Để TP.HCM trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo
Được đánh giá tác động từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đạt giá trị hơn 5 tỷ USD, TP.HCM kỳ vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay TP.HCM được xếp hạng 114/1.000 Thành phố có hệ sinh thái năng động toàn cầu và đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về giá trị hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD, chỉ sau Singapore và Indonesia. Đó là những thuận lợi để TP.HCM vươn lên top đầu khu vực về đổi mới sáng tạo.
Với Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP.HCM có điều kiện thuận lợi để triển khai các chính sách ưu đãi thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo. Trong đó, nội dung đầu tiên là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập từ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của DN khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó là miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế TNDN của cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM. Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại các đơn vị kể trên cũng được miễn thuế TNCN với khoản thu nhập từ lương, tiền thưởng. Những ưu đãi này có thời hạn 5 năm kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp.
Là trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ với phong trào khởi nghiệp sôi động hàng đầu cả nước, TP.HCM thuận lợi là hiện có gần 2.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, chiếm khoảng 50% cả nước. Trong số này có 65% DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. TP.HCM cũng có 44 cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp (cả Nhà nước và tư nhân).
“Năm 2022, TP.HCM được xếp hạng 110 trong số các thành phố trên thế giới có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, và nằm trong khoảng xếp hạng 80-90 trong năm 2023”.
Mới đây TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2024 -2028; đặt mục tiêu đến năm 2028, hỗ trợ hơn 1.000 đề án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 đề án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Có thể thấy, thông qua tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, TP.HCM sẽ tiến hành tập huấn chính sách, phương thức triển khai thực hiện, định hướng nội dung đổi mới sáng tạo cho các đơn vị liên quan, cũng như hỗ trợ ứng dụng và thử nghiệm các giải pháp, sản phẩm - dịch vụ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể là Thành phố đã tập trung nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số với ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tất cả đều hướng đến phục vụ người dân và DN.
Có thể chỉ ra những thách thức, đặc biệt trong chuyển đổi số khu vực công. Các khảo sát hiện nay đều cho thấy, thực trạng khối lượng công việc khu vực này rất lớn, phức tạp, liên quan nhiều bộ phận và yêu cầu của người dân cũng như DN. Tuy nhiên, nguồn lực như con người, trang thiết bị, kinh phí luôn có sự hạn chế và công nghệ hiện chỉ đủ để đáp ứng được cơ bản các nhu cầu. Giải bài toán này cần rất nhiều kỹ năng và phải xác định được đúng đề bài để không làm lãng phí thời gian cũng như tiền bạc. Đối với DN ít tiềm lực kinh tế hay DN vừa và nhỏ thì chuyển đổi số có thể là một thách thức lớn khi chi phí thực hiện là không nhỏ.
Đáng nói là những quy định hiện hành chưa cụ thể về chính sách hỗ trợ với các trung tâm đổi mới sáng tạo - là tổ chức trung gian để ươm mầm và phát triển DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cũng là nơi kết nối và liên kết các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ thất bại trong đầu tư vào DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất cao. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro cho đầu tư vào khởi nghiệp cao và do đó rất cần chính sách hỗ trợ cho các tổ chức trung gian này để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là khuyến khích được vốn tư nhân cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nước ta. Thị trường bất động sản hiện nay có nhiều biến động, cần theo dõi để đưa ra được quyết định đúng đắn.
Với vai trò và lực lượng lao động hùng hậu, ngành dịch vụ của TP.HCM còn nhiều tiềm năng nâng cao năng suất, tăng hàm lượng kinh tế số và đẩy mạnh kết nối ngành.
Trong 10 năm qua, dịch vụ luôn là ngành có tỷ trọng cao, chiếm hơn 60% trong cơ cấu GRDP của TP.HCM. Dịch vụ cũng là khu vực thu hút số lượng đáng kể lao động dịch chuyển ra khỏi ngành chế biến, chế tạo trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra ở TP.HCM. Trong ba ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu, ngành tài chính - ngân hàng và bảo hiểm có năng suất lao động cao nhất, tiếp theo là các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp và công nghệ, thông tin và truyền thông. TP.HCM cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 2.000 startup, chiếm khoảng 50% của cả nước, và trong số 4 kỳ lân công nghệ ở Việt Nam, thì 3 là ở TP.HCM. Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của sinh viên và cộng đồng. Song song đó, bằng những chính sách ưu đãi thuế Thành phố cũng khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia đầu tư, cũng như DN, nhất là DN FDI, thành lập quỹ đầu tư khoa học - công nghệ tập trung vào các ngành dịch vụ.
Trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM, lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 60%, và đây sẽ tiếp tục là thế mạnh của Thành phố, đang được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu để nâng tầm quốc tế.
Với một đô thị trên 10 triệu dân, TP.HCM chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu, nên lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực rất tiềm năng cho các startup.
(*) Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-tp-hcm-tro-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-312385.html