Để văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đúng hướng
'Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật' là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực văn hóa của Chính phủ thời gian tới. Đây cũng là trăn trở lâu nay của nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu…
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:
Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách
Một trong những nguyên nhân quan trọng tác động không tốt tới đời sống văn học nghệ thuật những năm qua chính là còn nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để đưa các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ đi vào đời sống.
Các cơ quan quản lý nhà nước chậm trễ trong xây dựng, tham mưu với các cơ quan chức năng để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nền văn học nghệ thuật có nhiều lĩnh vực như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa… nhưng mới chỉ có 1 luật, đó là Luật Điện ảnh. Tình trạng trên làm cho đội ngũ văn nghệ sĩ và chính các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, giải quyết các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống.
Chúng ta chưa xây dựng được những cơ chế cụ thể để đưa văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Cơ chế, chính sách đối với văn học nghệ thuật và đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật hiện nay đã quá cũ, quá lạc hậu so với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống nên không thể có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo cho họ động lực và khát khao sáng tạo.
Nhìn từ thực tiễn, chúng ta có thể nhận thấy sự quan tâm đầu tư về mọi mặt, xây dựng chính sách, cơ chế để các tổ chức Hội phát huy chức năng, vai trò, nhiệm vụ trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của các cơ quan liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa chuyển hóa được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cơ quan chức năng chưa xây dựng văn bản pháp quy để hướng dẫn tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, trong đó có quy định văn học nghệ thuật; do không có cơ sở pháp lý nên lĩnh vực văn học nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội tham gia và trong công tác tổ chức thực hiện việc sáng tạo, dàn dựng, in ấn xuất bản và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Những vấn đề nêu trên cần sớm khắc phục. Những vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cộng với sự lên tiếng mạnh mẽ của các Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam:
Đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ
Những năm qua, văn học nghệ thuật đã có nhiều thành tựu to lớn; số lượng và chất lượng tác phẩm ngày càng nhiều, phong phú, đa dạng về thể loại, cách diễn đạt, phong cách thể hiện mới. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay thiếu hụt những tác phẩm mới có nội dung tư tưởng và chất lượng cao; một số tác phẩm chạy theo thị hiếu thấp kém, chủ đề câu khách. Thị trường văn học nghệ thuật chưa phát triển, đời sống văn nghệ sĩ nhiều khó khăn. Một số ngành chịu tác động của cơ chế thị trường, xu hướng hội nhập nên ngày càng mai một, khủng hoảng nhân lực, đang "báo động đỏ" vì thiếu vắng văn nghệ sĩ tài năng như: điện ảnh, sân khấu truyền thống dân tộc, nghệ thuật biểu diễn, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó vấn đề tư tưởng, nhận thức, trình độ chuyên môn và sự thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết là vấn đề mấu chốt. Muốn văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đúng hướng cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Cần xây dựng hành lang pháp lý và chiến lược quốc gia phát triển văn học, nghệ thuật. Chiến lược này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để bảo đảm tính khả thi, định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, đến kế hoạch triển khai, bảo đảm nguồn lực đầu tư.
Ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như các loại hình nghệ thuật truyền thống, kịch hát dân tộc, dân ca các dân tộc ít người.
Có giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước. Nghiêm cấm hiện tượng khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu, giải thưởng, đồng thời nghiêm khắc đấu tranh khắc phục những thói hư tật xấu, biểu hiện tha hóa trong một bộ phận văn nghệ sĩ.
PGS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Ưu tiên quản lý tác phẩm trên không gian mạng
Văn học nghệ thuật mặc dù đã được cởi trói, đã tự do, dân chủ nhưng thực tế các nhà văn, nhà sáng tác văn học, nghệ thuật vẫn phải tự kiểm duyệt mình, tạo nên tâm lý tự hạn chế, không dám động chạm đến các vấn đề ngóc ngách nhất, căn cốt nhất. Cho nên, nhiều khi tác phẩm không phản ánh hết được cuộc sống, không đi vào lòng công chúng, không đủ sức thuyết phục lòng người. Nếu như thế, chúng ta khó có tác phẩm chất lượng cao như văn kiện các kỳ đại hội Đảng, các chiến lược phát triển văn hóa đề cập đến. Đó là các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, có khả năng rung động hàng triệu người, có tác động xã hội to lớn, vừa trực tiếp lại vừa lâu bền. Đây là những cái hạn chế và kiềm tỏa lẫn nhau. Một khi người ta không dám nói thẳng, nói hết, luôn có những vùng cấm, thì tác phẩm văn học nghệ thuật không phát huy được sứ mệnh của mình, trở thành công cụ đấu tranh một cách hiệu quả nhất.
Hơn nữa, văn hóa mạng, phương tiện nghe nhìn truyền thông mới đang lấn át. Người tiêu dùng nghệ thuật bị phân tán; khán giả, công chúng nói chung cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Giới trẻ không thưởng thức các tác phẩm nghiêm túc, tác phẩm có tư tưởng giá trị nghệ thuật cao mà đi vào khai thác các tác phẩm nhảm nhí trên mạng, gây khó kiểm soát, không quản lý được. Những câu chuyện, vấn đề trên Youtube, Tiktok, văn học mạng tràn lan như thế khó để định hướng xã hội, khó điều chỉnh giáo dục, khó tận dụng công cụ của văn hóa nghệ thuật để làm công cụ giáo dục tri thức.
Trước thực trạng này, từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, theo tôi, cần tạo điều kiện cho sáng tác dân chủ hơn, tự do sáng tác, tự do thông tin hơn. Việc quản lý tác phẩm trên không gian mạng cần làm rốt ráo nếu không chúng ta thua ngay trên sân nhà. Văn nghệ sĩ đích thực, sống có trách nhiệm với xã hội, hết lòng vì nghề nghiệp sẽ không được tôn vinh, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống; còn những đối tượng gian dối, lợi dụng chiêu trò sẽ được trọng dụng, tạo nên ngụy giá trị trong giới làm nghề. Việc quản lý, lưu hành, phổ biến và phát triển các tác phẩm văn học nghệ thuật trên không gian mạng phải là vấn đề được ưu tiên và cấp bách cho toàn xã hội hiện nay.