Tết 'đặc biệt' của những học sinh 'đặc biệt'
Những hoạt động này không quá nổi bật, náo nhiệt như tại trường phổ thông bình thường, nhưng lại rất phù hợp với các em học sinh đặc biệt.
Không thể có hoạt động ồn ào, náo nhiệt như những học sinh trường học thông thường, tuy nhiên, với mong muốn giúp các em có thể được hòa nhập với xã hội, tăng cường các kỹ năng sống, học sinh ở trường chuyên biệt đã được các thầy cô và ban lãnh đạo nhà trường tổ chức những hoạt động đón Tết đầy ý nghĩa và ấm áp.
Tổ chức hoạt động đón Tết thế nào cho phù hợp?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Minh Thảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phổ thông cơ sở Hy Vọng (Hà Nội) bày tỏ, cô cũng như các thầy cô nhà trường luôn mong muốn tổ chức những hoạt động hòa nhập với xã hội cho các em học sinh bởi đây là trường chuyên biệt nên môi trường giao tiếp của các em khá hạn chế, khó khăn, thậm chí kể cả lúc ở nhà cũng khó tiếp xúc với mọi người trong gia đình.
Chính vì vậy, trong những hoạt động đón năm mới vừa qua, nhà trường đã tổ chức một số hoạt động giao lưu với các trường phổ thông bình thường khác để giúp các em học sinh được mạnh dạn, tự tin và hòa nhập với xã hội hơn.
Theo đó, các em học sinh Trường Tiểu học Phổ thông cơ sở Hy Vọng đã cùng tham gia múa, vẽ chung những bức tranh, vui chơi những trò chơi dân gian với các bạn học sinh ở một số trường phổ thông trên địa bàn.
Cô Thảo thông tin, hầu hết các em học sinh nhà trường đều thuộc những trường hợp như không nói được, không nghe được, một số em lại bị chậm phát triển trí tuệ nên vốn các hoạt động không thể náo nhiệt được như những học sinh bình thường khác.
Cũng giống như nhiều học sinh khác của Trường Tiểu học Phổ thông cơ sở Hy Vọng, em Nguyễn Thanh Chương bị hạn chế rất nhiều trong việc nghe và nói nên chưa rõ yêu cầu của một số hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Chương bày tỏ, với cách tổ chức của nhà trường, em đã rất vui khi được tham gia các hoạt động vui chơi đón Tết. Trong đó, em thích nhất là được tham gia hoạt động múa và mong muốn được tham gia thêm nhiều hoạt động như vậy hơn nữa.
Nhìn lại năm 2024, vị Hiệu trưởng bày tỏ niềm vui mừng khi nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, chính quyền, các trường bạn và các tổ chức thiện nguyện trên địa bàn. Chính những sự giúp đỡ ấy đã thúc đẩy cô và đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để mang lại môi trường học tập tốt nhất có thể cho các em học sinh đặc biệt.
Đặc biệt, năm vừa qua cũng là thời điểm nhà trường kỷ niệm 30 năm thành lập. Điều đáng mừng là nhiều cựu học sinh từ khóa 1 đến khóa tốt nghiệp gần nhất đều quay về trường trong tình trạng khỏe mạnh, có khả năng tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình và hầu hết đều có con cái như những người bình thường. Ai ai cũng đều bày tỏ nỗi niềm, sự quý trọng những điều mà các thầy cô nhà trường đã giảng dạy, hỗ trợ, giúp các cựu học sinh có được cuộc sống hòa nhập như ngày hôm nay.
Trong đó, câu chuyện của một em học sinh mới tốt nghiệp năm 2024 đã để lại nhiều dấu ấn đối với cô Thảo.
Cô Thảo kể lại, bố mẹ của em học sinh này ban đầu không quan tâm tới con khi biết con bị khuyết tật và phó mặc cho ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, với những người đã nhiều tuổi như ông bà tất yếu cũng có những hạn chế trong việc nuôi dạy những trẻ em đặc biệt. Vì vậy, thời điểm ban đầu mới vào trường, em học sinh này đã có những hành động không tốt với các bạn học xung quanh.
Tuy nhiên, sau thời gian dài học tập ở trường, em đã có một cuộc sống hòa nhập như những người bình thường khác. Sau khi tốt nghiệp, em đã thi đỗ vào một trường cao đẳng sư phạm và lúc có thời gian vẫn về trường để hỗ trợ cho các em học sinh khóa dưới.
Cũng theo cô Thảo, không giống như những giáo viên tại các trường phổ thông bình thường, giáo viên của trường chuyên biệt như Trường Tiểu học Phổ thông cơ sở Hy Vọng phải vừa giảng bằng lời nói vừa phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và tăng cường sử dụng hình ảnh để truyền tải kiến thức cho các em. Trong khi đó mức thu nhập cũng không được cao.
Không chỉ riêng tiết học mà trong các hoạt động ngoại khóa như hoạt động vui chơi đón Tết, thầy cô nhà trường cũng phải nghiên cứu kỹ khả năng của từng em trong lớp bởi đối tượng học sinh là rất đa dạng, có bạn không nghe được, không nói được, không chịu giao tiếp, … Từ đó mới giúp các em học tập được thêm các kỹ năng tùy theo khả năng của từng em.
Đối với các em học sinh “đặc biệt”, việc giáo dục kỹ năng sống là quan trọng hơn cả. Vậy nên, các thầy cô nhà trường luôn rất chú trọng vào các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Tuy nhiên, khó khăn trong đội ngũ của nhà trường là không phải thầy, cô giáo nào cũng tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt ra nên cũng phải tốn một khoảng thời gian, các thầy cô mới có thể nắm được chuyên môn để giảng dạy cho các em.
Hầu hết thầy cô mới về ai cũng có những lúc thấy nản vì vất vả và khó khăn nhưng dần dần sau khi tiếp xúc, thấy thương học sinh nên cũng nỗ lực cố gắng và nâng cao chất lượng giảng dạy nhiều hơn. Từ đó tình yêu thương dành cho việc giảng dạy trẻ em đặc biệt cũng ngày càng lớn dần.
Nhân dịp năm mới 2025, cô Thảo mong rằng, công tác giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nữa. Bởi, thực tế hiện nay, việc bố trí đội ngũ này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Đã có nhiều trường hợp sau khi đi học hòa nhập ở trường bình thường do không được hỗ trợ, không có giáo viên có chuyên môn nên phải quay lại nhà trường để học lại từ đầu. Điều này đang làm tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của học sinh.
Cần có thêm chế độ thu hút thí sinh vào học ngành giáo dục đặc biệt
Cùng chia sẻ về hoạt động đón Tết của học sinh đặc biệt, cô Phạm Thị Kim Tâm, nhà sáng lập, quản lý Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh), Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cho biết, nhu cầu và niềm vui của trẻ em đặc biệt thường đơn giản hơn các học sinh khác.
Chính vì vậy, trước Tết khoảng 01 tháng, thầy cô nhà trường đã dạy các em học sinh qua hình thức là những hình ảnh và đồ vật mô phỏng về các loại hoa, quả, bánh kẹo, vật dụng, thực phẩm thường thấy trong dịp tết, như hoa mai đào cúc, dưa hấu, bưởi, bánh chưng bánh tét, bao lì xì, câu đối tết, chúc tết, ông đồ, hội xuân …
Bên cạnh đó, trường cũng trang trí tiểu cảnh và cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị đồ trang trí như dán hoa, làm bao lì xì, làm bánh. Sau đó, cho các em chụp hình với những thành quả trang trí của mình và gửi hình về cho ba mẹ.
Những hoạt động này không quá nổi bật, náo nhiệt như tại trường phổ thông bình thường, nhưng lại rất phù hợp với các em học sinh đặc biệt.
Không những vậy, khi có thời gian, thầy cô nhà trường cũng đưa các em đi đến những trung tâm thương mại để trẻ vui chơi, chụp hình, ăn uống …, đồng thời vừa học về sự kiện ngày tết, vừa học kỹ năng xã hội.
Cô Tâm cũng đưa ra một số lưu ý trong ngày Tết đối với những gia đình có con là trẻ đặc biệt. Theo đó, Tết là thời điểm cha mẹ thường bận rộn dọn dẹp và tiếp khách, sẽ có ít thời gian để nhắc nhở các con vận động và các con sẽ xem tivi và điện thoại, máy tính nhiều hơn. Vì vậy, cô Tâm mong rằng, cha mẹ dành thời gian nhắc trẻ vận động, hoặc lôi kéo trẻ tham gia vào các hoạt động của cả nhà nhiều hơn.
Đặc biệt, khi cha mẹ đưa các em đến nơi đông người, cần giám sát chặt chẽ hơn vì các em rất dễ đi lạc, dễ bị kích động bởi tiếng ồn hoặc nơi xa lạ, hoặc dễ có những hành vi mất kiểm soát, dễ làm phiền cho người xung quanh.
Để công tác giáo dục trẻ đặc biệt ngày càng được phát triển hơn, cô Tâm mong rằng, nhà nước cần có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút thí sinh vào học ngành giáo dục đặc biệt. Hơn nữa, giáo viên tại các trường chuyên biệt cần được đào tạo hàng năm để cập nhật kiến thức mới và nâng cao năng lực, chuyên môn.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tet-dac-biet-cua-nhung-hoc-sinh-dac-biet-post248839.gd