Đề Văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Thí sinh 'đứng hình' với Vợ nhặt
Nhiều thí sinh 'đứng hình' khi tác phẩm Vợ nhặt xuất hiện trong đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2023. Các giáo viên nhận định đề vừa sức.
Thí sinh bất ngờ với Vợ nhặt nhưng đều hoàn thành bài thi
Là thí sinh bước ra khỏi điểm thi trường THPT chuyên Hà nội – Amsterdam sớm, thí sinh Lý Trần Kiên (Trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Đề không quá khó, không quá dễ, em hoàn thành hết bài thi và hi vọng được 8,5 điểm. Tuy nhiên, phần Làm văn khá khó và đoạn trích được đưa vào đề thi là đoạn nhiều bạn có thể không ngờ tới, thậm chí còn không nhớ rõ đã đọc qua trước đó”.
Còn với thí sinh Trần Thu Trang, “em hơi bất ngờ khi tác phẩm Vợ nhặt xuất hiện trong đề văn, đây là đoạn cuối của tác phẩm nên cũng ít học, tuy nhiên em cũng đã hoàn thành tốt bài của mình”.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Ngọc Thủy (mẹ thí sinh Trang) cũng cho hay: “Mình không quá lo lắng vì tin tưởng con học tốt”.
Em Hoàng Duy, thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi Trường THCS Vân Hồ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Đề năm nay không khó, em chỉ bất ngờ khi đề yêu cầu phân tích đoạn cuối cùng của bài Vợ nhặt. Không trúng tủ nhưng em cũng cố được 3 tờ, theo dự đoán em được khoảng 7,5 điểm”.
Còn em Khánh Vân (học sinh trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng) cho hay: "Em thấy đề thi năm nay vừa sức. Không có câu nào làm khó được em, ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội em nghĩ mình sẽ đạt điểm cao do em đã ôn luyện kĩ".
Không ít thí sinh chia sẻ “rất bất ngờ khi tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân được đưa vào đề thi vì trước đó có nhiều đồn đoán về tác phẩm Người lái đò sông Đà hoặc Đất nước”. Tuy nhiên, các thí sinh cho rằng với ngữ liệu cho sẵn và yêu cầu của đề thi không lắt léo, các em đã hoàn thành hết bài thi.
Nhận định chi tiết về đề Văn
TS. Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: "Đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GDĐT công bố ngày 1/3/2023. Cụ thể như sau:
Phần I đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết. Câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; câu 2 yêu cầu chỉ ra từ ngữ miêu tả cơn giông mùa hè trong 4 dòng thơ của khổ đầu – đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh.
Dù như quan điểm của dư luận nói chung, số lượng 2 câu hỏi nhận biết đã làm bớt đi 1 mức độ nhận thức trong 4 câu hỏi Đọc hiểu; và phần nào hạ thấp khả năng nhận thức của phần đông thí sinh, nhưng đây cũng những câu hỏi giúp những học sinh ít có điều kiện ôn luyện có cơ hội ghi điểm. Nên chăng, từ những kỳ thi sau, số lượng 4 câu Đọc hiểu nên phân bổ đều theo mức tăng dần của 4 mức độ nhận thức: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao.
Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong 4 dòng thơ của khổ 2. Câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai hình ảnh so sánh “Mưa ròng ròng như triệu ngón tay” và “Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”.
Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh trước hết phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh “cơn giông”; liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những “cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của nhà thơ Anh Ngọc.
Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động. Tuy nhiên, câu hỏi này có thể sẽ đưa đến những cách trả lời chung chung, hời hợt nếu thí sinh không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập.
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo.
Ở phần II Làm văn (7,0 điểm), giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Câu 1 cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kì ai, do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các em đạt được điểm tối đa. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loai tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh.
Câu 2 nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, sau trích đoạn cuối cùng của truyện ngắn “Vợ nhặt” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu phân tích đoạn trích trong truyện ngắn và “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”.
"Vẫn có một cảm giác hơi tiếc nuối khi ngữ liệu được chọn để nghị luận không phải là đoạn văn hay nhất, tiêu biểu nhất cho tài hoa của nhà văn Kim Lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và khắc họa chân dung nhân cách, thân phận… các nhân vật; và do đó đoạn kết chưa thực sự xứng với tầm một tác phẩm được coi là kiệt tác của Kim Lân.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi TNTHPT 2023 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo".