Để 'Tự hào và tin tưởng' lan tỏa mạnh mẽ
'Tự hào và tin tưởng' là những từ đầu tiên trong tiêu đề bài viết: 'Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng' của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
Thực tiễn lịch sử cách mạng hào hùng, sinh động của dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều đó và ngày nay, niềm tự hào và tin tưởng đang lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và trong đời sống xã hội, trở thành động lực đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, dân tộc ta đã từ đêm trường nô lệ, bước ra ánh sáng, thành lập nhà nước độc lập Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân, chiến thắng đế quốc, giành độc lập, hòa bình và thống nhất non sông.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đến nay đã 38 năm, đạt được thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Lời nhận xét “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” không chỉ được ghi vào văn kiện, mà còn là hiện thực sinh động có thể cảm nhận được trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay.
Lịch sử hào hùng của dân tộc, không chỉ chúng ta vô cùng tự hào, mà bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều nể phục. Càng tự hào, chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Có niềm tin là có tất cả. Có niềm tin chúng ta mới có động lực tiếp tục vững bước tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chinh phục những mục tiêu phát triển mới.
Trên thực tế, mặc dù sự thật hiển nhiên là như vậy, nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên do không chịu thường xuyên tu dưỡng, trau dồi tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Bệnh” không kịp thời được điều trị từ nhẹ đã ngày càng nặng hơn khiến họ trở thành những cán bộ cửa quyền, hách dịch, tham ô, tham nhũng, tiêu cực; nhiều người bị cho thôi chức, cách chức, khai trừ khỏi Đảng, có người phải chịu những hình phạt thích đáng của pháp luật, của lương tâm...
Do đó, các cấp ủy tổ chức Đảng phải thường xuyên quan tâm khơi dậy niềm tự hào và củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu thường xuyên; để sự “tự hào và tin tưởng” lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và trong đời sống xã hội, trở thành động lực đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, nhưng đồng thời, chúng ta phải rất tỉnh táo, thực hiện đúng tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư đã quán triệt trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Đó là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khóa XIII và đến năm 2030.
2. Muốn làm được điều đó, các cấp ủy tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập rất cụ thể, sâu sắc trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt, vận dụng thật tốt một số bài học kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc được rút ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, nhất là luôn luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn có ý kiến khác nhau, cần phải đưa ra họp bàn, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn và phù hợp với tình hình.
Để giữ vững và lan tỏa tinh thần “Tự hào và tin tưởng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm, mỗi cấp ủy tổ chức Đảng phải thường xuyên quan tâm, có chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc; đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực, sinh động, gần gũi, hấp dẫn, truyền cảm hứng, gắn với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân.
Các cấp ủy tổ chức Đảng cần quan tâm, đầu tư xứng đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ; trang bị cho họ kiến thức nền tảng vững chắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những kiến thức mới, văn kiện mới của Đảng. Đặc biệt, cần nghiên cứu sâu sắc những tác phẩm, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản vừa qua, trong đó có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Đây là những tư liệu có giá trị, vừa kế thừa những lý luận nền tảng, cơ sở, vừa thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo mang tầm nhìn thời đại gắn với các giải pháp vận dụng sáng tạo vào hiện thực sinh động của đất nước ta, với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu nhằm trau dồi kiến thức, năng lực, trình độ, hiểu rõ, hiểu sâu để tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn; giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; không bị lung lay, dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào; đặc biệt là không rơi vào những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có biện pháp tự kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn ngay từ khi mới chớm mắc vào những biểu hiện đó...
Cấp ủy tổ chức Đảng không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Cán bộ, đảng viên không ngừng cố gắng để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống làm gương, làm mực thước cho “làng nước” noi theo; cán bộ giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu. Song song, cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải luôn luôn đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh kiên quyết với mọi biểu hiện làm mất uy tín của Đảng, nhất là nạn tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, chia rẽ đoàn kết trong Đảng, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; xây dựng văn hóa đạo đức cán bộ, đảng viên “Dĩ công, vi thượng”.
Mỗi cấp ủy tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, nhất là trên không gian mạng; bằng những việc làm tốt, trách nhiệm, gương mẫu của mình ngày càng tô thắm thêm lá cờ vẻ vang của Đảng và Tổ quốc, qua đó thắp sáng thêm niềm tự hào, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Làm được như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hùng cường, thịnh vượng, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-tu-hao-va-tin-tuong-lan-toa-manh-me-658690.html