ông bố bà mẹ của thế hệ tôi vì phương tiện truyền thông thừa mứa, vì quay cuồng trong nhịp sống hối hả, đã không còn đủ bình tâm để đưa con trẻ vào giấc ngủ êm đềm qua lời ru nữa.
Câu hỏi của tôi cũng là câu hỏi của nhiều người trẻ hiện nay. Trong một bài viết đăng tải trên truyền thông, nhà văn Lê Minh Quốc đã có lời bàn về vấn đề này. Theo ông, nếu các bà mẹ thời hiện đại không biết hát ru thì sao? Thì cũng không sao cả.
“Tôi quan niệm rằng không nhất thiết phải vận dụng lại các câu hát xưa bởi mỗi thời mỗi khác. Những hình ảnh ngộ nghĩnh, quen thuộc trước đây trong đồng dao, chắc gì các bà mẹ trẻ ngày nay đã thấy, đã cảm nhận một cách sâu sắc như thế hệ ông cha mình? Những “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Giã chày một/Hột gạo vàng/ Sàng chày đôi/Đôi thóc mẩy…”, “Cái ngủ mày ngủ cho sâu/Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”… chắc gì đã phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ? Đã không cảm nhận sâu sắc, thiết thực như một tình cảm gắn bó làm sao có thể truyền cảm lúc hát ru con? Do đó, họ lại chọn các ca khúc mầm non, bài thơ thiếu nhi nếu cảm thấy phù hợp với hoàn cảnh của mình, như một bà mẹ chọn bài “Ba ngọn nến lung linh” chẳng hạn, cũng là điều hợp lý”.
Và ông Lê Minh Quốc cũng nhấn mạnh rằng hát ru dành cho con bao giờ cũng cần thiết: “Tôi không tán thành ý kiến cho rằng thời buổi này, khoa học kỹ thuật đã “trang bị tận răng”, cần gì mình phải hát với hò mỏi miệng, cứ mở máy cho con nghe vẫn nhanh, tiện, gọn hơn cả.
Thoạt nghe chí lý nhưng thật ra, các nhà tâm lý tư vấn về nghệ thuật nuôi con đã chỉ ra rằng một đứa trẻ có sự giao tiếp thường xuyên với cha mẹ vẫn tốt hơn cả; qua đó, bộ não của trẻ phát triển tốt hơn nếu chỉ tiếp nhận thụ động từ máy phát thanh. Đó thật sự là cuộc trò chuyện, tâm tình, thậm chí “đối thoại” giữa người lớn - con trẻ, dù người lớn hát/ru còn vụng về, chữ nhớ chữ quên; còn con trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của ca từ”.
…. “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ vừa năm”– đến giờ khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn còn như thấy mình của những ngày tháng ấy, khi bắt đầu cất lên câu hát ru con. “Con không bao giờ quên những bài mẹ đã hát ru con ngày bé” – mười mấy năm sau con gái tôi đã nói với tôi như vậy và với tôi đó có lẽ là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời làm mẹ mình…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/de-tieng-ru-khong-tat-542670.html