Để trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước

TP. Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ hơn 60% và là thành phố đi đầu trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Về hướng phát triển của ngành này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố không ngừng phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh so với các khu vực khác trong cả nước và có tỷ trọng đóng góp lớn trong GRDP. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Trước những thách thức trong giai đoạn tới, để giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của các nước, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, có các nghiên cứu, đề xuất mới trong hoạch định chiến lược khu vực dịch vụ để thích ứng hài hòa trong bối cảnh mới và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển thành phố nói chung và ngành dịch vụ của thành phố nói riêng.

Theo đó, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu như bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; khoa học - công nghệ; kinh doanh bất động sản; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; y tế và chăm sóc sức khỏe; lưu trú và ăn uống. Các nhóm ngành này sẽ được phát triển theo hướng tập trung nhân lực có trình độ kỹ thuật, hàm lượng tri thức cao, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 của TP. Hồ Chí Minh, trong xu hướng chuyển đổi kép sang nền kinh tế xanh, kinh tế số, ngành dịch vụ rất quan trọng trong quy hoạch năm 2030 và 2050. Do đó, các ngành các cấp cần có giải pháp tác động mạnh mẽ và hiệu quả để giúp ngành này phát triển; cần chú trọng các nhóm ngành như không gian số, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa...

Góp ý thêm, giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển thành trung tâm dịch vụ lớn, thành phố nên tập trung theo hướng thâm dụng công nghệ và thâm dụng tri thức, trở thành trung tâm dịch vụ toàn diện.

Trên thực tế, có 4 mô hình dịch vụ mà thành phố có thể tham khảo. Đó là dịch vụ về tài chính, đổi mới sáng tạo, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, để phát triển mô hình trung tâm dịch vụ lớn, TP. Hồ Chí Minh cần xác định có 5 yếu tố cốt lõi cần tập trung thực hiện. Đó là cơ sở hạ tầng, yếu tố cộng đồng, môi trường đầu tư ưu đãi và những trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu thành lập sở giao dịch hàng hóa. Cơ quan này sẽ góp phần kiểm soát và giải quyết bài toán về tiêu chuẩn hóa hàng hóa, đặc biệt đối với hàng giá trị lớn, có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Điều này cũng giúp người tiêu dùng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm chủ lực của thành phố.

Ngoài ra, cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển dịch vụ cao cấp. Ông Nguyễn Tấn Thành (Viện Kinh tế và Phát triển Giao thông Vận tải) cho biết, thành phố đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong việc trở thành trung tâm dịch vụ cao cấp, hiện đại của khu vực và thế giới. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển các ngành dịch vụ là yếu tố quyết định, không chỉ nâng cao chất lượng và hiệu quả mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng cường năng lực cạnh tranh. Và để đạt được mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện một loạt giải pháp tổng thể, từ việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đến tăng cường liên kết vùng và thu hút các nguồn lực tài chính, nhân lực từ cả trong và ngoài nước…

Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định, đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là đòn bẩy cho sự phát triển của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Chính quyền thành phố sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo các ngành triển khai hiệu quả các cơ chế đột phá, chính sách phù hợp. Đồng thời tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển các ngành dịch vụ, kinh tế mũi nhọn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trên trường quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-lon-cua-ca-nuoc-159389.html