Để tránh chồng chéo trong thanh tra
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có chỉ đạo khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chỉ đạo được đưa ra sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh…
Trong khi đó, thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh có địa phương trong 9 tháng năm 2022 đã tiếp và làm việc với 29 đoàn thanh tra, kiểm tra. Điều đó ít nhiều khiến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn bị ảnh hưởng, bởi bình quân một cuộc thanh tra có thời gian từ 10 đến 30 ngày.
Từ thực tế trên có thể thấy, để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng, các bộ, ngành, UBND các địa phương cần tập trung tìm hiểu để thực hiện đúng Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua ngày 14-11-2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, huyện nên sớm xem xét, đánh giá mô hình phần mềm cơ sở dữ liệu về thanh tra để quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, thanh tra nhiều tỉnh như: Nam Định, An Giang, Quảng Ngãi... đã xây dựng phần mềm nói trên và vận hành hiệu quả.
Theo đó, hằng năm, thanh tra các tỉnh trên khi xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra đã nhập dự kiến chương trình công tác của Kiểm toán Nhà nước; yêu cầu các đơn vị, địa phương nhập dự kiến chương trình kế hoạch thanh tra, kiểm tra của đơn vị mình vào cơ sở dữ liệu thanh tra. Trong quá trình nhập dự kiến kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giữa các đơn vị nếu thấy chồng chéo thì tự thống nhất với nhau để điều chỉnh, nếu không thống nhất phải báo cáo cấp trên. Mục tiêu là bảo đảm mỗi năm một doanh nghiệp chỉ phải tiếp, làm việc với một đoàn thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Các doanh nghiệp sau khi nhận được thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra nếu thấy có chồng chéo sẽ phản hồi về thanh tra tỉnh và thanh tra tỉnh sẽ yêu cầu các đơn vị thanh tra điều chỉnh kế hoạch thanh tra…
Tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp là việc cần phải làm ngay để giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.