Để tiếp tục tăng tốc

'Vấn đề là làm sao có được giải pháp đồng bộ để nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công, nhằm giúp giảm giá thành, tăng hiệu quả cho người nuôi và nâng cao tính cạnh tranh cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới'. Đó là một trong những nội dung chính, được nhiều đại biểu quan tâm tại 'Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2025' do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào ngày 14/2.

Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, ngành tôm Cà Mau nói riêng và các tỉnh ven biển nói chung đều có sự tăng trưởng, nhưng nếu nhìn kỹ lại sẽ thấy gần như chúng ta vẫn chỉ loanh quanh ở con số sản lượng hơn 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trở lại. Điều này cho thấy, sự phát triển của ngành tôm thời gian qua còn rất chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà chúng ta đang có. Nguyên nhân một phần do việc tăng năng suất các mô hình nuôi còn khá chậm, giá thành nuôi còn quá cao. Riêng một số mô hình như: quảng canh, quảng canh cải tiến ở Cà Mau năng suất có phần đi lùi. Do đó, để ngành tôm giữ được tốc độ tăng trưởng trong năm 2025 như mục tiêu kế hoạch đề ra, một trong những vấn đề quan trọng là tìm ra giải pháp giúp tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, để từ đó giúp giảm giá thành, tăng hiệu quả cho người nuôi.

Cần quan tâm tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để cải thiện tính hiệu quả ngay từ khâu nuôi. Ảnh: TÍCH CHU

Cần quan tâm tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để cải thiện tính hiệu quả ngay từ khâu nuôi. Ảnh: TÍCH CHU

Liên quan đến giải pháp giảm giá thành, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề xuất, cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng quản trị rủi ro, chứ không phải quản lý rủi ro như trước đây. Ông Quang chia sẻ: “Trước nay, chúng ta thường chủ yếu tập trung cho việc kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh thông qua các hoạt động, như xử lý nước triệt để, đẩy ôxy hòa tan cao… khiến chi phí sản xuất vì thế cũng tăng cao. Do đó, cách tiếp cận tới đây cần thay đổi theo hướng tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch cho tôm và đảm bảo môi trường nuôi thật tốt để giúp con tôm vượt qua dịch bệnh, đạt tỷ lệ sống cao hơn cho đến thời điểm thu hoạch”.

Thực tế cho thấy, do tỷ lệ nuôi nhỏ lẻ nhiều nên nhiều vùng nuôi không có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt làm cho môi trường ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh và dễ lây lan, dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao, tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam giảm sút, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ông Quang chia sẻ thêm: “Doanh nghiệp lúc nào cũng luôn mong muốn người nuôi thành công để có đủ tôm chế biến với giá thành hợp lý, bởi nếu không may, người nuôi thất bại nhiều, hoặc nuôi không có lời, buộc phải ngưng nuôi thì doanh nghiệp cũng khốn khó”.

Thông tin thêm tình hình thị trường tôm và vụ nuôi, ông Quang cho biết, từ nửa cuối năm ngoái đến nay, do dịch bệnh nên việc nuôi tôm rất khó khăn, tôm thu hoạch chủ yếu là cỡ nhỏ và trung bình. Vì vậy, sản lượng tôm thu hoạch cỡ 30 con/kg giảm rất mạnh, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng tôm cỡ lớn, trong khi những năm trước, tôm cỡ 30 con/kg khá nhiều. Hiện theo tôi được biết, trong kho của hầu hết các nhà phân phối lớn, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gần như không còn tôm kích cỡ này. Do đó, đã có khách hàng đẩy giá mua tôm cỡ 30 con/kg lên thêm 1 USD/kg nhưng doanh nghiệp đành từ chối vì không có tôm để chế biến. “Khả năng thiếu tôm cỡ lớn trong thời gian tới sẽ còn rất lớn do tình hình nuôi không mấy thuận lợi, dịch bệnh làm cho việc nuôi tôm về cỡ lớn rất khó khăn. Giá tôm tới đây vẫn sẽ còn khá tốt, người nuôi vẫn sẽ có lợi nhuận cao nếu nuôi đạt năng suất và đặc biệt là nuôi được về cỡ lớn”, ông Quang nhận định.

Đối với vụ nuôi năm 2025, cho đến thời điểm hiện tại, số diện tích thả nuôi vẫn chưa nhiều, nhưng theo thông tin người viết ghi nhận được, dịch bệnh do EHP đã bắt đầu xuất hiện rải rác khắp các vùng nuôi khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, người nuôi vẫn có động lực để thả nuôi khi giá tôm vẫn đang ở mức cao, đảm bảo mức lợi nhuận tốt nếu vụ nuôi thành công. Thậm chí giám đốc một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh còn mạnh miệng tuyên bố, người nuôi đang được trao cơ hội có lợi nhuận lớn ngay từ vụ nuôi đầu năm này. Vì vậy, người nuôi không nên bận tâm nhiều đến vấn đề giá thành tôm nuôi Việt Nam đang cao, mà cái chính là làm sao có tôm thu hoạch với sản lượng tốt thì mức lợi nhuận sẽ cao và sẽ rất cao nếu tôm đạt kích cỡ lớn. Thực tế cho thấy, những hộ nuôi có thu hoạch tôm đạt năng suất và kích cỡ tôm 30 - 33 con/kg gần đây đều có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư 70 - 100%.

Đánh giá về vụ tôm nước lợ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định vẫn sẽ là một năm không hề dễ dàng đối với ngành tôm. Theo Thứ trưởng, ngoài những khó khăn khách quan thì một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của ngành tôm, như: tỷ lệ nuôi thành công thấp; dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, môi trường ô nhiễm… chưa được cải thiện nhiều và sẽ tiếp tục kéo dài. Tất cả làm cho tôm chậm lớn, hệ số thức ăn tăng cao… dẫn đến giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn các nước, sức cạnh tranh thấp, hiệu quả ngành tôm chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt là ở khâu nuôi. Tuy nhiên, Thứ trưởng tự tin cho biết, ngành tôm sẽ tiếp tục phấn đấu đạt mức tăng trưởng tốt theo kế hoạch để tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cần tập trung phân tích, đánh giá và tìm ra giải pháp đồng bộ để giải quyết những khó khăn của ngành tôm, nhằm giúp ngành tôm bứt phá trong năm 2025 như mục tiêu đề ra, trong đó, tập trung vào các điểm nhấn quan trọng là: con giống, mô hình, tổ chức và liên kết sản xuất… Thứ trưởng dẫn chứng: “Thế giới luôn thay đổi cả về thương mại, nhu cầu lẫn xung đột và cùng với đó là những vấn đề nội tại, như: môi trường, dịch bệnh, hạ tầng, quy mô nuôi nhỏ lẻ, hợp tác và liên kết… tất cả đều là những thách thức không hề nhỏ của ngành tôm. Vì vậy, trước hết chúng ta cần tập trung quan tâm nhiều hơn đến vùng nuôi để làm sao có được tỷ lệ thành công cao, giá thành hợp lý, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường cho người nuôi, trong đó, vấn đề hợp tác, liên kết chuỗi cần được quan tâm ngay từ khâu nguyên liệu vì đây được xem là khâu quan trọng, có tính chất quyết định nhưng lại đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị”.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202502/e-tiep-tuc-tang-toc-4b2065d/