Để trẻ em được sống trong môi trường an toàn

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cung cấp kiến thức về nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em cho trẻ vị thành niên. Ảnh: KIM CHI

Xây dựng, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em (BVTE), đảm bảo cho trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Ðó là mục tiêu chung trong công tác BVTE của tỉnh nhằm giảm tối đa các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ, giảm số trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại…

Năm 2020, Phú Yên phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống BVTE; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; giảm tỉ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại; 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi...

Hỗ trợ tư vấn tâm lý tại cộng đồng

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Kim Hiểu (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) thường xuyên ở nhà để hướng dẫn cho cháu Nguyễn Nhật Hiếu (SN 2013) những kỹ năng sống trong cộng đồng, những tình huống tránh tai nạn bỏng, đuối nước... Vừa làm bếp, chị vừa hướng dẫn cháu Hiếu phải thận trọng khi tắt mở bếp gas và cách nấu nước sôi an toàn. Chị Hiểu cho biết: “Tôi tham gia dự án Hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ trong cộng đồng do tổ chức WWO hỗ trợ thông qua Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên đã 2 năm. Tôi được tập huấn về sinh hoạt kỹ năng sống cho trẻ, với những chủ đề như: đặc điểm tâm lý trẻ em; đặc điểm tâm lý và phương pháp giáo dục trẻ em trong độ tuổi dậy thì; làm bạn với con; ứng phó với lạm dụng tình dục... Nhờ đó, tôi nắm bắt được tâm lý, có cách dạy bảo, chăm sóc trẻ tốt hơn”. Theo chị Hiểu, thời gian này, bọn trẻ đều ở nhà vì dịch COVID-19, nên chị càng phải chăm sóc và hướng dẫn các cháu cách phòng tránh tai nạn thương tích kỹ hơn.

Chị Trần Thị Trọn ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, chăm sóc cháu Trịnh Thị Trang (SN 2007) được 2 năm theo dự án của WWO. Chị Trọn chia sẻ: “Tham gia dự án này, tôi được hướng dẫn rất kỹ về các kỹ năng chăm sóc cho trẻ. Dự án cũng hỗ trợ y tế, giáo dục cho trẻ như tặng sách vở, dụng cụ học tập...; hỗ trợ kinh phí trong thời gian cách ly xã hội do dịch bệnh để trang trải cuộc sống và đảm bảo chăm sóc các cháu được tốt hơn”.

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, là đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án phát triển hệ thống BVTE, trung tâm đã phối hợp với một số địa phương triển khai mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện mô hình trẻ em đang được chăm sóc thay thế tại cộng đồng; truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng về mô hình chăm sóc thay thế trẻ em cho 539 người, tại 10 điểm trên địa bàn Sông Cầu, Tuy An; cung cấp và kết nối dịch vụ BVTE; thiết lập mạng lưới kết nối để BVTE... Những hoạt động trên góp phần không nhỏ trong việc phát triển hệ thống BVTE ngày càng tốt hơn.

Nhân rộng các mô hình BVTE

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Những năm qua, tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là BVTE khỏi xâm hại, bạo lực, phòng chống suy dinh dưỡng, tai nạn thương tích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tỉnh đã triển khai các mô hình, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như: mô hình nhận nuôi thay thế tại cộng đồng theo chế độ chính sách bảo trợ xã hội đối với trẻ em; huy động cộng đồng phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ; mô hình người chăm sóc trẻ và CLB Kỹ năng sống cho trẻ em tại cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện một số mô hình để phát triển hệ thống BVTE toàn diện hơn như: Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, duy trì hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ BVTE; xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, hiện nay, các dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng tăng (toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 trẻ em trong nhóm này - PV); vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, trẻ bị xao nhãng trong chăm sóc, nuôi dạy; vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số, môi trường mạng cần được quan tâm giải quyết.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH tiếp tục tham mưu cho tỉnh xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, BVTE; nâng cao năng lực quản lý cho đối tượng là cán bộ tham gia hệ thống từ cấp tỉnh, huyện; cung cấp dịch vụ BVTE cũng như kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực về BVTE cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BVTE các cấp, cộng tác viên BVTE tại cộng đồng, cha mẹ và trẻ em; nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ em, nhất là việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực để đáp ứng kịp thời việc cung cấp các dịch vụ BVTE hiệu quả.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/237573/de-tre-em-duoc-song-trong-moi-truong-an-toan.html