Để TP.HCM tăng trưởng hai con số, hướng đến siêu đô thị toàn cầu

TP.HCM có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai gần nếu giải quyết được các rào cản, nhất là về hạ tầng giao thông.

Trong những năm qua, TP.HCM luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, từ đó đóng góp gần 25% GDP và hơn 27% ngân sách quốc gia.

Giai đoạn 2025-2030, TP đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số mỗi năm, hướng tới trở thành một đô thị hiện đại, năng động hàng đầu khu vực.

 TP.HCM giữ mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, hướng đến xây dựng một đô thị toàn cầu. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM giữ mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, hướng đến xây dựng một đô thị toàn cầu. Ảnh: THUẬN VĂN

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, TP.HCM trong giai đoạn tới cần xác định rõ những động lực chính, cũng như hiểu rõ những thách thức để có thể bứt phá mạnh mẽ.

Xác định các động lực tăng trưởng chính

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng hai con số của TP.HCM trong bối cảnh hiện nay?

+ GS.TS Nguyễn Trọng Hoài: Tăng trưởng từ 8% và tiệm cận 2 con số trở lên là điều hoàn toàn có thể đối với TP.HCM trong giai đoạn 2025-2030. Lịch sử TP.HCM đã có tốc độ tăng trưởng cao trên 8% vào những năm trước 2020. Đặc biệt là những năm 2014-2015 xấp xỉ 10%. Năm 2024 thì tăng trưởng của TP.HCM đã phục hồi khá rõ nét hơn 7%, trong đó ngành dịch vụ hầu như đã phục hồi gần như về mức tiềm năng trước đây.

Các động lực tăng trưởng mới bao gồm nhiều yếu tố quan trọng làm tăng tổng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) mà TP.HCM đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị nền tảng trong thời gian qua và sẽ tiếp tục thực hiện.

Đó là TP.HCM đã có nhiều Đề án Chuyển đổi công nghiệp cho các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được ưu tiên.

TP.HCM đã và đang áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, thông minh, nhằm nâng cấp chuỗi giá trị từ lắp ráp gia công sang thiết kế và sáng tạo.

 GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng TP cần nhận diện rõ các rào cản hiện nay để có sự tập trung trong thời gian tới. Ảnh: THUẬN VĂN

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng TP cần nhận diện rõ các rào cản hiện nay để có sự tập trung trong thời gian tới. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM đã có Đề án phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ lớn hiện đại có giá trị gia tăng cao của cả nước.

Trong quy hoạch kinh tế - xã hội được phê duyệt, TP sẽ từng bước hình thành một hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ mô hình 4-5-6, tiếp tục nâng cấp 4 ngành công nghiệp truyền thống (điện tử, hóa dược, chế tạo máy, chế biến tinh lương thực thực phẩm).

Cùng đó, TP sẽ đầu tư phát triển 5 ngành công nghiệp mới theo xu thế toàn cầu (công nghệ sinh học, thiết bị y tế, tự động hóa, bán dẫn,năng lượng tái tạo); 6 ngành dịch vụ tiềm năng (thông tin truyền thông, tài chính bảo hiểm, khoa học công nghệ, logistics, y tế chất lượng cao, giáo dục tinh hoa tạo ra tài năng và kỹ năng phục vụ nhu cầu khu vực và chiến lược phát triển TP.HCM.

TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp, từ người dân, đặc biệt định hướng phát triển TP Thủ Đức trở thành Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tương tác lõi tạo tính lan tỏa cao cho vùng TP.HCM.

Đồng thời, chủ động thúc đẩy các dự án tạo vành đai công nghiệp, vành đai logistic vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ qua việc tham gia chủ động và sáng tạo thúc đẩy các dự án vành đai 3, vành đai 4, mở rộng không gian giao thông kết nối phía Đông và phía Tây nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về mặt quản trị, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 3-4, các thủ tục hành chính được số hóa và chuẩn hóa nhanh gọn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Các khát vọng mang tính trung hạn cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng như phát triển hệ thống giao thông TOD, mở rộng không gian phát triển ngầm và không gian trên cao, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mở rộng không gian kinh tế khu vực và quốc tế, siêu dự án trung tâm tài chính quốc tế.

Sớm giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, hướng tới siêu đô thị

. Dù có những tín hiệu đáng mừng nhưng TP cần nhận diện rõ các rào cản và tháo gỡ. Theo ông, đó là gì?

+ Dù TP.HCM đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhưng vẫn còn những thách thức lớn. Xét về các chỉ số đô thị thông minh, đô thị toàn cầu, đô thị triển vọng toàn cầu, chất lượng sống đô thị còn có một khoảng cách đáng kể so với các thành phố trong khu vực.

Hiện nay, TP.HCM có rất nhiều dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn như Metro, mở rộng không gian kết nối Đông và Tây, dự án nhà ga T3 dần hình thành tăng cường kết nối quốc tế và toàn cầu. Dù vậy, cơ sở hạ tầng của TP.HCM hiện đang quá tải so với quy mô của một siêu đô thị, cần giải quyết có lộ trình và tính đồng bộ trong kết nối.

Đó còn là rào cản về chất lượng sống, những vấn đề ngập nước, ô nhiễm, vắng bóng các công trình mang tính văn hóa biểu tượng đặc sắc.

TP.HCM đã có các dự án xóa nhà tạm và sạch hóa rạch Xuyên Tâm, thúc đẩy hoàn thành các dự án chống ngập và từng bước hình thành các công trình văn hóa đặc sắc như: cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sắp được triển khai, các dự án công trình văn hóa thể thao đã nằm trong quy hoạch được duyệt.

Tiếp theo là rào cản về không gian phát triển công nghiệp. Do TP.HCM phát triển công nghiệp sớm nên các KCN đa số đã lấp đầy và duy trì đến năm 2040.

Để khắc phục rào cản này thì TP.HCM đã thực hiện chuyển đổi và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao thông qua hai cách tiếp cận là chuyển đổi và chuẩn bị quỹ đất phù hợp.

Ngoài ra, TP hiện cũng đang gặp rào cản về nguồn nhân lực đáp ứng các tập đoàn lớn về công nghệ số, sạch, xanh, xả thải carbon, bán dẫn. Muốn vượt qua rào cản này thì chiến lược đào tạo tài năng và kỹ năng của TP.HCM phải phù hợp với chiến lược thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Do đó, tùy theo từng trụ cột của các chỉ số này, TP.HCM phải có sự đầu tư bài bản nhằm thu hẹp khoảng cách.

Cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số

. Vậy theo ông, TP cần ưu tiên vào những lĩnh vực nào để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số?

+ Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Không có nguồn nhân lực phù hợp thì tất cả các chiến lược, kế hoạch, dự án tạo ra động lực tăng trưởng mới sẽ bị tắc nghẽn.

TP.HCM cần tập trung đào tạo các ngành phục vụ cho chuyển đổi kép gồm: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cả chuyển đổi về công nghệ theo hướng tích hợp, phù hợp với hệ sinh thái dịch vụ, công nghiệp theo mô hình 4-5-6 đã được duyệt trong quy hoạch tổng thể.

Nguồn nhân lực theo cơ chế đào tạo tại chỗ hay thu hút nhân tài, trong ngắn hạn chưa đào tạo được thì có cơ chế thu hút chuyên gia. Hiện nay, ta cũng đã có Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và thu hút chuyên gia để thực hiện.

 Hướng tới một siêu đô thị, chuyên gia cho rằng TP cần định vị lại để xác định rõ các động lực phát triển chính. Ảnh: THUẬN VĂN

Hướng tới một siêu đô thị, chuyên gia cho rằng TP cần định vị lại để xác định rõ các động lực phát triển chính. Ảnh: THUẬN VĂN

Trong dài hạn thì đào tạo tại TP.HCM là điều hoàn toàn khả thi; nhưng cần có sự kết nối giữa chính quyền và cơ sở đào tạo sao cho phù hợp với hệ sinh thái các ngành công nghiệp, dịch vụ mà TP.HCM cần. Việc đào tạo phải theo hướng thực chiến chứ không hàn lâm.

Song song đó, TP cần tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực; tập trung vào lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển (ngầm/không gian cao).

Ưu tiên các động lực tăng trưởng mới như siêu cảng Cần Giờ, ưu tiên hình thành các tổ chức tài chính quốc tế (IFC), huy động dòng tài chính quốc tế thúc đẩy đổi mới công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi kép, thúc đẩy thu hút tài năng và thu hút công nghệ.

Song song đó, cần giải quyết các điểm nghẽn về môi trường và nâng cao chất lượng sống để nâng cao chỉ số TP thông minh, toàn cầu, chất lượng sống. Từ đó mới biến các khát vọng thu hút tài năng thu hút tập đoàn công nghệ, tập đoàn tài chính, nhà đầu tư chiến lược đến sinh sống và làm việc ở TP.HCM.

Muốn làm được điều này thì TP.HCM tiếp tục vận dụng tốt Nghị quyết 98, tăng cường phân cấp, thu hút nguồn lực và tiếp tục đề xuất các sáng kiến phát triển theo mô hình sanbox với sự ủng hộ của Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 31 để có khả năng thúc đẩy các khát vọng trở thành hiện thực sớm...

Xin cảm ơn ông!

THANH TUYỀN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-tphcm-tang-truong-hai-con-so-huong-den-sieu-do-thi-toan-cau-post845216.html