Để văn hóa truyền thống 'thấm sâu' vào mỗi học sinh
Gìn giữ văn hóa truyền thống cần phải bắt đầu từ những đứa trẻ. Cùng với gia đình thì trường học là nơi các em gắn bó nhiều nhất. Vì thế việc đưa những nét đẹp văn hóa dân tộc vào môi trường học đường là một trong những cách làm đang được quan tâm, được các cơ sở giáo dục tích cực triển khai thực hiện.
Từ những điều gần gũi
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, các trường học trên địa bàn đều khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào một số ngày trong tuần và những sự kiện văn hóa văn nghệ của nhà trường, địa phương. Đối với các trường dân tộc nội trú thì việc mặc trang phục truyền thống đã thành nề nếp. Vào thứ hai hàng tuần, mỗi trường đều rực rỡ sắc màu thổ cẩm, họa tiết, kiểu cách trang phục các dân tộc.
Những năm gần đây, các trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tính tập thể cho học sinh tham gia, trong đó có trình diễn trang phục truyền thống. Hoạt động nhằm giáo dục niềm tự hào, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho học sinh. Đây cũng là hoạt động mà Trường THCS Thanh Nưa, huyện Điện Biên mới tổ chức, nằm trong kế hoạch xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tham gia chương trình, em Lường Thị Kiều Như, lớp 9D1 chia sẻ: “Em cùng các bạn giới thiệu đến toàn trường trang phục dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú của nam và nữ. Em rất tự hào khi mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Thái của mình, trình diễn trước thầy cô và bạn bè, góp phần truyền tình yêu văn hóa dân tộc tới mỗi người”.
Cùng với trang phục, thì các đồ dùng, vật dụng đặc trưng, cổ truyền các dân tộc cũng thường xuyên xuất hiện trong trường học. Chúng được sử dụng trong các tiết mục văn nghệ, hội thi, ngày hội của các trường, được trưng bày làm đẹp không gian văn hóa trong các sự kiện. Đặc biệt với trường mầm non, những đồ dùng ấy đều thân quen với mỗi lớp học, giúp trang trí các góc học tập thêm đa dạng, thu hút, gần gũi và tăng tương tác cho học sinh.
Tại Trường Mầm non Huổi Só, huyện Tủa Chùa những chiếc gùi, lu cở, cuốc, xẻng... đến những nhạc cụ như khèn Mông đều được “thu nhỏ”, xinh xắn, đáng yêu, trở thành đồ trang trí cho các góc học tập của lớp, của trường, phù hợp với độ tuổi các em mầm non.
Cô Hoàng Thị Thao, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trên địa bàn Huổi Só có 2 dân tộc chính là Mông và Dao. Mỗi dân tộc có nét đẹp đặc trưng. Để các em từ nhỏ đã hiểu và tự hào về truyền thống dân tộc mình, các cô giáo cùng phụ huynh tự tay làm nhiều đồ dùng sinh hoạt, lao động sản xuất, nhạc cụ... của các dân tộc phục vụ học tập. Các đồ này được làm theo dạng mô hình, tranh ảnh, đồ chơi hoặc phiên bản thu nhỏ, từ nhiều vật liệu khác nhau. Các em thích nhất là những đồ bằng gỗ, tre nứa giống y như vật dụng mà mình và gia đình vẫn sử dụng hàng ngày nhưng lại nhỏ nhắn, như một món đồ chơi, quà tặng. Điều này giúp các em thích thú khám phá và học hỏi hơn”.
Phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc
Tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh, nhiều năm nay, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Dân vũ - Nhạc cụ - Trang phục dân tộc là nơi “kết nối” học sinh nhà trường với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. CLB có khoảng 100 học sinh tham gia và sinh hoạt định kỳ theo từng tháng, với những chủ đề khác nhau.
Tham gia CLB ngay từ khi vào theo học tại trường, em Lò Thị Thu Hoài tự tin hơn rất nhiều khi thể hiện tài năng ca hát của mình. Hoài tâm sự: “Em rất vui khi được tham gia vào CLB. Đặc biệt là sau những giờ học căng thẳng, chúng em được ngồi lại với nhau để cùng hòa mình vào những bài hát dân tộc. Không chỉ hiểu thêm về văn hóa và nghệ thuật trình diễn của dân tộc Thái, em còn được tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc khác”.
Mỗi buổi sinh hoạt đều do các em tự xây dựng, thực hiện dựa trên hướng dẫn, quản lý của nhà trường, với việc sưu tầm, học hỏi các lời ca, điệu múa, sử dụng nhạc cụ; tập luyện các bài hát, múa, trình diễn dân gian truyền thống các dân tộc...
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh cho biết: “Được tiếp xúc thường xuyên với hoạt động văn hóa, học sinh sẽ nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng nét đẹp truyền thống của cộng đồng các dân tộc nói chung. Khi tình yêu văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng thì sẽ xây dựng lên những con người có nhân cách, ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng, dân tộc”.
Nhừng lời ca, điệu múa truyền thống cũng đã và đang được lan tỏa khắp các trường học. Thực hiện “Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ các dân tộc thiều số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn” của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản về việc tổ chức các hoạt động liên quan cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Trong đó yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường THCS, THPT, Cao đẳng Sư phạm Điện Biên chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn và tổ chức luyện tập cho học sinh, sinh viên thuần thục 1 loại hình biểu diễn tập thể tạo thành bản sắc riêng của từng đơn vị. Khuyến khích các nhà trường thành lập, phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc, các điệu nhảy đường phố. Duy trì hoạt động thường xuyên tại nhà trường, gắn liền với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động giáo dục khác.
Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, các trường còn triển khai tích cực nội dung giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới; lồng ghép vào từng môn học; truyền đạt về gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc qua hình thức tích hợp các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… gắn với thực tế, trải nghiệm văn hóa bản địa. Thông qua những hoạt động thiết thực ấy, các trường không chỉ góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giúp học sinh bồi đắp nhân cách và phát triển toàn diện.