Để tỷ trọng đào tạo STEM đạt 35%, cơ sở vật chất cần đầu tư đồng bộ và hiện đại
Đại diện trường đại học cho rằng đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên cũng cần được bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng về STEM.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đặt mục tiêu đối với giáo dục đại học đến năm 2030 là dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
Theo đánh giá, đây là một cơ hội lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học, cũng đi kèm với nhiều thách thức.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Việt Hải, Phó trưởng khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Thông qua chu trình STEM, các kiến thức khoa học được áp dụng nhanh chóng vào thực tiễn (quá trình kĩ thuật) và ngược lại thông qua thực tiễn đặt ra các bài toán, các vấn đề mới để các nhà khoa học giải quyết để tạo ra tri thức mới (quá trình khoa học).
Như vậy, việc tăng tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM có vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển của xã hội, của quốc gia trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay. Cụ thể:
Điều này tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về kĩ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thông qua các ngành học STEM, các chủ đề STEM, người học có cơ hội vận dụng kiến thức liên ngành, các kỹ năng tổng hợp vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, của kĩ thuật hiện nay”.
Cũng theo thầy Phùng Việt Hải, trên góc độ giáo dục, phát triển giáo dục STEM ở trường phổ thông tốt sẽ thu hút nhiều học sinh thích, đam mê với các môn khoa học tự nhiên như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học và Toán, khắc phục dần hiện trạng học sinh chọn nhiều các môn khoa học xã hội như hiện nay.
Thông qua giáo dục STEM, tạo cơ hội để các em vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn, từ đó phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến.
Cùng bàn luận về chủ đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Hải - Phó Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, việc tăng tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đây là những ngành mũi nhọn, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện chất lượng cuộc sống và xây dựng nền kinh tế tri thức bền vững.
Ngành STEM là nơi cung cấp đội ngũ nhân lực có năng lực cao, có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp trong khoa học, công nghệ, môi trường và xã hội. Khi quy mô đào tạo các ngành này được mở rộng, xã hội sẽ có đủ lực lượng lao động có trình độ, sáng tạo và đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của đất nước.
Các ngành STEM không chỉ dạy kiến thức mà còn khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo. Những nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực này thường xuyên đưa ra những giải pháp đột phá, giúp giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hay phát triển công nghệ tiên tiến.
Các ngành STEM đóng vai trò then chốt trong việc phát triển công nghiệp và hiện đại hóa nền kinh tế. Công nghệ và kỹ thuật tiên tiến là nền tảng để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, từ đó tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp 4.0, đặc biệt là AI, robot, dữ liệu lớn, và Internet of Things (IoT), nhu cầu về nhân lực STEM ngày càng cao. Việc đào tạo mạnh mẽ các ngành này sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội nghề nghiệp, từ đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống.
STEM không chỉ giới hạn trong các ngành học riêng biệt mà còn tạo ra cơ hội phát triển các ngành nghề liên ngành, kết hợp giữa khoa học, công nghệ, xã hội và kinh tế. Điều này giúp tạo ra những giải pháp toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong tương lai.
Nhiều thách thức mà các CSGDĐH cần vượt qua
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Hải cho hay, đào tạo các ngành STEM yêu cầu đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại như phòng thí nghiệm, công cụ nghiên cứu, phần mềm, và công nghệ hỗ trợ học tập. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu.
Các trường đại học cần tìm kiếm các nguồn tài trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp và viện nghiên cứu để có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần thiết cho các ngành STEM.
Bên cạnh đó, mặc dù ngành STEM mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, nhưng không phải sinh viên nào cũng dễ dàng lựa chọn các ngành này. Nguyên nhân có thể đến từ tâm lý ngại khó, thiếu tự tin vào khả năng toán học, khoa học, hoặc thậm chí là sự thiếu hiểu biết về tiềm năng nghề nghiệp. Các ngành STEM thường yêu cầu người học có khả năng tư duy logic, phân tích và giải quyết vấn đề, điều này có thể khiến một số học sinh cảm thấy khó khăn và e ngại.
Ở một số vùng, đặc biệt là khu vực nông thôn, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng giáo dục và cơ hội học tập trong các ngành STEM vẫn còn khá lớn. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao trong các ngành này.
Do vậy, các trường đại học cần xây dựng các chương trình tư vấn nghề nghiệp và cung cấp thông tin đầy đủ về cơ hội nghề nghiệp, mức thu nhập, và tầm quan trọng của ngành STEM trong tương lai. Các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi khoa học, và các chương trình thực tập có thể giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn về giá trị của ngành STEM.
Tiến sĩ Phùng Việt Hải cũng có cùng nỗi băn khoăn: “Là một trường Sư phạm với ba định hướng đào tạo: khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đang đối mặt với những thách thức cần vượt qua để phát triển theo hướng STEM.
Đầu tiên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo STEM cần được đầu tư đồng bộ và hiện đại hơn. Thứ hai, đội ngũ giảng viên và kỹ thuật viên cần được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng về STEM, đồng thời phát triển tư duy giáo dục STEM và tư duy liên ngành, thay vì tiếp tục duy trì tư duy đơn ngành như hiện nay.
Thứ ba, chương trình đào tạo theo hướng STEM cần được xây dựng bài bản, chất lượng và cập nhật phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Thứ tư, sự liên kết giữa trường và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần được củng cố để tạo ra môi trường học tập thực tế cho sinh viên.
Cuối cùng, sự quan tâm của xã hội, gia đình và học sinh đối với lĩnh vực STEM và các ngành học liên quan còn khá hạn chế, cần có những chiến lược tuyên truyền và nâng cao nhận thức rộng rãi hơn”.
Theo thầy Phùng Việt Hải, nhằm thực hiện các mục tiêu tăng tỷ trọng đào tạo khối ngành STEM, thời gian qua Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã triển khai một số giải pháp quan trọng.
Về chương trình đào tạo và bồi dưỡng, nhà trường khuyến khích các khoa đưa các học phần về giáo dục STEM vào trong chương trình đào tạo của các ngành như Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên, Tin học… Đồng thời, trường cũng đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo hướng STEM như Vật lý kỹ thuật, Sư phạm công nghệ, và Công nghệ giáo dục.
Về phát triển đội ngũ, nhà trường thành lập nhóm nghiên cứu mạnh về giáo dục STEM, tổ chức các hội thảo, hội nghị với các chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm phát triển đội ngũ giảng viên có chuyên môn về giáo dục STEM tại các khoa. Trường cũng tạo điều kiện cho giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến giáo dục STEM.
Về đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ đào tạo sinh viên, đồng thời trang bị các thiết bị phục vụ giảng dạy STEM cho các khoa và lập đề án không gian sáng chế, trải nghiệm.
Ngoài ra, trường tổ chức các sân chơi về STEM cho sinh viên, như Cuộc thi "Sinh viên UED về giáo dục STEM" hàng năm và Ngày hội Open Day, giúp sinh viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn.
Cùng với đó, nhà trường tích cực tuyên truyền, quảng bá về giáo dục STEM để nâng cao nhận thức của học sinh và cộng đồng xã hội, nhằm tạo sự quan tâm và khuyến khích học sinh theo học các ngành STEM.