Để trẻ có sân chơi ngày hè đúng nghĩa

Dịp hè đến, câu chuyện về sân chơi cho trẻ em luôn được quan tâm. Thời gian qua, dù các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm tổ chức nhiều sân chơi cho trẻ em, song có một thực tế là những sân chơi này tập trung chủ yếu ở thành phố và trung tâm các huyện. Đối với các em ở vùng nông thôn, sân chơi ngày hè vẫn còn rất ít.

Thiếu nhi thích thú trải nghiệm sản phẩm sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội STEM do Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Thông tin và truyền thông, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức. Ảnh: Nga Sơn

Thiếu nhi thích thú trải nghiệm sản phẩm sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội STEM do Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Thông tin và truyền thông, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức. Ảnh: Nga Sơn

Do vậy, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, từng gia đình có thể thiết kế những hoạt động thật sự phù hợp giúp cho trẻ có mùa hè thật sự bổ ích, ý nghĩa.

Còn thiếu sân chơi cho trẻ

Mùa hè là thời điểm nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ tăng cao. Thời gian này, trẻ không phải đến trường, có nhiều thời gian rảnh trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm bình thường nên nhiều bậc phụ huynh cảm thấy “đau đầu” trong việc tìm sân chơi cho con.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, vợ chồng chị có 2 con đang học lớp 5 và lớp 8. Hai vợ chồng chị đều là công nhân đi làm từ sáng đến chiều; nghỉ hè 2 con ở phòng trọ không biết làm gì ngoài chơi game, lướt Tiktok cả ngày. Chị rất muốn cho con tham gia các lớp năng khiếu hè nhưng ngại chi phí cao và không sắp xếp thời gian đưa đón.

Bà ĐỖ THỊ LINH (ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: Hè là dịp đặc biệt quan trọng cho trẻ tái tạo lại những năng lượng để chào đón một năm học mới. Đây cũng là thời gian để trẻ có thể tham gia những hoạt động nhằm tăng cường về thể chất, học thêm những kiến thức về kỹ năng sống. Do vậy, phụ huynh nên tạo điều kiện để trẻ tham gia những hoạt động thật sự phù hợp, giúp các em có mùa hè thật sự bổ ích, ý nghĩa.

“Tôi cũng nhận thấy cho con ở nhà miết cũng không ổn nên dự định sẽ sắp xếp ngày chủ nhật sẽ cho bé nhỏ đi học bơi, rồi sau đó gửi về nhà ngoại ở huyện Vĩnh Cửu. Còn bé lớn sẽ đăng ký tham gia khóa tu mùa hè tại một ngôi chùa nào đó để con có nơi sinh hoạt hè ý nghĩa với các bạn cùng trang lứa” - chị Nguyệt cho hay.

Tìm sân chơi an toàn, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, nhu cầu, sở thích của từng nhóm tuổi là mong muốn của nhiều phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) bộc bạch, ở nông thôn không có các lớp học ngoại khóa, lớp học kỹ năng. Mùa hè, học sinh chủ yếu đi học thêm, chơi điện thoại, xem tivi. Nhà nào có điều kiện thì thưởng cho con một chuyến đi tắm biển hoặc đi khu vui chơi.

Theo bà Lan, để trẻ không nghiện game, nghiện mạng xã hội thì tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà phụ huynh nên chủ động tạo sân chơi cho con. “Nếu khu vực mình sinh sống không có các lớp năng khiếu, các chương trình sinh hoạt hè, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao… thì phụ huynh có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi để cùng chơi, cùng đọc sách với con; hướng dẫn con làm việc nhà, làm vườn để các con trải nghiệm, khám phá, gắn kết tình cảm gia đình” - bà Lan nói.

Cùng suy nghĩ với bà Lan, ông Trần Văn Lâm (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho rằng, cần quan tâm đến sân chơi cho trẻ em ở vùng nông thôn hoặc vùng ven các đô thị, khu vực có đông công nhân, người lao động sinh sống để các em có điều kiện vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động ngoại khóa ý nghĩa trong mùa hè; tránh tình trạng nghiện game, nghiện internet hoặc vui chơi ở những nơi không an toàn như: sông, suối, ao, hồ, hầm đá…

Quan tâm tạo thêm nhiều sân chơi

Hiện nay, ở thành phố Biên Hòa có một số khu vui chơi với cơ sở vật chất hiện đại nhưng được xây dựng với mục đích kinh doanh, không phải gia đình nào cũng có điều kiện và thời gian cho con đến chơi. Trong khi đó, những không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho các em chưa nhiều.

Thiếu sân chơi cho trẻ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm, trong đó có “sự ra đời” của các khu vui chơi tự phát không đảm bảo an toàn. Nhiều trẻ tận dụng lòng đường, vỉa hè để vui chơi, đá bóng, thả diều... Đáng lo hơn là trẻ rủ nhau đi tắm sông, suối, ao, hồ khi không có sự giám sát của người lớn. Hoặc đắm chìm trong thế giới ảo trên mạng internet, nghiện game…

Để trẻ có một mùa hè ý nghĩa, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo hè tỉnh, cho biết Ban Chỉ đạo hè tỉnh đã có kế hoạch với khoảng trên 100 hoạt động được tổ chức trong mùa hè này. Hoạt động rất đa dạng, từ văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đến các hội thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội; rèn luyện kỹ năng sống; các hoạt động tình nguyện…

Trong kế hoạch của Ban Chỉ đạo hè tỉnh năm 2024 nhấn mạnh đến việc tập huấn, hướng dẫn cho thanh thiếu nhi kỹ năng mềm, đặc biệt chú trọng các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống xâm hại trẻ em. Riêng Tỉnh đoàn năm nay sẽ có thêm đội hình an toàn thông tin trên không gian mạng cho thiếu nhi. Đội hình này sẽ tổ chức các lớp học hướng dẫn kỹ năng, trang bị kiến thức cho thiếu nhi kỹ năng khai thác, tương tác an toàn trên môi trường mạng nhằm bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng…

Bày tỏ sự nhất trí với kế hoạch hoạt động hè của tỉnh, ông Ngô Thanh Long (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) bộc bạch, sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ em chạy nhảy, chơi đồ chơi, trò chơi mà bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ. “Mong rằng sẽ có nhiều trẻ em trong tỉnh được tham gia các hoạt động hè ý nghĩa trên. Để các em có được những sân chơi ngày hè đúng nghĩa, có cơ hội được trải nghiệm, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết” - ông Long nói.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/de-tre-co-san-choi-ngay-he-dung-nghia-bfa186d/