Để việc thông cấp khám, chữa bệnh thực sự hiệu quả
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây được đánh giá có nhiều điểm mới quan trọng nhằm nâng cao quyền lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh (KCB). Một trong những thay đổi quan trọng đó là sẽ thông cấp KCB trên toàn quốc.
Trước đây, Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11-12-2013 quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở KCB có 4 tuyến y tế gồm: tuyến trung ương; tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; tuyến xã, phường, thị trấn. Người đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở tuyến tỉnh hoặc trung ương không được hưởng quyền KCB thông tuyến tại cơ sở y tế tuyến huyện hoặc xã. Và ngược lại, tuyến xã và huyện nếu muốn chuyển viện lên tuyến trên sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục khá phức tạp.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư 01/2025/TT-BYT, sửa đổi Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT năm 2014, người tham gia BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi (100% mức hưởng) khi KCB tại các cơ sở y tế thuộc cấp ban đầu dù khác nơi đăng ký ban đầu, mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.
Quy định này áp dụng cho những trường hợp người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày và đã thực hiện khai báo lưu trú, bao gồm: người đi công tác đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; học sinh, sinh viên, học viên trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết tại gia đình hoặc trong giai đoạn thực hành, học tập, thực tập tại tỉnh khác; người lao động làm việc tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép về thăm gia đình; người làm việc lưu động tại tỉnh khác; người đến tỉnh khác để thăm thân nhân.
Rõ ràng, quyền lợi của người tham gia BHYT đã được nâng lên khi có thể chủ động lựa chọn cơ sở KCB phù hợp mà không bị giới hạn theo địa phương hay tuyến điều trị như trước. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu mà không phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục cũng như lo lắng về chi phí điều trị chênh lệch trái tuyến.
Mặc dù quy định mới đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng, nếu thông tuyến sẽ càng làm tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trung ương trở nên trầm trọng. Nhất là khi tuyến y tế cấp tỉnh, huyện, xã hiện nay còn hạn chế về đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực… Do đó, để việc thông cấp KCB thực sự hiệu quả cần có sự đầu tư, nâng cao chất lượng KCB ở tất cả các cơ sở y tế nhằm tạo sự đồng bộ và thực sự đem lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh.