Để trường học an toàn, hạnh phúc
Mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc không nằm ngoài 3 chữ 'an'. Đó là học sinh đến trường an toàn, thầy cô làm việc phải được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường an tâm. Xây dựng trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ, phát triển của bản thân thầy cô, học trò mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng.
Thay đổi tư duy, “cởi trói” cho học sinh
Ông Hà Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên cho biết, khi biết đến mô hình trường học hạnh phúc, ông đã chủ động tìm hiểu, tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm cũng như các khóa tập huấn. Mong muốn của ông là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, giúp cho học sinh cũng như giáo viên, nhân viên nhà trường cảm nhận và tìm được ý nghĩa hạnh phúc trong học tập và trong cuộc sống.
Việc làm đầu tiên của ông Vinh đó là tập trung đổi mới tư duy về giáo dục cho đội ngũ cán bộ, giáo viên với phương châm “Nghiêm túc trong công việc, tôn trọng lẫn nhau, vì học sinh hành động”. Bởi ông hiểu rằng muốn có trường học hạnh phúc phải có con người, nghĩa là những chủ thể hạnh phúc.
“Trường học hạnh phúc cần là một văn hóa bao trùm trong môi trường học tập, khiến tất cả mọi người, từ thầy cô, học sinh tới những người bảo vệ, tạp vụ trong trường đều cảm nhận được hạnh phúc và lan tỏa những năng lượng tích cực. Ngoài ra, phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đồng hành cùng nhà trường tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc” - ông Vinh nhấn mạnh. Với vai trò là người đứng đầu, hiệu trưởng cần hạnh phúc từ chính tâm thức của mình, như thế mới có thể lan tỏa được tới những người xung quanh và biến nhận thức thành hành động.
Cụ thể, nhà trường luôn khuyến khích, hỗ trợ để các cán bộ, giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực và thay đổi hành vi, thái độ với nhau, với phụ huynh và học sinh trên tinh thần gần gũi hơn, yêu thương hơn. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc thi, viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao bản lĩnh và trình độ chuyên môn. Mỗi cán bộ, giáo viên có thành tích tốt đều có khen thưởng, động viên kịp thời. Tuy là một ngôi trường ở vùng quê không có nhiều thuận lợi về mọi mặt nhưng đến nay đã có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và một cô giáo được tổ chức giáo dục Varkey bình chọn vào top 50 giáo viên toàn cầu năm 2019.
Với đối tượng học sinh, nhà trường không chỉ quan tâm đến việc học tập trên lớp với những tiết học đổi mới, đầy hào hứng mà còn tổ chức nhiều câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa thường xuyên giúp học sinh thêm tự tin, có thêm những trải nghiệm cũng như tạo sự gắn kết tình thầy trò, bè bạn. Nhiều buổi tọa đàm, đối thoại với học sinh diễn ra định kỳ để giải tỏa áp lực, động viên và xây dựng ước mơ và hoài bão cho học sinh.
Cũng với quan điểm để mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc với cả giáo viên, nhân viên và học sinh, TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, trước hết cần “cởi trói” cho học sinh, không áp nhiều quy chế, kỷ luật hà khắc, mắng mỏ khi học sinh học yếu, bị điểm kém. Không nên đặt vấn đề thành tích, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao. Muốn thế, phải thuyết phục thầy, cô không kêu ca, chê bai học sinh; không nhìn học trò theo điểm số hoặc tạo áp lực. Thay vào đó, thầy cô vui vẻ, tự tạo ra bầu không khí thân thiện, yêu thương. Làm sao cho mỗi học trò, bất kể thế nào phải tiến bộ, cha mẹ học sinh hài lòng, tin tưởng. “Khi mối quan hệ giữa con người với con người thay đổi, trẻ vui vẻ, yêu trường, thầy cô và có niềm vui đến trường thì học hành sẽ tiến bộ” - ông Hòa chia sẻ.
Trường học hạnh phúc là mô hình mở
Theo TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã khởi động dự án trường học hạnh phúc hướng đến sự hạnh phúc cho các em, phụ huynh học sinh, nhà trường. Với sự tham gia của các cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước, Bộ GDĐT luôn tôn trọng sự đa dạng, sự khác biệt ở từng trường, đồng thời cần đảm bảo các giá trị cốt lõi của nhà trường hạnh phúc.
Đến thời điểm này, dự án trường học hạnh phúc đã triển khai hết giai đoạn 1, các giai đoạn tiếp theo hướng đến đề xuất mô hình căn bản về trường học hạnh phúc (đảm bảo các tiêu chí cơ bản) và mô hình trường học hạnh phúc toàn diện. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước đã triển khai và thực tế của Việt Nam, các chuyên gia nhìn nhận việc lựa chọn và xây dựng mô hình trường học hạnh phúc phụ thuộc vào các điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục.
TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện mô hình trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được áp dụng triển khai trong các cơ sở giáo dục đào tạo các cấp. Bao gồm 3 nhóm tiêu chuẩn về con người, gồm 6 tiêu chí; về dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí; về môi trường gồm 4 tiêu chí. Dựa vào Bộ tiêu chí, Ban giám hiệu, ban lãnh đạo, hội đồng sư phạm tự đánh giá mức độ đạt được của trường. Chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cao thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng để trường học hạnh phúc.
Sở GDĐT Hà Nội đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của cấp học mầm non, tiêu chí của các cấp học khác đang được khẩn trương xây dựng. Đây là cơ sở quan trọng để các trường học trên địa bàn thành phố triển khai, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm, mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc không nằm ngoài 3 chữ “an”. Đó là học sinh đến trường an toàn, thầy cô làm việc phải được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường an tâm. Xây dựng trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ, phát triển của bản thân giáo viên, học trò; mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng. Tùy điều kiện thực tế ở mỗi trường học mà Ban giám hiệu có chiến lược xây dựng mang tính đặc thù, không thể áp dụng theo khuôn mẫu mà cần linh hoạt để phù hợp với đơn vị mình.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, trường học hạnh phúc không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất người học. Việc thực hiện trường học hạnh phúc cần trên tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, tránh chạy theo thành tích.
GS. TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:
Hạnh phúc là mong muốn không chỉ của các em học sinh, mà còn là kỳ vọng của phụ huynh và là mục tiêu của các thầy, cô và nhà trường. Đây là trách nhiệm chung của gia đình và nhà trường để giúp các em đạt được các điều mình mong muốn. Mỗi người với nỗ lực thay đổi từ những điều nhỏ nhất cũng có thể mang đến cho các em những điều tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh có nhiều áp lực từ xã hội, phụ huynh, giáo viên cần nhận thức trước hết việc đừng tìm kiếm hạnh phúc từ người khác. Mỗi người phải tự biết làm cho mình hạnh phúc. Từ đó lan tỏa hạnh phúc đến người khác, tạo ra môi trường hạnh phúc thực sự còn nếu chờ đợi người khác mang hạnh phúc đến thì rất khó.
Để có trường học hạnh phúc, từ khóa là “thay đổi” – từ khóa quan trọng để có thể chuyển hóa đổi mới giáo dục, và nỗ lực này phụ thuộc vào hiệu trưởng rất nhiều, không chỉ tập trung vào quản lý giáo dục mà còn là xây dựng văn hóa hạnh phúc trong nhà trường.
TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam:
Bản chất của trường học hạnh phúc là làm cho giáo viên có được cảm xúc hạnh phúc. Điều này quyết định những hành vi của giáo viên, khi giáo viên hạnh phúc thì những hành vi, giải pháp của giáo viên sáng suốt hơn, hành vi tích cực hơn, nghĩ ra nhiều cách để có thể hóa giải hoặc xử lý những vấn đề giáo viên phải đối mặt trong quá trình giáo dục học sinh.
Trong bối cảnh chung giáo viên chịu nhiều áp lực, mệt mỏi, căng thẳng với nhiều tác động làm thầy cô mất cảm xúc tích cực, thay vào đó là những cảm xúc tiêu cực. Nếu cảm xúc tiêu cực bị ngự trị thì giáo viên sẽ dễ mất kiểm soát, không sáng suốt để ứng xử những tình huống sư phạm.
Chính vì vậy, giải pháp trường học hạnh phúc là hướng dẫn cho người học, người dạy, đặc biệt là giáo viên biết cách điều tiết, quản trị những cảm xúc không tích cực bằng cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực, nhân nó lên và truyền cảm hứng, tạo động lực cho chính mình và lan tỏa tới những đồng nghiệp, học sinh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-truong-hoc-an-toan-hanh-phuc-10271719.html